PGS.TS Huy Thịnh: Sao lại đổ lỗi cho dân?

07:00 | 07/12/2013

1,883 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thừa nhận tình trạng sử dụng thuốc kích thích trong rau, quả, thực phẩm… ngày càng phổ biến khiến cho người dân đang trong tình trạng càng ăn càng thấy sợ. Nhưng trong câu chuyện trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, PGS.TS Huy Thịnh lại cho rằng, sở dĩ để xảy ra tình trạng trên là do chúng ta còn lúng túng trong quản lý, chưa có chiến lược truyền thông thực sự để người dân họ hiểu và sử dụng đúng quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm.

Năng lượng Mới số 280

PV: Loại thuốc kích thích rau mầm, có thể khiến cho một cây rau mầm lớn thêm 2-3cm trong vòng 4-5 giờ sẽ gây hại thế nào đến sức khỏe con người, thưa phó giáo sư?

PGS.TS Huy Thịnh: Cây sinh trưởng cũng giống như người. Con người cần những loại thuốc giúp tăng cường thể lực, kích thích cơ thể bình phục thì cây cũng vậy. Tuy nhiên thuốc kích thích cho cây không thể dùng cho người và ngược lại vì nó đều độc hại như nhau cả. Vì thế phải xác định rõ việc kích thích cây trồng phát triển là không có gì sai, nhưng vấn đề là quá trình tiến hành như thế nào và làm ra sao. Ví như dùng thuốc kích thích cho ra rễ nhanh bám xuống đất và nảy mầm vươn lên thành lá, vượt qua ngưỡng đó để nó bắt đầu phát triển tự nhiên thì không gây hại gì. Có hàng chục chất kích thích khác nhau dùng cho lúa, ngô, rau, cây ăn quả… không những kích thích cho phát triển mà còn kích thích cho ra hoa, đậu quả, không bị rụng hoa, ra lá nhiều, thậm chí có chất kích thích sử dụng khi người ta chặt cành đi yêu cầu phải mọc ra mầm mới. Thực ra dùng chất kích thích cho cây, khi nó đã nuôi cây phát triển thì dư lượng kích thích không còn nhiều tác dụng. 

Chỉ có điều nếu dùng chất kích thích cho rau mầm, nghĩa là với loại rau cực ngắn ngày, từ lúc sử dụng nó cho đến khi con người ăn rất ngắn, không đủ chuyển hóa trong cây nên nó sẽ còn dư lượng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Dư lượng nhiều hay ít không ai biết nhưng khi ăn nhiều sẽ tích tụ chất độc. Rau mầm chỉ được tưới nước và tự nó mọc lên thôi, đó là nguyên tắc.

PV: Vậy theo phó giáo sư có loại thuốc nào kích thích tăng trưởng làm cho rau sáng vừa trồng xong, buổi chiều nhìn đã khác hẳn, chỉ cần khoảng hai ngày là có thể thu hoạch được một lứa?

PGS.TS Huy Thịnh: Không có chuyện đó, hóa chất chỉ có thể hỗ trợ trong quá trình phát triển, tăng trưởng cây cho tốt hơn thôi. Chuyện rút ngắn thời gian có thể có nhưng không thể thần tốc như thế được. Theo nguyên tắc bảo toàn vật chất, cây tăng khối lượng lên 1kg thì phải lấy vật chất ở ngoài tương đương 1kg mới chuyển hóa được. Cây chỉ được phun cho một ít chất thôi vậy nó lấy gì sinh trưởng? Chỉ có hai cách, một là tích nước, hai là phải lấy được chất dinh dưỡng từ ngoài phục vụ cho quá trình phát triển. Trong quá trình này, người ta dùng phân bón là phần lớn. Khi phân bón vào nó sẽ có nguồn dinh dưỡng để tổng hợp từ CO2, nước để biến thành chất cho lá, đồng thời lượng phân bón đi vào sẽ chỉ tiêu thụ 1/10 thôi nhưng lại sinh ra được gấp 5 lần lên vì sao? Vì nó phải có nước và CO2 tính thành khối lượng cho cái cây đó.

Chất kích thích chỉ dùng khi cây suy giảm về dinh dưỡng. Giống con người khi buồn ngủ, muốn tỉnh táo thì uống nước chè hoặc cà phê chứ không thể nào tăng khối lên được. Chất kích thích không phải là chất vạn năng, nó chỉ là trạng thái gần như hormon giúp ích cho quá trình sinh trưởng. Nhưng có một số chất không phải chất kích thích cũng không phải phân bón mà khi đi vào cơ thể nó sẽ khiến cơ thể tích nước. Ví dụ ngày xưa người ta thường nuôi lợn bằng chất GMC, chất này khi ăn vào con lợn sẽ tích nước chứ không tăng khối lượng con lợn được. Đó là chất gây tích nước trong tế bào khác hoàn toàn với chuyện tăng khối.

Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng không nên thích những loại rau mượt mà, đẹp đẽ theo kiểu phi tự nhiên. Con người nên ăn theo tự nhiên chứ đừng thích những thứ nhân tạo nếu không thành ra tự mình hại mình.

PV: Thế còn chất kích thích làm chín sớm hoa quả có tác hại gì đối với sức khỏe con người, thưa phó giáo sư?

PGS.TS Huy Thịnh: Chất kích thích làm chín hoa quả là ứng dụng rất lớn của khoa học kỹ thuật. Đừng hiểu người ta làm trái chín tự nhiên là điều gì ghê gớm lắm. Trong quá trình phát triển của cây, quả từ quả non đến già rồi thành chín. Trong giai đoạn phát triển của tế bào, khi đến giai đoạn gần chín thì tự trong tế bào sinh ra etilen, kích thích quả chín nhưng thông thường không đủ mạnh. Vì vậy có những quả già nhưng chưa sinh đủ chất kích thích làm chín nên dẫn đến hệ quả chín không đều. Để khắc phục điều đó người ta nghiên cứu, trước hết chỉ dựa hoàn toàn vào kinh nghiệm. Chẳng hạn nải chuối già người ta phải chặt về chứ để ở trên cây sẽ chín không đều. Với buồng chuối không thể chín đồng loạt như thế người dân mang đi giấm chín bằng cách thắp hương cho chín đều. Trong thực tế, hương liệu đốt lên sẽ sinh etilen nhưng nồng độ thấp. Bây giờ người ta đã sản xuất được một loại chế phẩm chuyên sinh etilen không gây độc hại với cơ thể con người. Đây là một giải pháp mang tính chất công nghệ rất tốt cho người nông dân giải quyết vấn đề chờ hoa quả chín đều. Các nước trên thế giới họ cũng thu hoạch trái cây đồng loạt và tạo ra một chất kìm hãm sinh etilen để nó không chín được, khi chở đi khu vực khác mới phun etilen vào để nó chín nhất loạt.

Người tiêu dùng không nên thích loại rau mượt mà, đẹp đẽ theo kiểu phi tự nhiên

Vừa qua, dân mình cực đoan rằng, phải chín trên cây mới là ngon, tất nhiên chín cây là ngon nhất nhưng liệu với những mặt hàng sản xuất theo kiểu công nghiệp có để chín cây được không. Cũng giống như chúng ta chờ hạt lúa chín hoàn toàn mới gặt là tốt nhất nhưng chúng ta không thể đợi tất cả các bông lúa đều chín như nhau được. Vì vậy trong một bông lúa, đầu bông bao giờ cũng là hạt to chín ngon nhất còn cuối bông là hạt nhỏ nhưng phải chấp nhận như thế chứ, sao khác được? Các nước đã làm như thế và ta cũng cần làm thế. Tuy nhiên, người ta cũng có thể lấy những quả non chưa đủ dinh dưỡng mang về giấm, tất nhiên nó cũng chín nhưng chất lượng thì không đạt. Vì vậy về nguyên tắc phải phổ biến cho người dân hiểu rằng làm như thế là không được.

Mới đây người ta nói phải chờ sầu riêng chín cây rơi xuống rồi nhặt về ăn mới ngon nhưng thực tế nếu chờ từng quả chín như vậy thì bao giờ mới có sầu riêng mà bán. Người nông dân phải biết quả lúc nào là già để mang về giấm, người tiêu dùng cũng phải tinh mắt đánh giá quả nào là chín kỹ thuật, quả nào là chín đúng. Theo tôi, nếu ủ chín bằng etilen là không độc còn các chất khác thì chưa biết hậu quả ra sao. Quan trọng nữa là phải hiểu chất kích thích đó là gì, những người bán hàng cũng phải ghi nó là hàng gì, sử dụng liều lượng ra sao là hợp lý.

PV: Không chỉ hoa quả, hiện rất nhiều loại thực phẩm như thịt lợn, bún, bánh phở, đồ chế biến sẵn, tương ớt, hạt dưa, mì ăn liền... đều sử dụng nhiều loại hóa chất bị cấm, ông nghĩ sao về điều này?

PGS.TS Huy Thịnh: Đừng đánh đồng các chất. Như tinopal là chất cấm không được sử dụng nhưng sulfite lại được sử dụng ở nồng độ cho phép. Ở Việt Nam chất sulfite không được sử dụng đúng chỗ. Các nước khác họ sử dụng nó để bảo quản nước quả ép. Sulfite bản chất là chất độc, đặc điểm của chất này nếu hít vào là chết người nhưng nếu cho vào nước quả nó có tác dụng khử trùng rất tốt, bảo vệ được nồng độ vitamin C, làm nước quả có màu đẹp. Nhưng nó không chỉ nằm nguyên trong nước như vậy mà nước quả trước khi trở thành thành phẩm còn trải qua một quá trình thanh trùng đun nóng, ở quá trình này chất sulfite sẽ bay hơi đi hết.

Trong ngành công nghiệp thực phẩm, người ta dùng sulfite với sulfate rất nhiều vì những loại như khoai tây, cà rốt, súp lơ… sau khi sơ chế nếu không bảo quản tốt sẽ bị thâm đen lại, vì thế lúc này nên sử dụng SO2 hoặc NaSO3 để làm trắng rồi rửa sạch là đi hết. Chỉ có một điều đáng quan tâm mà không ai đề cập đó là nước có SO2 đổ đi đâu, vì đổ xuống đâu sinh vật cũng chết. Nhà máy sản xuất bột trắng, họ dùng SO2 để tẩy trắng bột, phương pháp đó hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến chất lượng bột nhưng nước đổ xuống sông Hồng cá chết, môi trường bị hủy hoại không ai đặt vấn đề gì, đó mới là vấn đề cần xử lý.

PV: Nhưng quan trọng là hàm lượng cho phép được sử dụng, thưa phó giáo sư?

PGS.TS Huy Thịnh: Tất nhiên họ có quy định hàm lượng nhưng không ai cho chất phụ gia quá nhiều, có những chất không được quy định nhưng tự khắc nó điều chỉnh được ngay chẳng hạn cho vào đủ thơm, đủ màu chứ không cho quá nhiều.

Chúng ta phải làm sao để người dân họ hiểu và sử dụng đúng quy trình để không gây độc hại, chứ không phải do thiếu hiểu biết rồi nhìn vào đâu cũng thấy độc rồi không cho sử dụng khiến những người có nhu cầu lại phải mua lén rồi sử dụng bừa. Vấn đề mấu chốt của chúng ta là ở chỗ ấy.

