Phiến quân ở Yemen là ai?

14:17 | 05/04/2015

8,282 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bất chấp sự tấn công của 10 quốc gia Arập, phiến quân Houthi ở Yemen vẫn không lùi bước, thậm chí còn chiếm được cả dinh Tổng thống Mansour Hadi ở thành phố Aden. Houthi là tổ chức như thế nào?

Phiến quân ở Yemen là ai?

Lực lượng Houthi tại Aden

Ngày 3/4, các giới chức Yemen nói rằng phiến quân Houthi theo Hồi giáo dòng Shia và các đồng minh của họ đã tiến vào trung tâm thành phố Aden, chiếm cứ dinh tổng thống tại thành phố cảng miền nam Yemen.

Vụ tiến chiếm thành phố Aden đánh dấu một bước thụt lùi đối với  liên minh 10 quốc gia do Arập Xêút dẫn đầu, sau các cuộc không kích trong hơn một tuần qua trên khắp lãnh thổ Yemen.

Tổng thống Yemen, Mansour Hadi, đã chạy khỏi Aden một tuần trước đây, khi người Houthi tiến về phía nam trong một chiến dịch tấn công đã khiến cho Arập Xêút  và các đồng minh phải phát động một chiến dịch không kích nhằm chặn lại đà tiến của phiến quân.

Yemen rơi vào tình trạng bất ổn do phiến quân Houthi và lực lượng Al Qaeda tìm cách "lấp khoảng trống" quyền lực tại quốc gia vùng Vịnh này kể từ khi Tổng thống Ali Abdullah Saleh buộc phải từ chức năm 2012 sau làn sóng nổi dậy gây đổ máu.

Khởi thủy từ năm 1992, Houthi là một tổ chức "tín đồ trẻ" theo Hồi giáo Shia do anh em gia đình Houthi thành lập. Tổ chức lớn mạnh nhanh chóng để trở thành một phong trào tôn giáo-chính trị, có ảnh hưởng đáng kể tại Yemen, được Iran yểm trợ tích cực và thành một lực lượng vũ trang có gần 10.000 tay súng vào năm 2009.  Nay Houthi được ước lượng có thể có tới hơn 100 nghìn thành viên, tính cả các thành phần vũ trang và không vũ trang.

Lực lượng Houthi từ đầu chỉ là một phong trào Hồi giáo Shia chủ trương khoan dung và hòa bình, có nhãn quan rộng rãi về giáo dục và văn hóa. Nhưng chẳng bao lâu, Iran đã gây được ảnh hưởng mạnh mẽ lên phong trào này ngay cả trước thời gian người Yemen đấu tranh thắng lợi chống chế độ độc tài của Tổng thống Saleh. Dần dà đến năm 2011, các lãnh đạo của phong trào, trong đó có gia đình Houthi, đã tuyên bố hướng theo Iran về tư tưởng tôn giáo và chính trị.

Giới nghiên cứu nhận xét rằng Houthi đã phát triển và hoạt động giống hệt như lực lượng Hezbollah ở Liban và Syria. Cả Hezbollah với Houthi đều được Iran vũ trang và cố vấn về tổ chức, lãnh đạo về tinh thần. Mới đây Iran đưa cố vấn quân sự sang Iraq, và được cho là đã vũ trang cho lực lượng dân quân Shia của Iraq để chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo IS. Ảnh hưởng đáng kể của Tehran ở Iraq cả về chính trị lẫn quân sự đã gây khó xử cho người Mỹ. Bây giờ ở Yemen lại hiện ra một lực lượng đang muốn chiếm chính quyền để trở thành một nước Hồi giáo Shia thân Iran, thì ảnh hưởng của Iran rõ ràng đã phát triển vượt bực quanh bán đảo Arập.

Iran luôn phủ nhận việc chuyển vận vũ khí tới Yemen. Ngày 31/3, hãng thông tấn IRNA của nhà nước Iran dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Marziyeh Afkham nói rằng những cáo buộc cho rằng Iran chuyển vũ khí cho phiến quân Houthi là " hoàn toàn bịa đặt".

Chiến dịch quân sự của Liên minh Arập do Arập Xêút dẫn đầu được hưởng ứng mạnh mẽ. Một mình Arập Xêút đã bố trí 150 nghìn quân ở biên giới Yemen, lực lượng không quân sẵn sàng 100 máy bay chiến đấu. Từ bán đảo Arập có Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất, Kuwait, Bahrain, Qatar và Jordan đã cho không quân lâm trận.  Đáng chú ý là từ châu Phi còn có Ai Cập, Sudan là hai nước đối diện Arập Xêút qua biển Đỏ, xa hơn nữa có Marốc cũng góp máy bay, Pakistan ở Nam Á giáp giới Iran và Afghanistan cũng lên tiếng ủng hộ, cùng với Somalia là nước đối diện Yemen qua vịnh Aden. Ai Cập đóng góp cả không quân lẫn tàu chiến, riêng Pakistan đã hứa đưa quân bộ chiến đến dự trận. Mỹ nhiệt thành ủng hộ liên minh, hứa sẽ trợ giúp kỹ thuật và tình báo.

Trong khí thế đó, và sau những đợt oanh kích của hàng trăm máy bay liên quân, tình thế ở Yemen trong thời gian tới sẽ đi về đâu? Arập Xêút tuyên bố quân Houthi phải trở về với cương vị một tổ chức tôn giáo - chính trị để tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Yemen, nếu không sẽ bị tiêu diệt. Đó là chủ trương của Arập Xêút cũng như của Mỹ và liên minh các nước Hồi giáo.

Đến nay Arập Xêút nói không cần đến quân bộ chiến. Nhưng giới quân sự quốc tế không tin rằng chiến dịch không tập có thể đánh tan được quân Houthi. Người ta cũng e rằng đó là cách nói tỏ sự ngần ngại của Arập Xêút trước viễn ảnh cuộc chiến trên bộ trên địa hình núi đồi sa mạc của Yemen, giao tranh với một lực lượng quân sự thiện chiến, thông thuộc địa hình và sẵn sàng liều chết như quân Houthi. Lực lượng Houthi nay đã liên kết với những thành phần quân đội còn trung thành với cựu Tổng thống bị lật đổ Ali Abdullah Saleh, mà liên quân vừa oanh tạc những mục tiêu kho tên lửa, vị trí phòng không, sân bay, kho tàng quân sự của lực lượng này.

Bộ binh Ai Cập từng bị sa lầy tại Yemen trong thập niên 1960.  Quân đội Arập Xêút là quân đội nhà giàu, chưa bao giờ chứng tỏ là một đạo quân hùng mạnh, thiện chiến. Quân đội Pakistan còn vướng bận với quân Taliban Pakistan. Chiến tranh trên bộ tại Yemen không phải là việc dễ dàng.

Chính trong bối cảnh “nước đục” này mà nhóm khủng bố Al Qaeda ở Yemen, theo hệ phái Suni phát triển mạnh mẽ. Ngày 2/4, các phần tử Al Qaeda đã chiếm giữ thành phố cảng Mukalla ở miền nam Yemen, thủ phủ tỉnh Hadramawt lớn nhất nước này.

Theo các quan chức, các tay súng Al Qaeda đã chiếm các tòa nhà chính phủ, thả khoảng 300 tù nhân bị giam giữ tại nhà tù chính ở Mukalla, trong đó có Khaled Batrafi, một chỉ huy cấp cao của Al Qaeda bị buộc tội chủ mưu nhiều vụ tấn công khủng bố trước đây.

Diễn biến trên cho thấy Al Qeada đang lợi dụng tình hình rối ren hiện nay ở Yemen để mở rộng phạm vi hoạt động ở quốc gia vùng Vịnh này.

Nh.Thạch

tổng hợp

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc