"Cụ rùa" hồ Gươm không cô đơn?

Phải chăng "cụ rùa" Hồ Gươm còn nhiều họ hàng?

21:39 | 19/01/2016

6,628 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong quá trình đi tìm lại những họ hàng của “cụ rùa” Hồ Gươm, chúng tôi phát hiện ra rằng hầu như tất cả những cá thể rùa khổng lồ được tìm thấy đều phân bố quanh lưu vực sông Hồng. Theo bản đồ Hồng Đức năm 1490, Hồ Gươm xưa kia rộng lớn, kéo dài suốt từ phố Hàng Đào đến phố Lò Đúc và thông với sông Hồng. Như vậy khả năng “cụ rùa” Hồ Gươm còn nhiều họ hàng không phải là vô căn cứ.

Hai loài rùa khổng lồ

Theo nghiên cứu đã được công bố của các tác giả Nguyễn Quảng Trường, Nguyễn Văn Sáng (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật) ở Việt Nam có 2 loài rùa khổng lồ là Pelochelys cantorii Gray, 1864" (giải khổng lồ, được Gray phát hiện năm 1864) và Rafetus swinhoei  (Gray, 1873) (giải swinhoei, được Gray phát hiện năm 1873).

Cũng theo nghiên cứu này, loài Pelochelys cantorii có những đặc điểm như mai dẹp, tròn, có chiều dài lớn hơn chiều rộng chút ít. Đầu màu xám có các đốm thẫm nhỏ, cằm màu trắng đục. Chân và cổ màu xám xanh ở phía trên, màu kem ở phía dưới. Trên cổ có các gờ da nổi lên. Chân có màng bơi, có các u nhỏ hình vảy xếp dọc theo mép dưới của chi trước. Con đực nhỏ hơn con cái nhưng có đuôi dài và dày hơn. Trọng lượng cơ thể đạt 30-60 kg, chiều dài mai có thể đạt tới 100 cm, tiêu bản ở Cúc Phương (Ninh Bình) có chiều dài mai là 50cm phân bố ở vùng Bắc Trường Sơn, Nghệ An. Như vậy có thể kết luận đây không phải là loài ở Hồ Gươm và các tỉnh phía Bắc Việt Nam.

Loài Rafetus swinhoei mai dẹp có hình dạng thuôn gần giống hình chữ nhật. Mai màu xanh nâu hoặc nâu đen (ở các mẫu khô tại Việt Nam), mẫu chuẩn đang lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Anh có những đốm màu vàng và nhiều chấm vàng nhỏ nằm xen giữa (đôi khi tạo thành vòng tròn bao quanh đốm lớn hoặc xếp thành các sọc). Phân bố ở tại Phú Thọ (Hạ Hòa), Hà Nội (Hồ Gươm), Hà Tây (Bằng Tạ), Hòa Bình (Lương Sơn), Thanh Hóa (Sông Mã). Trọng lượng từ 24-175 kg, chiều dài mai (kể cả riềm da) từ 30-110 cm.

phai chang cu rua ho guom con nhieu ho hang
Rùa Đồng Mô, được cho là có họ hàng với “cụ rùa” Hồ Gươm.

Tuy nhiên, PGS - nhà rùa học Hà Đình Đức lại có ý kiến khác. Ông không đồng ý trước kết luận rùa Hồ Gươm là loài Rafetus swinhoei. Ông cho biết, tháng 4/1995, ông Peter Pritchard, Giám đốc Viện Nghiên cứu rùa Florida (Mỹ) đã sang Việt Nam làm việc với ông. Cả hai đã cùng quan sát tiêu bản rùa ở đền Ngọc Sơn và "cụ rùa" sống ở Hồ Gươm. Sau khi về nước, ông này có gửi thư cho Giáo sư Đức khẳng định đây không phải là loài giải Pelochelys bibronii, mà là loài Rafetus swinhoei, hoặc là một loài rùa mới.

Sau đó PGS Đức đã cất công đi tìm tài liệu về loài Rafetus swinhoei, đồng thời làm việc với nhiều giáo sư của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới. Khi được cung cấp các tài liệu về loài Rafetus swinhoei và qua so sánh đặc điểm hình thái của rùa Hồ Gươm với Rafetus swinhoei, Giáo sư Đức kết luận rùa Hồ Gươm không phải là Rafetus swinhoei. "Đây là loài rùa mới" - ông khẳng định. Và Giáo sư Đức tạm đặt tên đó là "rùa Lê Lợi"(!?).

Trước đó, tháng 3/2004, Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam công bố nhóm nghiên cứu hình thái rùa Hồ Gươm của Viện đã xác định được rùa Hồ Gươm thuộc loài giải Thượng Hải, 1 trong số 5 loài của họ ba ba (gồm giải Thượng Hải, giải khổng lồ, ba ba gai, ba ba trơn và cua đinh). Trong Sách Đỏ Việt Nam xuất bản năm 1992 chỉ xác định được rùa Hồ Gươm thuộc loài giải (Pelochelys bibroni).

Kết quả nghiên cứu cũng cho kết luận rùa Hồ Gươm và những mẫu xương rùa thu thập được tại sông Mã (Thanh Hóa), Lương Sơn (Hòa Bình), Ba Vì (Hà Tây), Hạ Hòa (Phú Thọ) đều cùng thuộc loài giải Thượng Hải.

Giả thiết về cuộc di cư của rùa

Theo đường chim bay, hồ Minh Quân (mà chúng tôi đã đề cập trong kỳ trước) cách sông Hồng chưa đầy 1km. Từ phát hiện này, chúng tôi đã tiến hành khảo sát thêm nhiều ao, đầm quanh lưu vực sông Hồng từ Yên Bái xuôi xuống hạ lưu và thu được những kết quả bất ngờ.

Tại đầm Ao Châu (Hạ Hòa, Phú Thọ), chúng tôi được tiếp xúc với ông Trần Văn Thường. Ông Thường năm nay tròn 80 tuổi và đã sống quá nửa đời người tại đầm này. Ông kể, khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, khi ông còn đang là công nhân của Nhà máy giấy Lửa Việt đã thường xuyên gặp những con rùa khổng lồ ở trong đầm.

Đầm Ao Châu xưa rất rộng lớn (phải đến vài chục hécta), chỗ nông nhất là 3m và sâu nhất lên tới 30m. Trong đầm có khoảng 100 hòn đảo lớn nhỏ, đỉnh cao nhất cao khoảng 170m so với mặt biển, cùng với 99 ngách nước đan cài vào các khe núi. Trước kia, đầm cũng thông với sông Hồng. Khoảng đến giữa thập niên 50 của thế kỷ trước, Nhà nước đã cho đắp con đập ngăn với sông để làm thủy lợi.

Do thu nhập không đủ nuôi vợ con nên ông Thường hay phải chống sào vào đầm lấy tre, nứa rồi đan thuyền cóc, thuyền ba cóng (dạng như thuyền thúng) để bán kiếm tiền. Có một lần trên đường đi lấy nứa về tới khu vực gò ông Bắc (cách bờ vài trăm mét) thì gặp một đám đông xúm đen xúm đỏ. Một người đàn ông lực lưỡng (tên là Tô Ban) đang cầm một chiếc đinh ba đâm mạnh vào một con rùa đang ngoi lên mặt nước để thở. Thế rồi mấy người còn lại dùng móc sắt lật ngửa nó lên, lấy dây lạt trói chân nó lại.

Con rùa được khênh về, dài hơn 1m và cân lên được gần 1 tạ. Đây cũng không phải là lần đầu ông Tô Ban bắt được con rùa khổng lồ. Vốn ông làm nghề chèo đò đưa người từ đầm đi xuống các bến nên rất hay gặp rùa. Trên thuyền của ông thường xuyên có đinh ba cùng các dụng cụ để bắt rùa. Rất tiếc, ông Tô Ban đã mất cách đây hơn chục năm.

phai chang cu rua ho guom con nhieu ho hang
Thả rùa về hồ Đồng Mô.

Theo lời một "thợ săn rùa" khác, có những lần sau khi đã đâm trúng con rùa rồi, người ta phải lấy vồ đóng mạnh xuống rồi mới lật ngửa nó lên được. Những lần ấy các thợ săn lại phải đánh tiếng cho người dưới xuôi lên mua, chứ dân ở đây ai thích cũng có thể bắt được những con rùa chừng 5-7kg về đánh chén.

Ông Thường miêu tả, loài rùa sống trong đầm có mai màu nâu đen, đầu to bằng cái phích, 2 mép viền vàng. "Ngày xưa trong đầm có nhiều rùa khổng lồ lắm. Năm 1971, đầm bị trận lụt nên vỡ đập tràn. Từ đó đến giờ tuyệt nhiên không thấy chúng xuất hiện nữa" - Ông Thường nói, giọng tiếc nuối.

Như vậy là ngoài hồ Minh Quân, đầm Ao Châu (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ), một số đầm ở đều ở xung quanh lưu vực sông Hồng và có sự tồn tại của loài rùa khổng lồ. Như vậy, rất có thể loài rùa khổng lồ ở trên và cụ rùa Hồ Gươm là có chung nguồn gốc.

Giả thiết trên càng trở nên có căn cứ khi chúng tôi được gặp ông Hoàng Văn Quý, hiện sống tại xã Hiền Lương, Hạ Hòa, Phú Thọ. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về những con rùa khổng lồ ở quê ông.

Quê gốc của ông là ở Đoan Hùng (Phú Thọ), lên Hạ Hòa xây dựng kinh tế mới được mấy chục năm nay. Thời trai trẻ, ông Quý thường đi đơm đó ở rìa sông Hồng. Ông nhớ mãi cái buổi chiều khi đang đi thu đó về, thì thấy nước sông Hồng đột nhiên... nổi sóng. Phía xa xa có một cái như xoáy nước liên tục trồi lên thụp xuống. Chừng 10 phút sau ông lên gần tới đó thì thấy một đứa trẻ đang khóc tu tu. Nó vừa khóc vừa chỉ xuống cái vũng xoáy đó: "Con nghé của cháu đang bơi qua sông thì bị con rùa to lắm đớp lấy chân rồi kéo xuống sông rồi". Nghe thế, ông cũng không tin. Nhưng mấy hôm sau xác con nghé nổi lên thật.

Bản thân ông Quý trong những ngày đi đơm đó cũng rất hay gặp một vài vũng đất cứng, song lại có hình dạng như một cái chảo to bị người ta ấn mạnh xuống đất. Gần đó xuất hiện những ổ trứng rùa. "Mỗi quả to hơn quả trứng ngỗng, màu trắng xanh". Đặc biệt, có những vết chân rùa đi trên cát mà khoảng cách hai chân lên tới cả mét.

Và ngay ở Hồ Gươm, trong một truyện ký có tên "Rùa Hồ Gươm", in năm 1991, nhà văn Nguyễn Dậu, người cũng từng sống ở "khu tập thể đền Ngọc Sơn" từ năm 1970-1973 và sau đó "quẩn quanh" bên Hồ Gươm nhiều năm viết rằng, ông phân biệt và đếm được tới 17 “cụ” trong hồ. Còn theo PGS Hà Đình Đức, khoảng 50 năm trở lại đây ở Hồ Gươm có ít nhất 4 cá thể rùa từng sinh sống. Tuy nhiên cho tới thời điểm này thì chỉ còn duy nhất 1 “cụ”.