PV: Có không ít nguyên nhân dẫn đến tình trạng người Việt bây giờ “không ăn thì chết mà ăn thì sợ độc vào người”, nhưng rõ ràng trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về các cơ quan quản lý, thưa phó giáo sư?

PGS.TS Huy Thịnh: Ở nước ta, quản lý trong các lĩnh vực rất luộm thuộm chẳng đâu vào đâu cả. Ví dụ như dịch cúm gia cầm, tai xanh năm nào vẫn còn tái diễn. Vì sao không làm triệt để luôn đi vì mầm bệnh vẫn nằm trong đó. Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay là rất nan giải không phải đặt từ người dân mà phải từ khâu quản lý. Cơ quan quản lý có thổi còi hay không, nếu thổi còi chúng ta thường xuyên nghe đến câu: “Lực lượng mỏng còn đối tác thì tinh vi”. Thế nào là lực lượng mỏng? Không phải cứ đi kiểm tra từng chuồng trại, rau củ quả bẩn vì có hàng ngàn người nông dân có hàng ngàn chuồng trại sao kiểm tra nổi. Vấn đề cơ bản là đã đến lúc chúng ta truyền cho người dân hiểu cái mà họ cần làm, bỏ ít kinh phí ra dạy cho người ta biết một cách thấu đáo để họ làm đúng. Cứ nói người nông dân tham lợi nhưng thực ra không đúng, cái lợi chính đáng họ tham chứ cái không chính đáng họ chẳng tham làm gì. Trường hợp không biết rồi làm sai là rất nhiều chứ không phải biết rồi vẫn sai. Bản thân tôi đã từng gặp những lớp tập huấn khuyến nông nhưng những lớp này chỉ để tiêu tiền là chính chứ không phải để truyền kiến thức. Làm sao phải để biến những kiến thức đó thành của người nông dân mới là quan trọng.

Chất kích thích làm hoa quả chín đều là ứng dụng lớn của KHKT

Người ta cấm hóa chất hàn the mà người dân xa xưa vẫn sử dụng vì nó làm cho dai bún, dai thịt, giò chả ngon… Nhưng bây giờ người dân hỏi nếu không dùng cái đó thì sản xuất giò chả sẽ dùng cái gì để cho nó dai? Trả lời họ đi, không ai chỉ cách khắc phục thì họ biết làm sao? Vì không còn cách nào khác họ mới phải sử dụng những chất đó.

Câu chuyện ở đây là Nhà nước phải có chiến lược tuyên truyền thực sự chứ đừng hình thức. Người ta thường nói lấy giáo dục làm chính nhưng không phải lên lớp người ta chính trị tư tưởng mà giáo dục họ làm đúng cách. Hiện nay tình trạng dạy hình thức là rất phổ biến. Nhà nước có chương trình mục tiêu về giáo dục thực phẩm rất tốt nhưng dạy hình thức vẫn chủ yếu.

Có một lần tôi đã nói với các vị ở các cơ quan chức năng là: tại sao các anh không in những cuốn sách, cẩm nang nên dùng thuốc gì cho loại rau gì vào lúc nào là hợp lý. Tại sao chúng ta tiêu hàng tỉ đồng mà không làm cho người nông dân những thứ thiết thực như thế, bao nhiêu người nông dân trồng rau ở đất Hà Nội này? Hoặc in áp phích bắt dán ngay trước cửa những cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật rằng loại này được bán loại kia không.

Những hóa chất cấm dùng không cần thông báo nhưng những chất được dùng ví dụ trong đó có 400 chất phụ gia trong danh mục thì nên in cho họ, ông sản xuất thịt có cuốn về thịt, ông làm nước giải khát có các chất phụ gia dùng trong nước giải khát… Các chính quyền địa phương liệt kê số người làm các mặt hàng, sau đó cơ quan cấp trên gửi đúng số lượng sách cẩm nang về miễn phí cho họ. Chỉ vài năm sau thành thói quen. Đó là cách tuyên truyền kiến thức đến cho người dân. Nếu không tuyên truyền luật giao thông cho người đi đường thì có hàng nghìn cảnh sát giao thông ra đường cũng không làm được gì cả. Vấn đề vẫn là ý thức.

