Siết chặt quản lý tài chính doanh nghiệp Nhà nước

18:42 | 06/10/2011

418 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bộ Tài chính vừa đưa ra “Dự thảo Nghị định về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp (DN) và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước làm chủ sở hữu” theo hướng siết chặt.

Siết quản lý hoạt động đầu tư của DN Nhà nước để sử dụng vốn hiệu quả hơn.

Theo Ban soạn thảo, hoạt động quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào DN quản lý tài chính tại các DN do Nhà nước làm chủ sở hữu trong thời gian qua bộc lộ nhiều hạn chế. Hình thức đầu tư vốn Nhà nước vào DN cũng như thẩm quyền quyết định đầu tư vốn chưa được quy định cụ thể. Điều này dẫn đến việc đầu tư vốn của Nhà nước còn thiếu minh bạch, chưa xác định được kế hoạch nguồn vốn đầu tư hàng năm. Việc đầu tư thường xử lý cho từng trường hợp cụ thể dẫn đến không bảo đảm thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế.

Về cơ chế, mô hình quản lý, hiện Nhà nước đầu tư vốn và giao nhiệm vụ quản lý vốn Nhà nước đầu tư tại DN thông qua đại diện chủ sở hữu vốn và phân cấp cho các cơ quan khác nhau. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chưa phải tổ chức duy nhất được Nhà nước đầu tư vốn và giao nhiệm vụ quản lý, kinh doanh vốn Nhà nước.

Ngoài ra, khi chuyển thành công ty TNHH một thành viên (từ 1/7/2010), hoạt động quản lý đầu tư vốn, rút vốn, điều hoà vốn của công ty mẹ cũng có sự thay đổi và hiện đang gặp phải vướng mắc bởi một số quy định của Luật DN, Luật Chứng khoán, Luật Đầu tư. Thế nhưng, đến nay vai trò chủ sở hữu vốn Nhà nước tại công ty TNHH một thành viên chưa được quy định rõ.

Về cơ chế đầu tư vốn, theo Dự thảo, phạm vi quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước tại DN sẽ được thu hẹp bao gồm các công ty mẹ (DN cấp I) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trong mô hình tập đoàn kinh tế Nhà nước, tổng công ty (trong đó có Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước); công ty đầu tư tài chính Nhà nước và các DN quốc phòng, an ninh (không bao gồm nhiệm vụ quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn đối với DN không do Nhà nước sở hữu 100% vốn)…

Về đầu tư ra ngoài DN, Dự thảo quy định: “DN chỉ được đầu tư, góp vốn vào ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán mỗi lĩnh vực một DN. Mức vốn đầu tư vào từng lĩnh vực này không vượt quá 10% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn, nhưng tổng mức vốn đầu tư vào các lĩnh vực này không vượt quá 10% vốn chủ sở hữu của DN”.

Dự thảo cũng nêu rõ, nếu trong cùng tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ có các công ty con cùng đầu tư vào các lĩnh vực nêu trên thì tổng mức vốn góp của công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn không vượt quá 15% vốn điều lệ của tổ chức nhận góp vốn. Trường hợp đặc biệt có nhu cầu đầu tư vượt quá quy định này DN phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Về khống chế huy động vốn, Ban soạn thảo cho biết, tỷ lệ bình quân vốn huy động của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước bằng 1,5 lần vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiện có không ít DN hoạt động kém hiệu quả, làm mất vốn Nhà nước, sau quá trình hoạt động vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ (hoặc vốn Nhà nước), nếu cho những DN này được huy động vốn trên mức “vốn điều lệ” sẽ không bảo đảm được khả năng trả nợ của DN. Vì vậy, tại dự thảo Nghị định này lấy tiêu chí là “vốn chủ sở hữu” để khống chế mức huy động vốn của DN.

Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương ngày 8/9/2011 cho thấy, có 21/31 DN, ngân hàng đầu tư ra ngoài ngành nghề kinh doanh chính với tổng số vốn đầu tư ngoài ngành hơn 22.590 tỉ đồng. Trong 6 DN đầu tư ngoài ngành trên một nghìn tỉ đồng thì Tập đoàn Dầu khí dẫn đầu với 6.690 tỉ đồng, chiếm 3,76% vốn điều lệ; Tập đoàn Công nghiệp Cao su xếp thứ hai với 3.700 tỉ đồng nhưng chiếm tới 19,8% vốn điều lệ; Tập đoàn Điện lực là 2.100 tỉ đồng, chiếm 2,8% vốn điều lệ…

Thanh Ngọc