Ông Tim McCormack, Điều phối viên chương trình Bảo tồn rùa châu Á, cũng cho biết, qua nhiều năm tiến hành nghiên cứu tại Việt Nam ông cũng xác nhận loài Rafetus Swinhoei được phân bố trải dài từ Trung Quốc xuống Việt Nam theo lưu vực sông Hồng. Từ năm 2004, chương trình Bảo tồn rùa châu Á đã tổ nhức nhiều chuyến khảo sát tìm kiếm những cá thể rùa quý hiếm ở Việt Nam. Sau nhiều nỗ lực nhóm đã thu thập được những tiêu bản còn sót lại, một hộp sọ rùa tại tỉnh Phú Thọ và tiêu bản nguyên một cá thể tại tỉnh Yên Bái. Qua phân tích, những cá thể rùa này đều thuộc loài Rafetus Swinhoei.

Còn theo ông Lê Đức Minh, cán bộ của Trung tâm nghiên cứu Tài nguyên - Môi trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, sông Hồng chính là hành lang di chuyển của loài Rafetus Swinhoei. Hàng vài trăm năm nay, nó đã theo đường sông Hồng để phát tán vào các ao, đầm, hồ quanh đó. Tháng 12/2008, Trung tâm đã lấy mẫu ADN của rùa Đồng Mô để tiến hành phân tích. Kết quả bước đầu cho thấy cá thể này là loài Rafetus Swinhoei. Đồng thời nó cũng có khá nhiều điểm giống với cụ rùa Hồ Gươm. Mặc dù vẫn có những sai khác, song chỉ khác ở mức độ quần thể chứ không ở mức loài.

Điều này cũng dễ hiểu bởi môi trường ở Hồ Gươm khác nhiều với môi trường ở hồ Đồng Mô cũng như các ao đầm ở Yên Bái, Phú Thọ. Sự phát tán các cá thể của loài Rafetus Swinhoei cũng diễn ra hàng vài trăm năm nay nên tất nhiên phải có sự sai khác.

Bảo vệ loài rùa khổng lồ - một công việc hết sức cấp bách

Như vậy là hiện tại ở Việt Nam chỉ còn hơn 2 cá thể rùa khổng lồ (một trong hai là cụ rùa Hồ Gươm). Và trong chuyến hành trình tìm họ hàng cho cụ rùa Hồ Gươm, hầu như chúng tôi chỉ nghe thấy những chuyện con người bắn, giết hại, xẻ thịt rùa ra sao, chứ những hành động bảo vệ rùa hầu như là rất ít ỏi.

Còn nhớ vào tháng 11/2008, ông Nguyễn Duy Là 60 tuổi (trú tại phường Trung Sơn Trầm, TP Sơn Tây) đã bắt được một con rùa lớn ở trên sông Tích Giang. Đem lên cân thì được 68kg.

Ông Bùi Đăng Phong, Phó giám đốc Trung tâm Cứu hộ bảo tồn động thực vật hoang dã quý hiếm Cúc Phương khẳng định: "Đây là 1 trong 2 cá thể rùa Hồ Gươm quý hiếm của Việt Nam, và là 1 trong 4 cá thể rùa cùng loài trên thế giới còn lại. Nó có tên khoa học là Rafetus swinshoei, là nguồn gien quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất, nhất thiết phải được bảo tồn".

Được biết, con rùa này vốn sống trong hồ Đồng Mô, được các nhà khoa học nghiên cứu, theo dõi từ rất lâu trước đó. Do một đợt mưa lũ lớn nước hồ Đồng Mô tràn bờ, rùa theo nước lớn mà thoát ra sông Tích Giang. Phải sau một thời gian dài thương lượng đồng thời "tặng thưởng" cho người dân đã bắt được rùa, cơ quan chức năng mới có thể thu hồi và thả lại rùa vào hồ Đồng Mô.

Nhắc lại chuyện này, Tim McCormack tỏ ra rất buồn. Anh rất hy vọng chính quyền Hà Nội nói riêng sẽ có nhiều hành động để bảo tồn loài động vật quý giá này. Anh cũng thông qua Chuyên đề ANTG muốn truyền cho mọi người thông điệp rằng, nếu ai phát hiện ra bất cứ cá thể rùa lớn nào, hãy báo ngay cho chính quyền, các tổ chức bảo tồn rùa để có biện pháp bảo vệ kịp thời.

Minh Tiến

An ninh thế giới