Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn: Đã không xử lý triệt để lại còn không báo cáo

09:38 | 12/12/2011

1,011 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong số 77, chúng tôi đã đăng tải bài "Bắc Kạn bị "bới tung" vì… vàng". Sau khi báo đăng, tòa soạn đã nhận được nhiều thông tin phản hồi từ Bắc Kạn. Để tiếp nối dòng thông tin báo động về vấn nạn "vàng tặc", kỳ này Báo Năng lượng Mới xin giới thiệu nội dung cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Du Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn.

>> Bắc Kạn bị “bới tung” vì… vàng

PV: Xin ông cho biết tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Du: Đối với tỉnh Bắc Kạn, toàn tỉnh đâu cũng có vàng, chì và kẽm, nên tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trước đây chúng tôi đã xử lý tương đối im ắng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây lại rộ lên, điểm nóng là hai địa bàn Ngân Sơn và Na Rì.

Ông Nguyễn Văn Du, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn

PV: Ông có thể lý giải tại sao đang im ắng lại nóng lên như vậy?

Ông Nguyễn Văn Du: Có hai vấn đề chính. Một là, do giá vàng tăng chóng mặt trong thời gian qua nên người dân đổ xô đi tìm vàng. Thứ hai, một số cán bộ chủ chốt ở những nơi này (nơi có tình trạng khai thác vàng trái phép) chưa quan tâm đúng mức trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản tại địa phương mình quản lý.

Thêm nữa tôi thấy rằng, một bộ phận số ít người dân chưa hiểu rõ về pháp luật cho nên những đối tượng cầm đầu việc khai thác khoáng sản trái phép đến lôi kéo, mua đất của người dân, lôi kéo người dân tham gia. Còn người dân có được gì không? Tôi khẳng định luôn là người dân không được cái gì cả, mà người được là những đầu nậu khai thác trái phép kia. Người dân không những không được gì mà đất được khai thác vàng các đầu nậu bỏ đi không hoàn thổ cho, đó là điều chắc chắn. Những sự việc trên chúng tôi đang xử lý. Chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các huyện tăng cường công tác quản lý khoáng sản, đặc biệt là nâng cao trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền nơi đó, đặc biệt là ở Na Rì và Ngân Sơn. Và hiện nay chúng tôi đã thành lập tổ công tác đi thực tế.

PV: Thưa ông, tổ công tác thành lập lâu chưa, nhiệm vụ là gì?

Ông Nguyễn Văn Du: Tổ công tác mới thành lập, nhiệm vụ là kiểm tra tình trạng khai thác và quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản của các cấp chính quyền do Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) làm tổ trưởng và một số ngành khác. Cũng nói luôn những chỗ khai thác khoáng sản trái phép giao cho lực lượng chức năng, thanh tra của Sở TN&MT đi kiểm tra, phải có công an bảo vệ những người thực hiện pháp luật mới được còn nếu không thì chẳng giải quyết được vấn đề gì. Còn kết quả cụ thể như thế nào thì chắc thời gian tới sẽ biết. Trong thời gian vừa qua, tỉnh làm rất kiên quyết, tịch thu máy móc, nay họ khiếu kiện lại về chuyện tịch thu. Quy định của Nghị định 150 và 177 sửa đổi bổ sung: Những loại máy móc khai thác khoáng sản trái phép thì phải tịch thu toàn bộ. Chúng tôi kiên quyết xử lý đúng, mà đúng là phải thực hiện. Vì một số tỉnh như ở Quảng Nam, Đà Nẵng người ta còn đốt đi cơ mà. Ở đây tịch thu, bán thanh lý rồi nộp ngân sách thì đó là điều tốt.

Một trong những chiếc máy xúc bị tịch thu tại tỉnh Bắc Kạn đang chờ xử lý

PV: Thưa ông, lý do tại sao những chủ phương tiện khiếu kiện lại Chủ tịch UBND tỉnh?

Ông Nguyễn Văn Du: Thực ra mà nói họ chẳng có lý do nào cả, họ chỉ kêu việc xử lý nặng quá thôi. Nhưng nặng nhẹ như thế nào thì người dân khai thác bằng phương pháp thủ công đã vi phạm rồi, đây họ dùng máy móc khai thác thì vi phạm rất nặng, ngay cả trong biên bản họ cũng khẳng định là họ khai thác trái phép.

PV: Được biết họ đã kiện ra tòa, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Du: Cái đó chúng tôi không rõ lắm. Việc đưa ra tòa hay không là quyền của họ.

PV: Đối với những biện pháp xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép thì việc tịch thu và tiêu hủy máy móc là những biện pháp cực kỳ cứng rắn và quyết liệt, mình hoàn toàn có quyền bác bỏ khiếu kiện của họ?

Ông Nguyễn Văn Du: Quyền khiếu nại là quyền của công dân, chính vì thế ta phải xem xét giải quyết cho thấu đáo, nếu ta phủ quyết là không tôn trọng pháp luật, cần phải có cơ quan chức năng giải quyết.

