GS.TS Trần Quỵ:

Phấn đấu làm tròn bổn phận của một thầy thuốc

07:07 | 26/02/2013

1,637 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Giữa thời buổi người ta phải bận lòng quá nhiều về y đức của thầy thuốc và những vấn nạn của ngành y tế, câu chuyện với ông khiến chúng tôi thấy hồ như vẫn còn có đâu đó một ngọn lửa của niềm tin.

Mặc dù rất hiếm khi được gặp gỡ trò chuyện với ông, nhưng ấn tượng của tôi về ông theo thời gian vẫn không hề thay đổi. Điềm đạm. Ân cần. Chu đáo. Và đầy suy tư. Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội - GS.TS Trần Quỵ là người từng được xem là Giáo sư của các Giáo sư, khi quản lý một tập thể có hàng trăm giáo sư, bác sỹ đầu ngành.

PV: Trên cương vị quản lý, hay tư cách nhà giáo, nhà khoa học, thầy thuốc, ông đều đã đạt tới đỉnh cao. Lúc này, ngoái nhìn lại chặng đường đã qua, Giáo sư có thể chia sẻ bí quyết thành công của mình trong sự nghiệp?

GS.TS Trần Quỵ: Phấn đấu hết lòng, không bao giờ nản chí. Làm nghề y là chữa bệnh cứu người, người nào mà cái tâm không sáng sẽ khó thành nghề. Tôi thì chỉ đơn giản là phấn đấu làm tròn bổn phận của một thầy thuốc. Y là một nghề học vất vả, phải học lâu nhất, lại thực hành nhiều. Tôi còn nhớ, tháng này qua tháng khác, tôi cứ đi từ KTX ở Khu bách khoa tới hầu hết các bệnh viện trong thành phố, sang Bạch Mai, lên Việt Đức, vòng về Viện C… hết thời gian thực hành lại cưỡi xe hai cẳng (đi bộ - PV) đi bán báo, rồi dạy thêm. Đến lúc làm giám đốc, ngoại trừ những lúc phải đi ô tô, tôi vẫn cuốc bộ đi làm. Đi riết thành thói quen. Tới giờ, sau 50 năm làm việc, đã nghỉ hưu, tôi vẫn không thể giải thích vì sao hồi đó mình đi bộ khỏe thế (cười)

Trong hơn 10 năm làm quản lý, GS. Trần Quỵ tự hào bệnh viện Bạch Mai không có sai sót lớn  nào về cả phương diện y đức và y học

PV: Y cũng là nghề làm suốt cả đời, như thầy giáo vậy, có thể về hưu nhưng không có chuyện nghỉ hưu, thậm chí càng lớn tuổi, càng có nhiều kinh nghiệm và được xã hội trọng vọng hơn. Giấc mơ trở thành bác sĩ đến với ông từ lúc nào?

GS.TS Trần Quỵ: Từ khi còn nhỏ, lúc ở quê, bên bờ sông La (một nhánh của sông Lam thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh - PV), thỉnh thoảng tôi vẫn bắt gặp hình ảnh vài ba thanh niên oằn lưng gánh hai đầu võng vội vã ngược đê đưa người nhà bị ốm  lên bệnh viện huyện cấp cứu. Chạy cả chục cây số, có khi đến được cơ sở y tế thì bệnh nhân đã tắt thở. Mẹ tôi cũng từng có bảy lần vượt cạn, nhưng chỉ giữ lại được có ba người con, tôi và hai cô em gái. Tất cả đều là do điều kiện thuốc thang kém. Hữu sinh vô dưỡng. Bệnh tật không có thầy thuốc chữa trị. Ngay từ đó, tôi đã nuôi quyết tâm nhất định phải trở thành bác sĩ. Ban đầu, chỉ nghĩ là để chữa bệnh cho người dân ở quê mình mà thôi.

PV: Nhưng rồi ông thực sự đã trở thành thầy thuốc của nhân dân, trở thành thầy thuốc của các thầy thuốc, ông thường dạy học trò mình điều gì đầu tiên, về nghề?

