Sẽ có Sàn giao dịch nợ trước năm 2026?

06:52 | 26/12/2020

121 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong giai đoạn 2020-2025, Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành sàn giao dịch nợ.

Trong năm 2020, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nên các khoản nợ xấu đang có chiều hướng ra tăng mạnh mẽ. Theo báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) , thống kê từ 17 ngân hàng thương mại niêm yết cho thấy đến hết tháng 9/2020, nợ xấu đạt hơn 97.280 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cuối năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu tương đương 1,8% tổng tài sản.

Năm 2020, nợ xấu có chiều hướng tăng, do nhiều ngành nghề chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Năm 2020, nợ xấu có chiều hướng tăng, do nhiều ngành nghề chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Con số này phù hợp với tỷ lệ nợ xấu mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố dưới 2% một phần nhờ các biện pháp tạm thời do NHNN ban hành theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN nhằm nới lỏng các quy định về ghi nhận nợ xấu đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

VDSC dự báo, với giả định tăng trưởng tín dụng đạt 9% so với cùng kỳ vào năm 2020, ước tính tỷ lệ nợ xấu (không bao gồm các khoản đã bán cho VAMC) sẽ đạt khoảng 2,4% vào cuối năm 2020. Nhiều khả năng nợ xấu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và sẽ vượt ngưỡng 3% vào năm 2021.

Từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội có hiệu lực, VAMC đã xử lý được khoảng 313.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó xử lý nợ xấu nội bảng hơn 167.900 tỷ đồng, chiếm 53,8%; xử lý các khoản nợ ngoài bảng cân đối kế toán 74.900 tỷ đồng; riêng các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC dưới hình thức trái phiếu đặc biệt, đã xử lý được hơn 69.500 tỷ đồng.

Đánh giá về hoạt động mua bán nợ của VAMC, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho rằng, mua bán nợ xấu của VAMC hiện nay rất tích cực. Tuy nhiên phải đợi đến khi đủ điều kiện công nghệ và điều kiện cho phép, NHNN mới cấp phép giao dịch trên sàn.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó có thông tin đáng chú ý là việc NHNN yêu cầu VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ trước năm 2026.

VAMC được NHNN giao nhiệm vụ thành lập Sàn giao dịch nợ xấu trước năm 2026.
VAMC được NHNN giao nhiệm vụ thành lập Sàn giao dịch nợ xấu trước năm 2026.

Ông Đỗ Giang Nam - Phó Giám đốc VAMC cho biết: "VAMC đã đề xuất thành lập Sàn giao dịch nợ từ trước và với việc được chấp thuận lần này chúng tôi sẽ tập trung xây dựng đề án trong thời gian sớm nhất để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. VAMC đóng vai trò là cơ quan thiết lập, vận hành Sàn giao dịch nợ".

“Tôi tin rằng trong giai đoạn 2020-2025, VAMC sẽ hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành Sàn giao dịch nợ. Sang giai đoạn 2026-2030 VAMC sẽ mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình theo hướng mua, bán nợ và tài sản của mọi thành phần trong nền kinh tế; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động đầu tư và khai thác tài sản, tư vấn môi giới mua bán tài sản, định giá tài sản”, ông Nam chia sẻ.

Theo ông Đỗ Giang Nam, cùng với việc xây dựng Sàn mua bán nợ, các cơ quan Nhà nước phải hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện ngay khi sàn đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, giới chuyên gia phân vân, việc đưa nợ xấu lên sàn giao dịch sẽ khó đạt được hiệu quả. Bởi sàn giao dịch nợ xấu không như những sàn giao dịch bình thường khác, mà ở đây là sàn giao dịch các khoản nợ xấu, một loại hàng hóa đặc biệt. Điều đó đòi hỏi người tham gia phải hiểu rõ về bản chất của việc mua bán nợ.

Bản chất của các khoản nợ hầu hết là nợ xấu, nợ không có khả năng thu hồi vốn, nên sẽ rất ít khách hàng muốn mua, vì rủi ro quá cao. Vì vậy, cần phải sửa đổi những điều kiện tham gia sàn giao dịch nợ, thông tin khoản nợ được rõ ràng minh bạch, mới có thể thu hút được nhiều thành phần tham gia, tạo ra tính thanh khoản cho thị trường.

Theo enternews.vn