Phòng, chống hiệu quả hơn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

16:52 | 31/05/2022

70 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đề cập nhiều hơn đến chế tài xử lý các hành vi vi phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Cơ bản đồng tình với quy định này, song ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đề nghị cần rà soát, nghiên cứu để xây dựng được hệ thống cơ chế giám sát, kiểm soát mang tính liên ngành, rõ ràng, không chồng chéo, phòng, chống hiệu quả, triệt để hơn các hành vi này.

Gỡ vướng để các cơ sở nghiên cứu quản lý, phát triển tài sản trí tuệ

Dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung quan trọng, như giao quyền cho tổ chức, cá nhân đăng ký sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ giống cây trồng được tạo ra có sử dụng một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách nước một cách tự động hoặc không bồi hoàn (Điều 86a). Quy định cơ chế phân chia hợp lý giữa Nhà nước, tác giả và tổ chức chủ trì (Điều 133a, 135, 136a). Đánh giá cao những nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu rõ, đây là bước tiến lớn trong việc tháo gỡ vướng mắc để các cơ sở nghiên cứu quản lý, phát triển tài sản trí tuệ tạo ra từ nghiên cứu khoa học. Dự thảo Luật đã bổ sung nội dung về nguồn gen, tri thức bản địa, cho phép góp vốn bằng tài sản trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa công nghệ.

Phòng, chống hiệu quả hơn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) phát biểu. Nguồn: quochoi.vn

Để hoàn thiện hơn nội dung dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị, cần xem xét, bổ sung các đối tượng khác, như giống vật nuôi, công nghệ sinh học, thủy sản, các loại tảo, nấm, vi sinh vật, vì hiện nay chúng ta mới đề cập đến giống cây trồng.

Về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu Nguyễn Thị Lan đề nghị, cần xem xét lại hợp lý thời gian nghiên cứu và thời gian cấp bằng bảo hộ các quyền trên. Mặc dù, dự thảo Luật đã điều chỉnh thời gian cấp bằng sáng chế không quá 18 tháng, nhưng điều này vẫn có thể gây khó khăn cho những đề tài có thời gian nghiên cứu từ 2 -3 năm, hoặc có những đề tài chỉ từ 1 - 2 năm. Điều này dễ dẫn đến hiện tượng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ, thì các cá nhân, tổ chức thường không thực hiện được nội dung này, đồng nghĩa sẽ ảnh hưởng đến việc bảo hộ các bản quyền công nghệ, đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.

Làm rõ quy định, biện pháp bảo hộ nguồn gen

Dự thảo Luật cũng bổ sung, đề cập nhiều hơn đến chế tài xử lý các hành vi vi phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, cần rà soát, nghiên cứu để xây dựng được hệ thống cơ chế giám sát, kiểm soát mang tính liên ngành, rõ ràng, không chồng chéo, phòng, chống hiệu quả và triệt để hơn các hành vi này. Đồng thời, cần xây dựng cơ sở pháp lý cho việc thiết lập và cơ chế vận hành minh bạch các liên kết hợp tác sáng tạo giữa doanh nghiệp, người sản xuất, trường đại học, viện nghiên cứu và Nhà nước. Đây là giải pháp quan trọng, giúp tạo dựng bảo vệ và khai thác hiệu quả hơn các tài sản trí tuệ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cũng đề nghị, dự thảo Luật cần điều chỉnh, bổ sung bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm địa phương, trong đó chú trọng đến các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương, hình thành nhiều sản phẩm OCOP có thương hiệu cao, tiềm năng xuất khẩu lớn, góp phần quan trọng trong phát triển nền nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn mới.

Ghi nhận việc dự thảo Luật lần này cũng đã bổ sung nội dung nguồn gen và tri thức bản địa, nhưng theo đại biểu Nguyễn Thị Lan, cần làm rõ quy định và biện pháp bảo hộ nguồn gen, quy trình sản xuất các nguồn vật liệu tạo ra từ kiến thức bản địa của người dân Việt Nam, đồng thời, làm rõ cách phân chia lợi nhuận trong cộng đồng bản địa đó. Nguồn gen, vật liệu, tri thức bản địa là thế mạnh của nước ta trong bối cảnh hiện nay. Do đó, trong dự thảo Luật nên có quy định thúc đẩy, phát triển thế mạnh này để trở thành sản phẩm hàng hóa có giá trị cạnh tranh trên thị trường.

"Cần bảo hộ được những giá trị này, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, các tổ chức, quốc gia bên ngoài sẽ tăng cường tìm kiếm, khai thác trong khi chúng ta chưa có hệ thống đủ mạnh để khai thác phát triển và thương mại. Nếu dự thảo Luật không quy định chặt chẽ, nước ta sẽ dễ mất đi các nguồn gen sinh học quý hiếm, mất đi bản quyền giá trị khai thác từ những nguồn tài sản giá trị thiên nhiên này", đại biểu Nguyễn Thị Lan nói.

Theo Hoàng Ngọc/ Báo điện tử Đại biểu Nhân dân