GS.TS Trần Quỵ: Trong cái nghề này, không có chỗ cho những người lười biếng và cẩu thả. Chỉ cần sơ suất một chút thôi, cũng có thể nguy hiểm đến tính mạng con người. Vì thế, tôi luôn nhắc nhở học trò, cũng như, khi còn làm quản lý, thì cố gắng hướng bệnh viện đến mục tiêu: y đức và tài năng. Hơn bất kỳ ai, thầy thuốc phải là người hội đủ ít nhất hai yếu tố đó. Và nó cần được rèn giũa, trau dồi từng phút từng ngày. Tôi muốn tham gia đào tạo một lớp bác sĩ trẻ có trình độ chuyên môn cao và một cái tâm trong sáng của người thầy thuốc

PV: Thế nhưng, thực tế thì, y đức vẫn luôn là vấn đề biết rồi khổ lắm của ngành y tế…

GS.TS Trần Quỵ: Nghề này cũng được coi là “làm dâu trăm họ”, chính vì vậy, người thầy thuốc phải kiên trì và biết chịu đựng. Những ai đã chọn cái nghiệp “trị bệnh cứu người” này đều nên treo trong nhà một chữ “nhẫn”. Tôi cho rằng, y đức không chỉ là giao tiếp bề ngoài, là sự lễ phép, hay thái độ hòa nhã với bệnh nhân. Thầy thuốc có y đức còn phải học tập nâng cao trình độ chuyên môn, khám chữa bệnh giỏi, chăm sóc bệnh nhân chu đáo, cấp cứu kịp thời… Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường, mâu thuẫn giữa nhu cầu và khả năng, áp lực ngày càng cao so với thực trạng hiện có… đang tạo nên những gánh nặng cho ngành y tế.

PV: Vậy điều gì ở công việc này đem lại cảm hứng cho ông?

GS.TS Trần Quỵ: Hạnh phúc với tôi là cởi chiếc áo blouse sau một ca cấp cứu thành công. Điều đó có nghĩa là mình đã chiến thắng tử thần, cứu sống một con người. Nghề này luôn phải đối diện với bao thách thức, đòi hỏi tính chính xác tuyệt đối đến từng mili, nhưng cũng có những giây phút vinh quang không thể diễn tả thành lời. Khi tôi còn làm giám đốc, bệnh viện Bạch Mai mỗi ngày có khoảng 300 người nhập viện, khám 1.500 người. Nhưng tôi tự hào cho đến thời điểm đó, bệnh viện không có sai sót lớn nào về cả phương diện y đức và y học. Đây thực sự là điều không hề dễ chút nào.

PV: Để làm một bác sĩ giỏi đã khó, làm một giám đốc bệnh viện càng khó hơn. Trên phương diện quản lý, tổng kết lại bài học lẫn kinh nghiệm của bản thân, ông có thể nói gì?

GS.TS Trần Quỵ: Thứ nhất phải tâm huyết với công việc. Thứ nhì lấy sức khỏe nhân dân làm chính. Thứ ba luôn gương mẫu và hòa đồng với tập thể. Nếu không đoàn kết thì không làm được việc gì cả.

Xin cảm ơn ông!

Giáo sư Trần Quỵ, sinh năm 1939, quê ở xã Đức Hoà, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông làm nghiên cứu sinh chuyên ngành hô hấp ở Rumani, năm 1975. Về nước tham gia giảng dạy tại trường Y từ năm 1979.

Cùng với một số đồng nghiệp, GS Trần Quỵ xây dựng thành công Chương trình quốc gia phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em, đưa nước ta trở thành một trong những nước triển khai chương trình sớm nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ông đã chủ trì, nghiên cứu trên 70 đề tài và bài báo khoa học, là thành viên Hội đồng khoa học của Bộ Y tế, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học bệnh viện Bạch Mai. GS Trần Quỵ là Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân.

Lê Chi (thực hiện)