PV: Thưa ông, chúng tôi làm việc với UBND huyện Na Rì họ có nói khi đoàn công tác kiểm tra tình trạng khai thác vàng trái phép đến nơi đã bị lộ, họ nói thông tin bị lộ từ cơ sở. Chủ tịch huyện Na Rì nói vậy, ông đánh giá thế nào về việc này? Có phải đoàn công tác khi kiểm tra đã có những sơ hở?

Ông Nguyễn Văn Du: Bản thân tôi là người có trách nhiệm tham mưu cho tỉnh về việc quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản, chúng tôi thấy có những hiện tượng như vậy nhưng không có cơ sở. Chúng tôi thành lập đoàn công tác đến đó kiểm tra nhưng không thấy gì, cái đó thực là khó hiểu và không thể giải thích được. Đó là điều vô cùng khó khăn, chúng tôi chỉ mong rằng các cơ quan chức năng hãy nhập cuộc. Còn những việc như nhà báo nêu chúng tôi không dám khẳng định có hay không trong nội bộ và không hiểu hiện tượng đó như thế nào. Không phân tích được vấn để này.

PV: Qua thực tế tại địa phương, chúng tôi được biết người dân có đất ven sông, đất có vàng câu kết với chủ khai thác để ăn chia, cán bộ địa phương đã biết, theo luật thì cơ sở không quản lý được thì trách nhiệm sẽ thuộc về người đứng đầu, như vậy Bắc Kạn đã có những quy chế, biện pháp nào xử lý chưa?

Ông Nguyễn Văn Du: Ở đây chúng tôi có hẳn một Quyết định 2693 và chỉ thị của Tỉnh ủy chỉ đạo hết sức rõ ràng, người đứng đầu ở địa phương nào xảy ra sự việc ấy thì người đó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hiện nay ở Ngân Sơn đã tiến hành kiểm điểm từ cán bộ xã trở lên.

PV: Hiện nay, qua người dân cũng như thực địa của chúng tôi được biết các công ty được cấp phép khai thác, nhưng lợi dụng lúc đêm hôm họ câu kết với người dân ra ngoài địa bàn cấp phép để khai thác. Tình trạng đó ông có nắm được không?

Ông Nguyễn Văn Du: Cái này tôi chưa thấy có báo cáo. Hôm nay tôi mới biết thông tin, thực ra mà nói ban ngày thì họp hành suốt, không có thời gian để “vi hành”. Thật sự việc đó chúng tôi không nắm được.

PV: Thưa ông, đối với lãnh đạo tỉnh là như vậy, còn đối với lãnh đạo huyện, xã, có những người nói là tai họ không điếc, mắt họ không mù, mà khai thác vàng làm cả đêm ngay cạnh đường như thế. Tại sao xử lý không triệt để?

Ông Nguyễn Văn Du: Xử lý không triệt để là một. Nhiều nơi đã không xử lý mà còn không báo cáo.

PV: Vậy, ngoài việc người dân khai thác vàng trái phép còn những công ty khai thác có phép họ hoạt động có đúng cam kết không về mô hình hoàn thổ sau khai thác?

Ông Nguyễn Văn Du: Trước đây ta cấp phép, có đánh giá tác động môi trường, có phương pháp cải tạo môi trường. Nhưng nay chúng tôi có phương án khác, nếu như cấp cho đơn vị khai thác 30ha chẳng hạn thì giai đoạn đầu cho khai thác 10ha sau đó hoàn thổ cải tạo môi trường rồi mới cho khai thác tiếp, cách quản lý của địa phương chúng tôi hiện nay là thế. Nếu làm như vậy cũng không có hiệu quả, theo tôi nghĩ đã hết cách rồi.

PV: Một vấn đề nữa xin chia sẻ với ông, đó là trong chuyến công tác tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm người vào khai thác vàng trái phép trong vùng lõi khu bảo tồn, điều này ông có nắm được?

Ông Nguyễn Văn Du: Chuyện khai thác trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ tôi đã đến tận nơi. Cũng phải nói rằng, trách nhiệm của Ban Quản lý khu bảo tồn làm chưa đến nơi đến chốn, không có lý nào mà lực lượng khai thác vàng trái phép đào xới hết cây cỏ và dây leo đi lại bảo không thuộc thẩm quyền của khu bảo tồn.

PV: Thưa ông, ông nói đã vào Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, vậy ông có nắm được diện tích rừng bị khai thác vàng trái phép đào xới không?

Ông Nguyễn Văn Du: Điều này chúng tôi chưa có đánh giá.

PV: Vậy tỉnh đã có quy chế nào chưa?

Ông Nguyễn Văn Du: Năm ngoái chúng tôi vào rừng và đã yêu cầu khu bảo tồn phải có quy chế đó. Từ ngày có quy chế đã hạn chế được rất nhiều, cái quan trọng là quy chế đó kết hợp với người dân thực hiện được mức nào.

PV: Xin cảm ơn ông!

Văn Hoàng (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc