Nỗi khổ của "đứa con" có 4 "ông bố"!

10:00 | 17/04/2011

16 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Ngã tư bốn bố” nằm trên phố Hàng Bông, bị cắt bởi phố Phủ Doãn và phố Đường Thành nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chỉ cách hồ Gươm có vài trăm mét.

Trước hết, xin mời bạn đọc nhìn những tấm ảnh trong bài. Những bức ảnh đó được chụp cùng một thời điểm, cùng mô tả cuộc sống thường nhật bận rộn của những người dân sống tại đó, được thể hiện rõ ràng trên… vỉa hè. Thế nhưng, có một điểm rất dễ dàng nhận thấy rằng: mức độ sạch sẽ ngăn nắp của những vỉa hè này lại hoàn toàn khác nhau. Một nơi thì vỉa hè thẳng tắp, cột điện, cột biển báo đều chằn chặn, một nơi thì vỉa hè biến mất vì bị xâm lấn một cách “tàn bạo” trông nhôm nhem, lộn xộn, bừa bãi một cách đáng… xấu hổ.

Cũng xin bật mí luôn rằng: những vỉa hè này là vỉa hè của những con phố cùng nằm trên một ngã tư, cái ngã tư mà người dân hay châm trọc gọi bằng một cái tên rất đặc biệt là “Ngã tư bốn bố”. Ngã tư này nằm trên phố Hàng Bông, bị cắt bởi phố Phủ Doãn và phố Đường Thành nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chỉ cách hồ Gươm có vài trăm mét. Vậy tại sao ngã tư này lại có một cái tên đặc biệt như vậy và vì sao chúng lại có độ “ngăn nắp” chênh lệch đến thế?

Nỗi khổ của
Hè phố Phủ Doãn bị lấn chiếm

Một tiếng "hắt hơi", bốn phường nghe rõ!

Không cần dài dòng, bà Chuân – một phụ nữ bán trà đá dạo ở ngay giữa ngã tư này đã trề môi giải đáp:

– Ôi dào, gọi là “ngã tư bốn bố” vì chỉ có mỗi cái ngã tư bé tẹo này thôi mà “xé” ra cho 4 phường quản lý đấy chú ạ. Phong trào từng phường khác nhau, sự mẫn cán nhiệt tình của các bác trên phường ở mỗi nơi cũng khác nên sinh ra cái cảnh lem nhem nơi sạch nơi bẩn thế này. Tôi bán nước ở đây hơn chục năm nay rồi mà bây giờ vẫn không nhớ được đích xác địa phận các phường, vì nó lằng nhằng và phức tạp lắm.

Có đến mấy ngày tôi lang thang ở cái ngã tư này, chứng kiến cuộc sống nơi vỉa hè của người dân từ sáng sớm đến tối mịt. Và tôi lượm lặt được vô khối những câu chuyện buồn cười từ cái ngã tư độc nhất vô nhị ấy.

Xin được bắt đầu từ con phố Phủ Doãn. Con phố này dài khoảng 400m nối từ phố Hàng Bông đến phố Tràng Thi. Theo lịch sử ghi lại thì vào đời nhà Lê, con phố này là nơi đặt tổng hành dinh của Nha Phủ Doãn. Phủ Doãn là chức quan đứng đầu phủ Phụng Thiên (gồm huyện Vĩnh Xương và Quảng Đức) tức toàn bộ kinh thành Thăng Long xưa. Khi Gia Long lên ngôi vua vào năm 1802 và lập kinh đô ở Huế, chức Phủ Doãn Phụng Thiên bị bãi.

Tới năm 1805, cùng với việc đổi Thăng Long làm trấn thành, đổi chữ “Long” là rồng ra chữ “Long” là thịnh vượng, phủ Phụng Thiên cũng đổi là phủ Hoài Đức. Thời Pháp thuộc, con phố này có tên là phố Giuy-liêng Bờ-lăng (Julien Blanc). Thời kỳ ấy, tại đây có một bệnh viện mà người dân quen gọi là nhà thương Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt – Đức). Khi Pháp thất trận phải rút quân, con phố này lại được đổi lại thành cái tên thuần Việt vốn có của nó: Phố Phủ Doãn.

Phố Phủ Doãn hiện nay có lòng đường rộng gần 10m, vỉa hè mỗi bên rộng 5m. Tuy nhiên, nó lại thuộc địa phận của hai phường Hàng Bông và Hàng Trống. Nếu đứng từ giữa ngã tư nhìn vào thì mặt phố bên phía tay phải thuộc phường Hàng Bông, phía tay trái thuộc phường Hàng Trống. Cũng từ giữa ngã tư này quay sang phố Hàng Bông, hướng về hồ Hoàn Kiếm thì mặt bên phải thuộc phường Hàng Bông, mặt bên trái lại thuộc phường Hàng Gai; hướng về phía ngã năm Cửa Nam thì mặt bên phải thuộc phường Cửa Đông, mặt trái lại là phường Hàng Bông. Với cách phân chia địa giới lằng nhằng, chồng chéo như vậy, ngay chính nhiều người dân sống ở khu vực này cũng phải ngẩn người suy nghĩ một lúc mới phân định được chính xác. Để mô tả sinh động nhất về điều này, bà Chuân nhổm người đứng ra giữa ngã tư bảo:

– Thật chẳng có ngã tư nào như ngã tư này, “hắt hơi” một tiếng bốn phường nghe thấy.

Một cách cụ thể hơn, trên phố Hàng Bông, ngoài vỉa hè thì thuộc phường Hàng Bông nhưng bên trong vỉa hè thì thuộc phường Hàng Trống. Thế nên mới xảy ra tình trạng nhiều hộ dân có hộ khẩu thường trú đăng ký tại phường Hàng Trống nhưng lại chịu sự quản lý hành chính của phường Hàng Bông. Như cách nói của mấy cụ già tập thể dục trên phố thì gọi là “đầu một nơi, thân một nẻo”. Sự lằng nhằng phức tạp này khiến nhiều người phải “phân thân” khi có một việc nào đó đụng đến một thủ tục hành chính. Việc một phải giải quyết bên phường này, việc hai phải giải quyết bên phường kia và có những việc phải đợi cả hai phường cùng “phối hợp” giải quyết. Vậy nên có nhiều người khi được hỏi nhà ở phường nào thì thờ dài đánh thượt một cái “Tớ cũng chả biết, đi mà hỏi các bác trên phường”.

Nỗi khổ của
Ngang nhiên ngồi dưới lòng đường phố Phủ Doãn

Cha ông ta đã đúc kết một câu hơi “mặn lời” nhưng có vẻ như rất chính xác: “Cha chung không ai khóc”. Ở cái ngã tư này thì câu thành ngữ này phải đổi lại cho đúng là: “Con chung, mỗi bố khóc một kiểu”. Thế nên mới có sự xộc xệch, chênh lệch sinh ra cảnh mất mỹ quan đô thị ở cái ngã tư này.

Phố Hàng Bông thì sạch sẽ tinh tươm, vỉa hè được lát đá trắng mát lịm, xe máy thì để gọn gàng ngăn nắp, họa có người cố tình ghé tạm xe lên vỉa hè thì cũng phải ngó trước ngó sau, lấm la lấm lét. Ngay sát đó là vỉa hè của phố Phủ Doãn thì nó đã… biến mất. Tôi đếm dọc từ đầu ngã tư đến đúng số nhà 69, vỉa hè được trưng dụng thành những xưởng sửa chữa, buôn bán phụ tùng xe máy. Dầu nhớt đen kịt bám nhơ nhớp vào mặt đá vỉa hè, thỉnh thoảng có anh thợ thử máy, vê ga ré lên một tràng, khói đen bay mù mịt. Vỉa hè họ bày vẫn thiếu chỗ, họ tràn xuống làm việc cả ở lòng đường, nào là thử xe, gò sắt thép, bán xăng lẻ, hút thuốc lào và xả rác. Khách du lịch, người đi bộ đành phải đi xuống… giữa đường, cùng làn với xe máy và ôtô và thỉnh thoảng có vị giật mình nhảy cẫng lên vì bị khói đen ống xả xịt thẳng vào mặt.

Ở vỉa hè đối diện cũng được các hàng quán “trưng dụng” triệt để vào việc kinh doanh và dựng xe máy cho khách. Hầu hết vỉa hè được chăng dây làm điểm trông giữ xe đạp, xe máy cho khách vào Bệnh viện Việt – Đức.

Những chiêu trốn công an phường của cánh hàng rong

Để tìm hiểu về thực trạng này, tôi có gặp Trung tá Nguyễn Văn Bạo, Phó trưởng Công an phường Cửa Đông. Anh Bạo nói ngay:

Đó là một ngã tư rất phức tạp, phường Cửa Đông chúng tớ bị “dính” đầu phố Đường Thành vào ngã tư ấy đấy.

Nỗi khổ của
Phố Hàng Bông quy củ, ngăn nắp

Cũng xin được nói một chút về phố Đường Thành. Đây là một con phố dài ngót nửa cây số, nối phố Cửa Đông với phố Hàng Bông. Thời nhà Nguyễn, phố là con đường dẫn tới cửa phía nam của mang cá, bảo vệ cửa Cửa Đông của thành Thăng Long. Chính vì vậy mà thời đó phố có tên là Cửa Thành. Thời Pháp thuộc, phố được gọi là phố Thành (Rue de la Citadelle). Sau Cách mạng Tháng Tám, phố mới chính thức được đặt tên là phố Đường Thành. Theo lời anh Bạo, việc quản lý trật tự địa bàn ở khu vực này phức tạp vì anh em công an ở các phường phải phân chia nhau đến từng mét đất để quản lý, tránh tình trạng “dẫm lên chân nhau”. Nhiều lúc, thấy tình trạng lấn chiếm vỉa hè ngang nhiên ngay trước mắt mình nhưng không ai ra tay bởi đất đó thuộc quản lý của phường khác, anh em làm gì cũng phải “nhìn nhau mà làm”. Đội quân bơm xe, sửa khóa, bán hàng rong… phát hiện ra “điểm yếu” này và nghĩ ra đủ mọi mưu mẹo để qua mặt Công an phường. Đang ngồi khoanh chân giữa vỉa hè bán hàng bên phường này, thấy bóng xe thùng công an đi qua là nhỏm dậy bê phắt rổ hoa quả sang phường khác chỉ cách mấy bước chân rồi đứng cười tủm. Thấy công an đi rồi lại lũ lượt gánh hàng hóa về chỗ cũ ngồi bán như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Để bắt được những trường hợp “lươn lẹo” này, công an phường phải “mật phục”, chỉ cần hàng rong bước chân vào địa bàn của mình là ra tóm gọn. Cánh bơm xe, sửa khóa, bún riêu chỉ ngồi một chỗ thì còn dễ chứ cánh bán hoa quả rong cứ lẩn như trạch, tóm được một vị cũng mất toi nửa buổi sáng!

Để khắc phục tình trạng này, thời gian trước, Công an quận Hoàn Kiếm có công văn chỉ đạo rằng, ở khu vực ngã tư này, lực lượng công an bốn phường được quyền xử lý tất cả những trường hợp vi phạm khi bắt gặp. Tuy nhiên, lệnh trên là thế nhưng anh em dưới phường cũng phải “nể” nhau, việc ai người ấy làm, địa bàn ai người ấy quản cho đỡ phức tạp.

Việc quản lý địa bàn phường thì rành rẽ, phân minh là thế nhưng phần lòng đường ngã tư này là phần quản lý chung, bốn phường đều phải có trách nhiệm. Theo anh Bạo, giao thông ngã tư này rất hay xảy ra ùn tắc vào những giờ cao điểm, đặc biệt từ khoảng 17 giờ đến 17 giờ 30. Ngã tư đã chật chội, bị lấn chiếm vỉa hè, lại thêm lượng người ùn ùn từ Bệnh viện Việt – Đức, Bệnh viện Phụ sản Trung ương phía đầu phố Phủ Doãn đổ ra nên những giờ đó, ngã tư cứ chật ních như nêm cối. Thỉnh thoảng đoàn xe tang nào đó từ Bệnh viện Việt – Đức dong qua thì ngã tư này gặp “họa”, tắc cứng không còn đường thoát. Ấy thế mà hệ thống đèn đỏ ở đây thỉnh thoảng lại “tịt”, những lúc ấy, ngã tư này trở nên hỗn loạn khủng khiếp. Mà cái cảnh tắc đường ở phố cổ chắc chẳng ai lạ gì, thôi thì mạnh ai người ấy chạy, len lỏi lên cả ngóc ngách vỉa hè để “thoát thân”, rồi lại cảnh va chạm, chửi bới, đánh đấm nhau ồn ã như vỡ chợ.

Nỗi khổ của
Kinh doanh ăn uống tràn lan trên góc phố Hàng Bông - Phủ Doãn.

Những lúc ùn tắc như thế, nếu lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự có mặt kịp thời thì vấn đề sẽ được giải quyết rất nhanh. Tuy nhiên, theo nhiều hộ dân sống tại nơi này thì ngã tư ngày nào cũng ùn tắc, cảnh sát giao thông thỉnh thoảng mới có mặt, thậm chí tắc quá nhiều người dân phải “chủ động” rút điện thoại gọi trực tiếp vào công an phường để đem “viện binh cứu nguy”. Khổ nỗi, vì quản lý chung nên phường nào cũng nghĩ hôm nay chắc phường kia làm, phường kia lại nghĩ chắc hôm nay phường này làm. Kết cục là chẳng ai làm, tắc đường vẫn tắc!

Cuối giờ chiều, ngã tư mệt mỏi sực lên mùi bụi bặm xăng dầu và mùi chua nồng của bún thiu mà mấy bà chủ quán đổ bừa xuống vệ đường. Xe cộ ở đâu bắt đầu ùn ùn đổ về, ngã tư dần trở lên chật chội. Bà Chuân đứng dậy vươn vai nói:

“Cứ chung bốn bố” thế này thì có lẽ ngã tư này còn khối chuyện để kể. Như năm trước đấy thôi, có cậu thanh niên chẳng hiểu bị đâm chém ở đâu cố bò về đây rồi gục chết ngay ngã tư này. Công an bốn phường đều có mặt nhưng cứ phường này bảo cậu ta chết ở phường kia, phường kia lại bảo nạn nhân chết ở phường khác chứ không phải phường mình. Rồi thỉnh thoảng có vụ “tông” xe, đợi công an phường ra giải quyết chi bằng xông vào đấm nhau vài quả cho bõ tức rồi ai về nhà nấy.

Câu chuyện của những người buôn thúng bán bưng trên vỉa hè chật chội nơi ngã tư này có lẽ bảy phần hư ba phần thực. Tuy nhiên, có một sự thực rằng, nếu đem so sánh ngã tư này với bất cứ ngã tư nào ở Hà Nội cũng có sự khác biệt và lộ ra những vấn đề cần giải quyết.

Theo như lời anh Bạo, trước năm 1978, đồn công an nhân dân số 14 chịu trách nhiệm quản lý an ninh trật tự tại ngã tư này. Sau khi tách quận, phân phường, thì ngã tư này mới được phân đều cho bốn phường. Rất nhiều người cho rằng, để giải quyết vấn đề hiện nay, chi bằng “cắt” hẳn phần ngã tư này cho một phường nào đó để quản lý, tránh tình trạng “mỗi nhà mỗi cảnh” như hiện nay. Trong khi những ngã tư khác từ lâu đã dần dần đi vào nền nếp, sạch đẹp, ngăn nắp thì vấn đề ở “ngã tư bốn bố” này cần suy nghĩ và giải quyết ngay.

TP HCM chấn chỉnh việc sử dụng tạm vỉa hè

TP HCM chấn chỉnh việc sử dụng tạm vỉa hè

Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đề nghị UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện không tiếp tục cấp phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè để trông, giữ xe cho các tổ chức, cá nhân không chấp hành về phạm vi được cấp phép.

Phóng sự của Vũ Hải Hậu