Phim ngắn: Bước đệm cho tương lai điện ảnh Việt?!

06:45 | 05/10/2013

949 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hầu hết các đạo diễn nổi tiếng hiện nay ở nước ta đều khởi nghiệp bằng những bộ phim ngắn, trước khi ghi dấu với những bộ phim dài. Tuy nhiên, phim ngắn không phải chỉ là một bước đệm cho các đạo diễn vào nghề mà còn là một thể loại phim đang có xu hướng phát triển mạnh trong điện ảnh Việt gần đây.

Có thể nói, thể loại phim ngắn chính là câu trả lời hoàn hảo nhất cho những người làm phim trẻ, khi mới bước vào nghề. Họ là những người làm phim đang sở hữu một số “vốn” tương đối hạn chế về tất cả các mặt, từ chi phí sản xuất đến thiết bị kỹ thuật lẫn kinh nghiệm, tay nghề… Bởi đây là một thể loại phim được làm khá đơn giản. Cụ thể, người làm phim chỉ cần một chiếc máy chụp ảnh kỹ thuật số hiện đại, có chức năng quay phim chuyên nghiệp hoặc bán chuyên nghiệp thì đã có thể kể câu chuyện của mình qua những bộ phim ngắn với một chi phí sản xuất thấp; kênh phát hành cũng khá dễ dàng là qua Youtube và các mạng xã hội, các web phim ảnh, âm nhạc khác. Ngoài ra, việc làm phim ngắn cũng là cơ hội để những người làm phim trẻ này được tiếp cận với nhiều nhiều thể loại phim khác nhau từ tình cảm, hành động, kinh dị, viễn tưởng… để từ đó có được những kinh nghiệm thực tế nhất cho những bộ phim dài sau này.

Mặt khác, một câu hỏi được đặt ra là: con đường nào để những nhà làm phim trẻ đi đến những bộ phim nhựa dài? Làm sao để một nhà sản xuất có thể tin tưởng giao cho họ vài tỉ đến hàng chục tỉ để sản xuất một bộ phim? Câu trả lời cũng chính là dựa vào những bộ phim của chính họ làm ra, những bộ phim ngắn. Và đó cũng chính là con đường mà rất nhiều đạo diễn nổi tiếng đương thời ở nước ta đều đi qua. Điển hình gần đây nhất chính là đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và đạo diễn trẻ Phan Đăng Di.

Những phim ngắn được yêu thích gần đây: "16:30", "Người đàn ông trong bể cá”, "Trực với thư ký”

Phan Đăng Di được biết đến là đạo diễn ghi dấu ấn của điện ảnh Việt với thế giới qua phim truyện dài đầu tay “Bi, đừng sợ” (2009). Đây là một bộ phim được đã được trình chiếu tại hàng chục liên hoan phim (LHP) lớn trên thế giới và giành được rất nhiều giải thưởng, trong đó có hai giải thưởng uy tín tại LHP Cannes 2010. Đạo diễn trẻ này đã bắt đầu sự nghiệp đạo diễn bằng hai phim ngắn là “Khi tôi hai mươi (2006) và Sen (2005), hai bộ phim đã được lựa chọn vào những LHP uy tín như LHP ngắn Clermont Ferrent và LHP quốc tế Venice 2008. Ngược thời gian xa hơn một chút thì có đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, từ một bộ phim ngắn “Cuốc xe đêm” đoạt giải Ba tại LHP Cannes 2000 đã nhanh chóng giúp đạo diễn này đi qua con đường khuất nẻo của sự nghiệp điện ảnh để bước vào thảm đỏ của sự hội nhập, phát triển cho đến tận bây giờ.

Trong năm vừa qua, điện ảnh Việt cũng đón nhận sự “lột xác” của nhiều đạo diễn trẻ tiềm năng từ thể loại phim ngắn, họ hứa hẹn sẽ mang đến những tác phẩm phim dài hấp dẫn cho điện ảnh Việt trong thời gian tới. Đó là Nguyễn Khắc Huy, một gương mặt bước ra từ cuộc thi phim ngắn 89600km++ đã gần như trở thành một hiện tượng mới của điện ảnh Việt với bộ phim được xem là phim tiên phong trong thể loại viễn tưởng ở Việt Nam: “Đường đua”. Đặc biệt hơn là Trần Dũng Thanh Huy, từ một chàng trai vô danh bỗng chốc nổi tiếng đình đám trong giới phim ảnh với phim ngắn “16:30”. Đây chính là một trong số hơn 2.000 phim ngắn được tham gia trình chiếu tại Góc phim ngắn vừa qua tại LHP Cannes 2013. Trước đó thì phim này cũng đã “làm nên chuyện” khi đoạt hầu hết các giải thưởng ở thể loại phim ngắn tại các giải như: giành 5 giải thưởng tại tiệc phim YxineFF 2012 và đoạt giải Cánh diều vàng năm 2011. Thanh Duy đang bắt tay vào dự án phim dài của mình với Công ty phim Blue Production.

