Phát triển hệ thống tài chính vững mạnh hỗ trợ tăng trưởng
Lưu ý các động lực tăng trưởng kinh tế
Theo TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, năm 2024, Việt Nam có hướng tới nới lỏng cả chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ để có tốc độ tăng trưởng cao nhất, nhưng vẫn đặt mục tiêu là kiểm soát lạm phát. Trong đó ưu tiên khá nhiều đến việc kích thích tiêu dùng ở thị trường trong nước và cố gắng duy trì ổn định kinh tế vĩ mô.
Ngoài những biện pháp vĩ mô chung, các doanh nghiệp Việt Nam cần phân tích, đánh giá và thay đổi chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp với biến động liên quan tới thị trường thế giới. |
Vì vậy, một động lực mà chúng ta chắc chắn phải tập trung vào đó là liên quan đến vấn đề đầu tư. Có thể nói năm 2023, Việt Nam đã có những thành tích rất tốt về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng vốn với tốc độ trên 30% là cực kỳ ấn tượng. Trong năm nay, vấn đề quan trọng hơn cả là phải biến vốn đăng ký đó thành vốn thực hiện, thì mới đảm bảo được việc đầu tư bên cạnh quá trình cải thiện và tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.
“Một động lực nữa mà tôi cho rằng cũng rất đáng chú ý đó là “Số - Xanh - Sạch” trong tăng trưởng kinh tế, kéo theo các chỉ tiêu về xanh hóa, giảm phát thải sẽ giúp nền kinh tế vận động theo xu hướng vốn đã được đặt ra trong dài hạn từ những năm trước đây”, TS. Vũ Đình Ánh nhận định.
Về phía các doanh nghiệp, TS. Vũ Đình Ánh cũng đặc biệt khuyến nghị:
Đối với doanh nghiệp liên quan đến xuất nhập khẩu cần lưu ý điều chỉnh chiến lược và kế hoạch kinh doanh của mình, gắn với sự biến động về xu thế toàn cầu hóa, với việc phân mảnh nền kinh tế do các yếu tố địa chính trị.
Với khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, điển hình nhất là trường hợp của Samsung ở Bắc Ninh, khi thị trường thế giới có thay đổi về nhu cầu hay cơ cấu tiêu dùng, đã tác động trực tiếp tới khả năng xuất khẩu của một doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam ra thị trường toàn cầu. Từ đó xảy ra vấn đề là Bắc Ninh trong năm 2023 trở thành tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế âm sâu nhất trong số 63 tỉnh thành.
“Vì vậy, đây là việc chúng ta phải tính toán về mối quan hệ giữa tác động của doanh nghiệp với vấn đề xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế của một địa phương kéo theo tăng trưởng kinh tế của cả nước, khi chúng ta vẫn đặt ra định hướng về xuất khẩu”, chuyên gia lưu ý.
Liên quan đến hàng dệt may, TS. Vũ Đình Ánh chia sẻ, gần đây, khả năng cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam dựa trên lao động giá rẻ đã suy giảm nhiều, có một số quốc gia đang nổi lên như những “cường quốc” về dệt may và hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với Việt Nam trên thị trường thế giới. Qua đó đặt ra bài toán, liệu chúng ta có thay đổi chiến lược xuất khẩu dựa trên lao động giá rẻ như trước đây, liên quan đến hàng loạt các ngành gia công và tới đây là lắp ráp hay không?
“Thực tế, việc chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu nhập khẩu của Việt Nam và bài toán của từng doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường thế giới liên quan đến cả yếu tố về chi phí, giá, chuỗi giá trị và sự cạnh tranh của một số ngành công nghiệp vốn được coi là ưu thế trong hàng chục năm vừa qua. Tôi cho rằng, ngoài những biện pháp vĩ mô chung, các doanh nghiệp Việt Nam cần hết sức quan tâm phân tích, đánh giá và thay đổi chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình phù hợp với biến động liên quan tới thị trường thế giới”, ông nhấn mạnh.
Việc kiểm soát được áp lực lạm phát hiệu quả sẽ mở ra không gian lớn hơn cho việc triển khai các biện pháp kinh tế tiếp theo. |
Nâng cao sức chống chịu cho nền kinh tế
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm và ẩn chứa nhiều điều khó lường, việc mở rộng tài khóa nghịch chu kỳ và nới lỏng tiền tệ, mặt khác, cũng được nhận định sẽ có những thách thức. Xây dựng chiến lược tạo lập sức chống chịu, đảm bảo ổn định vĩ mô và tăng trưởng cho nền kinh tế Việt Nam trong năm nay nhằm vượt mọi thách thức có thể xảy ra, theo nhóm chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Khoa học - Học viện Ngân hàng, cần có sự chú trọng cao độ. Các chuyên gia đề xuất:
Thứ nhất, nâng cao năng lực thích ứng, để làm tốt điều này, Chính phủ cần định hình chiến lược và hành động nhất quán bao gồm: Đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Tăng cường năng lực dự báo, giám sát, đánh giá rủi ro và xây dựng các kịch bản ứng phó linh hoạt với các biến động kinh tế không dự đoán được.
Thứ hai, mở rộng, đa dạng hóa nền kinh tế, trong đó, Chính phủ cần định hình các sách lược, yêu cầu các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đưa ra hành động cụ thể nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến sâu cùng với việc khuyến khích đổi mới trong các ngành kinh tế mới nổi.
Thứ ba, tăng cường kết nối kinh tế quốc tế, đặt ra những mục tiêu đối ngoại rõ ràng, như tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế thông qua việc xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược và tối ưu hóa cơ hội thị trường toàn cầu.
Thứ tư, phát triển hệ thống tài chính vững mạnh thông qua việc nâng cao tỷ lệ bảo hiểm tài chính, tăng cường tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt là phát triển thị trường tài chính lành mạnh, an toàn và hiệu quả bằng việc đổi mới trong các sản phẩm và dịch vụ tài chính.
Thứ năm, nâng cao năng lực quản trị. Mục tiêu cải thiện năng lực quản trị có thể đạt được thông qua các giải pháp như tăng cường cải cách hành chính, thể chế và pháp luật; Thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, liêm chính trong hệ thống công quyền, tạo ra một hệ thống quản trị linh hoạt và minh bạch.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
-
Tin tức kinh tế ngày 5/10: Ngân hàng ồ ạt tung gói vay trả nợ nhà băng khác
-
Tin tức kinh tế ngày 1/10: Nhập khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh
-
Tin tức kinh tế ngày 30/9: Giá xuất khẩu hồ tiêu đạt mức kỷ lục
-
Tin tức kinh tế ngày 25/9: Xuất khẩu than tăng mạnh
-
Tin tức kinh tế ngày 24/9: Tiền Đồng dự báo tiếp tục tăng giá
-
Quý III/2024: GDP tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước
-
Agribank ủng hộ 100 tỷ đồng hưởng ứng đợt thi đua cao điểm hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước
-
Giá vàng trong tuần (30/9-6/10): Kết thúc tuần đi ngang
-
Giá vàng hôm nay (5/10): Thị trường thế giới quay đầu giảm
-
98.500 đồng bảo hiểm cho cả ngôi nhà và gia đình, tại sao không?