Pháp thông qua Luật hồi sinh điện hạt nhân

08:50 | 20/05/2023

96 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Quốc hội Pháp đã dứt khoát thông qua dự luật hồi sinh điện hạt nhân, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng những lò phản ứng mới. Dự luật này nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các đảng phái chính trị khác nhau, trừ những nhóm môi trường và đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI).
Pháp thông qua Luật hồi sinh điện hạt nhân

Để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xây dựng những lò phản ứng mới, Quốc hội Pháp đã thông qua dự luật hồi sinh hạt nhân vào hôm 18/5. Tại thời điểm này, số lượng người ủng hộ hạt nhân đã chiếm số đông. Kết quả bỏ phiếu cho thấy có 399 phiếu thuận và 100 phiếu chống. Những bên ủng hộ có Thượng viện Pháp, phe những người ủng hộ tổng thống, người từ đảng Cộng hòa Pháp (LR), đang Mặt trận Quốc gia Pháp (RN) và đảng Cộng sản Pháp.

Chỉ có các nhóm môi trường và đảng LFI bỏ phiếu chống. Còn đảng Xã hội (PS), vốn đã phản đối văn bản ngay từ lần đọc đầu tiên, thì lại chọn bỏ phiếu trắng, sau khi thấy văn bản mô tả năng lượng hạt nhân là “năng lượng chuyển tiếp” sang năng lượng tái tạo. Bà Agnès Pannier-Runacher - Bộ trưởng Bộ Chuyển tiếp năng lượng Pháp tự hào gọi đây là một “văn bản lớn” nhằm giúp “sản xuất năng lượng một cách độc lập, cạnh tranh và phi carbon”. Bà cũng đồng thời kêu gọi nước Pháp đạt được niềm “đồng thuận chính trị” trong các vấn đề về năng lượng. Ngoài ra, bà đã mời 15 đại diện của những quốc gia châu Âu ủng hộ hạt nhân đến Paris, nhằm hỗ trợ cho “chiến lược năng lượng” của Liên minh châu Âu.

Về chức năng, dự luật này của Pháp sẽ đơn giản hóa nhiều bước, giúp tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhanh chóng đạt được tham vọng là xây dựng 6 lò phản ứng hạt nhân EPR mới vào năm 2035 và khởi động dự án nghiên cứu cho 8 lò phản ứng khác. Những cơ sở mới sẽ được đặt tại những địa điểm hạt nhân hiện có hoặc gần đó, chẳng hạn như Penly (Seine-Maritime), Gravelines (Nord)…

Nhìn chung, văn bản sẽ ngăn cản Pháp đạt được mục tiêu “loại bỏ 50% tỷ trọng năng lượng hạt nhân khỏi cơ cấu năng lượng của Pháp vào năm 2035”. Tổng cống suất điện hạt nhân sản xuất tại Pháp cũng sẽ được phép vượt ngưỡng 63,2 GW.

Mặt khác, đối diện với làn sóng phản đối năng lượng hạt nhân, Pháp cũng đang đẩy nhanh tiến trình soạn thảo kế hoạch năng lượng nhiều năm cho tương lai, dự kiến đi vào hiệu lực từ mùa hè này.

Ông Maxime Laisney của đảng LFI bình luận: “Mọi thứ được thực hiện mà không có trình tự. (…) Chỉ có kế hoạch năng lượng này mới có thể quyết định Pháp có cần khởi động lại năng lượng hạt nhân hay không”. Tương tự, tổ chức phi chính phủ Hòa Bình Xanh và mạng lưới hạt nhân Sortir cũng không ngừng phản đối: “Chính phủ đang cầm đèn chạy trước ôtô và ép buộc đưa dự luật vào hiệu lực".

Pháp thông qua Luật hồi sinh điện hạt nhân

“Cuộc chiến có văn hóa”

Một điểm nhạy cảm khác, là văn bản gia tăng hình phạt đối với những nhà máy điện có biểu hiện vi phạm, với hình phạt tăng từ một đến hai năm tù và từ 15.000 đến 30.000 euro tiền phạt. Hạ viện Pháp, cụ thể là các nhà môi trường và đảng viên LFI, đã phản đối dự luật. Họ cho rằng dự luật sẽ gây ra “hàng tấn chất thải” từ năng lượng hạt nhân, và những sự cố nguy hiểm như rò rỉ nước làm mát của lò phản ứng Penly, được công bố vào đầu tháng 3.

Bà Julie Laernoes (đảng Europe Ecologie Les Verts - EELV) đã tố cáo “sự cường điệu hóa điên cuồng, làm cho người dân quên đi sự nguy hiểm của năng lượng hạt nhân cũng như những thất bại của hạt nhân về mặt công nghệ và tài chính.” Cả hai đảng LFI và EELV tuyên bố sẽ kháng cáo lên Hội đồng Hiến pháp. Hiện nay, hai bên đang vận động Pháp thoát khỏi điện hạt nhân và chuyển dịch hẳn sang 100% năng lượng tái tạo từ năm 2045.

Nhưng 12 năm từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản, các nhà môi trường nhận ra rằng họ đã thua trong “cuộc chiến có văn hóa” chống lại hạt nhân, như đã chứng minh qua kết quả thăm dò sự ủng hộ đối với năng lượng hạt nhân.

Ông Raphaël Schellenberger (đảng LR) và nhà vĩ mô Antoine Armand – người công khai ủng hộ hạt nhân, đã chỉ trích tình trạng “lan man chính trị” trong 30 năm bàn luận về các vấn đề năng lượng.

Đáng chú ý, các nghị sĩ Pháp chưa tìm ra giải pháp để cải cách cấn đề an toàn hạt nhân – điều mà chính phủ Pháp đang tìm kiếm. Và bất chấp sự phản đối của các công đoàn, chính phủ vẫn muốn thành lập Viện Bảo vệ Bức xạ và An toàn Hạt nhân (IRSN) - một chuyên gia kỹ thuật, cùng với Cơ quan An toàn Hạt nhân (ASN) – cơ quan giám sát hoạt động của các nhà máy điện.

Trong một buổi họp liên đảng, các đại biểu và Thượng nghị sĩ đã loại bỏ một sửa đổi mà Hạ viện Pháp đã thông qua. Theo đó, Hạ viện muốn hợp nhất hai cơ quan IRSN và ASN, còn Thượng viện thì muốn tách chúng ra. Vào tháng 2/2023, Pháp đã thông qua luật đẩy nhanh năng lượng tái tạo. Văn bản về năng lượng hạt nhân này là hoạt động tiếp nối bộ luật trên.

Vì sao EU không thể trừng phạt ngành công nghiệp hạt nhân của Nga?Vì sao EU không thể trừng phạt ngành công nghiệp hạt nhân của Nga?
Ấn Độ cho phép nước ngoài đầu tư điện hạt nhân?Ấn Độ cho phép nước ngoài đầu tư điện hạt nhân?
Bước tiến lớn trong nghiên cứu nhiên liệu hạt nhânBước tiến lớn trong nghiên cứu nhiên liệu hạt nhân

Ngọc Duyên

AFP