PV: Phó giáo sư có cho rằng, chính vì việc xử phạt chưa nghiêm đã khiến cho cả người dân và các tập thể liên quan “nhờn”?

PGS.TS Huy Thịnh: Các cơ quan chỉ thi nhau phát biểu chứ không có giải pháp cho người dân để họ hiểu mà làm đúng. Làm sai có lợi gì đâu, đừng đổ lỗi cho người dân? Ví dụ nếu có quy trình hợp lý để phun thuốc trừ sâu một cách chủ động thì có ảnh hưởng gì đâu? Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh là vì vậy. Bộ Y tế, Nông nghiệp, Công Thương, Môi trường và các cơ quan chức năng khác, thậm chí bây giờ là chính quyền xã, tỉnh cùng vào cuộc nhưng hiệu quả thì càng ngày càng thấp. Đơn giản bởi vì nói thì nhiều mà hành động lại ít.

Một vấn đề quản lý gián tiếp sinh ra vấn đề quản lý thực phẩm là cơ quan hành chính. Luật Nhà nước quy định không được sử dụng lề đường, hè phố để buôn bán vậy ai là người cho phép? Khắp nơi trên đường phố Hà Nội, Sài Gòn đều có quán ăn từ sáng đến đêm ở vỉa hè. Với những cửa hàng ăn nhỏ lẻ như vậy, ai có thể đứng ra đảm bảo họ có trách nhiệm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Hàng loạt thịt thối bán ở đâu? Chỉ có bán ở ngoài đường. Có thông tin người ta còn vớt rau trên sông, nhặt trong thùng rác mang rửa sạch để bán quán ăn ở lòng lề đường. Ai là người quản lý những điều đó?

Mặt khác cơ quan quản lý đã có luật, nghị định, quy định… nhưng nếu cơ quan hành chính không thực thi những quy định đó thì cũng có như không. Chúng ta có luật  quy định ai được bán chỗ nào và chỗ nào không mà tại sao không thực thi? Thử hỏi các cơ quan Nhà nước có cơ quan nào chủ trương rành mạch rằng rau được cung cấp như thế nào là phù hợp? Thịt có thể chở về bằng xe máy không? Có trung tâm nào tổ chức quản lý, kiểm tra thực phẩm trước khi mang vào thành phố không hay cứ mang vô tội vạ vào. Tôi không hiểu người ta quan tâm những cái lớn nào trong khi những cái sát sườn thì không thực thi. Nếu chỗ nào cũng sạch sẽ thì người dân sẽ cảm thấy yên tâm chứ không còn phải ăn uống theo kiểu “nhắm mắt mà ăn”. Ngày trước có đầy rẫy những cửa hàng bán rau thịt của Sở Thương mại nhưng lại dẹp hết đi bán phản ở ngoài chợ, ngoài đường làm sao đảm bảo nổi và ai đảm bảo?

Đã từng có chuyện Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế vào cuộc kiểm tra khẳng định có chất cấm trong giá đỗ và đã… “nhắc nhở” các cơ sở vi phạm.  Nhưng thực tế thì sau đó không một ai bị xử phạt vì đã trót có hành động như vậy. Từ nhiều năm nay, cứ khi  có sự cố thì các cơ quan chức năng bắt đầu đi kiểm tra, rồi thu thập mẫu, chờ phân tích và trả lời kết quả theo kiểu “trấn an dư luận”. Điệp khúc thường cứ lặp đi lặp lại như thế. Và nếu chúng ta cứ như thế thì chuyện người Việt tự đầu độc nhau, là đương nhiên.

PV: Xin cảm ơn phó giáo sư!

Hằng Nga (thực hiện)

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc