Sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump sẽ đi về đâu?

11:48 | 09/02/2017

1,118 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ngày 27/1/2017, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ký một sắc lệnh về di trú gây tranh cãi không chỉ trong lòng nước Mỹ mà cả trên thế giới khi cấm người tị nạn từ 7 nước có đa số dân theo Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ.
sac lenh di tru cua tong thong trump se di ve dau
Biểu tình chống sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump tại London ngày 4/2

Sắc lệnh này đã khiến hàng ngàn người bị kẹt lại tại các sân bay của Mỹ, kể cả những người thường trú có thẻ xanh trở về Mỹ từ các quốc gia trong danh sách.

Ngay lập tức, làn sóng biểu tình trên nhiều thành phố lớn của Mỹ như New York, Washington DC, Los Angeles hay San Fransico nổ ra rầm rộ và dường như không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Sắc lệnh của ông Trump đang đối mặt với một cuộc chiến pháp lý. Ngày 4/2, thẩm phán liên bang James Robart ở Seattle, do tổng thống George W Bush bổ nhiệm, ra phán quyết đình hoãn sắc lệnh gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump. Ngày hôm sau, đơn kháng cáo của Bộ Tư Pháp nộp vào chiều hôm trước, chống lại một phán quyết của thẩm phán liên bang James Robart đã bị toà phúc thẩm bác bỏ.

Lý giải cho sắc lệnh của mình, Tổng thống Donald Trump nói rằng, đây không phải là vấn đề tôn giáo, hay cấm nhập cảnh với người Hồi giáo mà nhằm để bảo vệ nước Mỹ khỏi khủng bố. Bằng chứng được viện dẫn là 40 nước đạo Hồi còn lại không bị ảnh hưởng bởi sắc lệnh này.

Ngược lại, phe phản đối cho rằng, sắc lệnh này vi hiến, phân biệt đối xử dựa trên tôn giáo và có thể khiến Hoa Kỳ hay dân Mỹ dễ bị tấn công hơn.

Hãng thông tấn Reuters dẫn lời Thượng nghĩ sĩ John McCain và Lindsey Graham cho rằng, lệnh cấm này sẽ làm tổn thương cuộc chiến chống khủng bố. Nhiều nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng nói không thể trông cậy sắc lệnh này khi nó hạn chế ngay cả người nhập cảnh hợp pháp bao gồm cả những người đã có thẻ xanh thường trú ở Mỹ. Đỉnh điểm của cuộc tranh cãi là việc 100 công ty công nghệ Mỹ cùng với 2 tiểu bang và 2 cựu Ngoại trưởng Mỹ đứng ra khởi kiện sắc lệnh của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Mỹ ở San Francisco chiều ngày 7/2 nghe lập luận từ các luật sư trong Bộ Tư pháp và các luật sư phản đối đại diện cho hai bang Washington-Minnesota để quyết định xem có nên giữ hay hủy lệnh cấm di trú của Tổng thống.

Tòa cho biết phán quyết sẽ có nội trong tuần này.

Theo giới luật sư, nếu Tòa San Francisco cho giữ nguyên sắc lệnh của Tổng thống Trump, nước Mỹ sẽ rơi vào cuộc khủng hoảng biểu tình, căng thẳng hơn những gì từng thấy từ cuộc bầu cử Tổng thống hôm 8/11 vừa qua.

Các chuyên gia về Luật Di trú Mỹ cho rằng, giằng co pháp lý sẽ không dừng lại ở Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 tại San Francisco, mà sẽ tiếp tục đi thẳng lên Tòa Tối cao.

“Ở Tòa Thượng thẩm sẽ là bước cuối cùng, luật cuối cùng, trừ phi Quốc hội ra luật mới. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Trump hiện nay với cả Thượng lẫn Hạ viện đều do phe Cộng hòa của ông Trump kiểm soát, tôi không cho rằng Quốc hội sẽ ra luật mới ảnh hưởng tới quyết định của Tòa Tối cao, trừ phi ông Trump phải rời chức hay phe Dân chủ, chứ không phải là phe Cộng hòa, kiểm soát Quốc hội” - Luật sư Ted Laguatan ở San Francisco, Chuyên gia về Luật Di trú, nói.

Luật sư Laguatan cho biết trong trường hợp chính quyền thua kiện tại Tòa Tối cao, Tổng thống Trump không thể làm gì hơn để đảo ngược phán quyết của Tòa, cũng không thể ban hành một sắc lệnh nào tương tự như thế. Cách duy nhất, có chăng, phải là một đạo luật do Quốc hội ban hành.

Trong khi chờ đợi tòa phúc thẩm San Francisco ra phán quyết sau cùng với khả năng dây dưa, kẻ thua kéo người thắng lên tận Tòa án Tối cao, Bộ Ngoại giao Mỹ mà trong nội bộ cũng chống lại Donald Trump, đã nhanh chóng xếp sắc lệnh nhập cư qua một bên. Hệ quả là khoảng 60.000 visa nhập cảnh bị đình chỉ đã được tái lập giá trị. Giới luật sư thúc giục thân chủ khẩn cấp lên máy bay còn các hãng hàng không quốc tế đón nhận lại hành khách từ 7 quốc gia trong danh sách đen trong các chuyến bay sang xứ “Nữ thần tự do” sau vài ngày gián đoạn.

Theo giới quan sát, đây là hành động làm trái ý tổng thống của Bộ Ngoại giao. Trước đó, sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump bị khoảng một ngàn nhân viên trong bộ ngoại giao ký kiến nghị phản đối.

Nh.Thạch

tổng hợp