Tuy nhiên, ở thể loại phim ngắn đang tồn tại một thực trạng rằng: phong trào làm phim ngắn thì đang phát triển rầm rộ trong vòng 3 năm trở lại đây, số lượng phim thì ra đời ngày càng nhiều nhưng chất lượng lại rất thấp. Lý do, những người làm phim ngắn đa số chỉ làm theo hướng không chuyên nghiệp, tức là làm phim chỉ để trình chiếu trên Youtube với mục tiêu thu hút lượt xem. Họ không chú ý mấy đến chất lượng mà chủ yếu là làm sao để gây cười, thậm chí là nhảm! Đa số những người làm phim ngắn này không qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào, họ thiếu những kiến thức căn bản của thể loại phim ngắn và với họ, làm phim ngắn cũng chỉ là một thú vui mà thôi. Đích đến cuối cùng của những nhóm làm phim ngắn này là tìm kiếm tên tuổi để tiến đến quay các phim ngắn quảng cáo cho sản phẩm hoặc hay cao hơn là làm video clip ca nhạc (MV) cho các ca sĩ chuyên nghiệp và… tiếp tục làm phim ngắn là hết! Họ không thể tiến tới với các bộ phim dài.

Thêm một lý do khiến chất lượng nhiều phim ngắn còn kém là do ở khâu sản xuất. Nhiều nhóm làm phim trẻ nghĩ là chỉ cần với một kịch bản đơn giản, thông điệp đơn giản thậm chí chỉ cần chọc cười khán giả là được. Còn về thiết bị thì chỉ cần một máy ảnh quay phim với phần mềm dựng phim đơn giản trên máy tính; âm thanh thì thu trực tiếp từ máy ảnh; âm nhạc trong phim thì sử dụng những ca khúc sẵn có của các ca sĩ… Và chỉ cần như thế thì họ có thể làm ra một phim ngắn hoàn hảo. Tuy nhiên, đó là sai lầm, thiếu sót nghiêm trọng.

Đạo diễn Thanh Huy kể rằng, lúc anh làm phim “16:30” cũng chỉ sử dụng máy ảnh để quay, nhưng có sự tính toán về ống kính quay; anh dựng phim bằng máy tính đơn giản nhưng sau đó có khâu điều chỉnh màu và làm hiệu ứng. Và đặc biệt là khâu kịch bản, Thanh Huy cho biết đây là khâu tốn thời gian nhiều nhất, từ nửa năm đến một năm mới có thể hoàn thành một kịch bản có chất lượng, cấu tứ rõ ràng. Trong khi nhiều nhóm làm phim trẻ hiện nay nghĩ đây là khâu đơn giản nhất, thậm chí trong vài ngày. “Các bạn làm phim hiện tại không chú ý đến kịch bản, ý đồ câu chuyện mà chỉ tập trung vào việc làm sao kéo nhiều lượt “view”, cố đưa vào các yếu tố hài hước. Đó không phải là hướng phát triển của thể loại phim ngắn” - Thanh Huy chia sẻ.

Nhưng song song đó thì có một số người trẻ làm phim ngắn theo hướng chuyên nghiệp khác. Họ không làm với mục đích câu view hay để PR trên các trang mạng mà họ có định hướng nghề nghiệp rõ ràng là từ các phim ngắn này họ sẽ tiến tới làm các phim điện ảnh, truyền hình chuyên nghiệp. Và đường đi của họ là mang phim ngắn của mình đi tham dự các LHP ngắn trong nước và quốc tế để tranh giải, để khẳng định tên tuổi và đặc biệt đó còn là cơ hội để họ “chào hàng” những dự án phim dài của mình với các quỹ đầu tư, sản xuất phim ảnh của thế giới. Đạo diễn Phan Đăng Di khẳng định, việc tham gia vào những hoạt động tại các liên hoan phim nước ngoài là cách duy nhất giúp các nhà làm phim trẻ có thể thực hiện được bộ phim dài của họ và được thế giới biết đến. Anh ví dụ bằng chính mình rằng sau khi tham gia LHP Pusan Promotion Plan năm 2007 và L’Atelier tại LHP Cannes năm 2008, anh không những học hỏi được kinh nghiệm làm phim quý báu mà còn tìm được sự hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ và đầu tư quốc tế để sản xuất phim “Bi, đừng sợ!”…

“Ai cũng có thuở ban đầu, vấn đề là bạn lựa chọn đi tiếp như thế nào trên con đường điện ảnh của mình” - có lẽ đó là thông điệp ý nghĩa nhất dành cho những người làm phim trẻ đang dấn thân vào bước đầu với những bộ phim ngắn. Và hy vọng trong tương lai chính đội ngũ người trẻ làm phim ngắn này sẽ mang đến cho nền điện ảnh trong nước những bước phát triển mới.

Vân Trúc