Quy mô "khủng" của Sáng kiến Vành đai và con đường do Trung Quốc đứng đầu

15:05 | 27/03/2021

157 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
139 thành viên của Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI), bao gồm cả Trung Quốc, hiện đang chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu và 63% dân số thế giới.
Quy mô khủng của Sáng kiến Vành đai và con đường do Trung Quốc đứng đầu - 1
Đã có 139 quốc gia gia nhập vào sáng kiến BRI của Trung Quốc (Ảnh: Xinhua)

Mùa thu năm 2013, ngay sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất xây dựng "Vành đai kinh tế con đường tơ lụa" trên bộ kéo dài từ Trung Quốc tới Trung và Nam Á, Trung Đông và châu Âu. Đồng thời, ông còn đề xuất xây dựng "Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21" nối liền Trung Quốc với Đông Nam Á, Trung Đông, châu Phi, châu Âu qua các tuyến đường biển lớn.

Những sáng kiến này đã cùng hình thành nên BRI, được Trung Quốc chính thức gọi là "một vành đai, một con đường". Sáng kiến này đã nhanh chóng trở thành chủ trương trong chính sách đối ngoại đặc trưng của ông Tập.

Dưới sáng kiến này, các ngân hàng và doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm cách đổ tiền vào các dự án xây dựng đường sá, nhà máy điện, cảng biển, đường sắt, mạng 5G và cáp quang trên khắp thế giới.

BRI có phạm vi hoạt động rất rộng, nhưng những nước nào đã tham gia vào sáng kiến này? Câu trả lời là rất khó để xác định một cách rõ ràng, bởi Trung Quốc không làm rõ phạm vi chính xác của BRI cũng như mức độ khác nhau khi tham gia vào sáng kiến này.

Nhưng theo báo cáo của Tổ chức độc lập CFR, bức tranh này đang dần hé lộ.

Ban đầu, BRI tìm cách kết nối các nước Trung, Nam và Đông Nam Á với Trung Quốc. Trong hai năm sau khi BRI ra mắt, chỉ có 10 nước chính thức gia nhập sáng kiến này bằng cách ký một biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận hợp tác.

Tuy nhiên, năm 2015, BRI bắt đầu mở rộng phạm vi khi có thêm 17 nước gia nhập. Năm 2017, Trung Quốc đã mở rộng phạm vi của BRI sang cả châu Mỹ Latin lấy lý do là "sự mở rộng tự nhiên của con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21".

Mùa thu năm 2017, BRI đã được đưa vào hiến pháp của Đảng cộng sản Trung Quốc. Sau sự kiện đó, chỉ trong năm 2018, có thêm 61 nước tham gia vào BRI.

Tính đến nay, tổng cộng đã có 139 quốc gia gia nhập vào sáng kiến BRI của Trung Quốc, trong đó thành viên mới nhất là Cộng hòa Dân chủ Congo.

BRI hiện thực sự là một sáng kiến mang tầm vóc toàn cầu khi có 39 quốc gia ở châu Phi cận sa mạc Sahara, 34 quốc gia ở châu Âu và Trung Á, 25 quốc gia ở Đông Á và Thái Bình Dương, 18 quốc gia ở châu Mỹ Latin và Caribbean, 17 quốc gia ở Trung Đông và Nam Á.

139 thành viên của BRI, bao gồm cả Trung Quốc, hiện đang chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu và 63% dân số thế giới.

Bên cạnh việc nhấn mạnh những lợi ích từ BRI đối với các quốc gia phát triển, Bắc Kinh cũng tranh thủ cả những quốc gia thuộc mọi thành phần thu nhập để mời gọi tham gia vào sáng kiến này. 26 nước thu nhập thấp và 39 nước thu nhập trung bình thấp đã gia nhập sáng kiến, chiếm gần một nửa số lượng thành viên của BRI. Bên cạnh đó, 41 quốc gia thu nhập trung bình và 33 nước thu nhập cao cũng đã tham gia BRI, chiếm hơn một nửa số thành viên tham gia.

Các thành viên của BRI bao gồm cả các nước đồng minh và đối tác của Mỹ như Hy Lạp, Italy, Ả rập xê út, Các tiểu vương quốc Ả rập, cũng như các nước có quan hệ mật thiết với Trung Quốc như Lào, Campuchia.

Theo tổ chức này, mặc dù các thành viên của BRI rất đa dạng, nhưng những quốc gia đã từ chối tham gia BRI nhìn chung dân chủ hơn, ổn định về chính trị và phát triển về kinh tế hơn những quốc gia đã tán thành sáng kiến này.

Mặc dù vậy, không phải tất cả các thành viên của BRI đều có dự án với sáng kiến này. Một số quốc gia chỉ chính thức xác nhận BRI như một khái niệm và cam kết hợp tác với Trung Quốc để thúc đẩy sáng kiến.

Trong những năm tới, Bắc Kinh dự kiến sẽ tiếp tục vận động các nước tham gia vào BRI. Trong đó, nước này sẽ tập trung vào các nước ở khu vực Mỹ Latinh và Tây Âu, nơi các nước như Argentina, Brazil, Pháp, Đức và Tây Ban Nha vẫn đang nằm ngoài sáng kiến này.

Theo Dân trí