Nỗi buồn của Bác Ba Phi

07:00 | 17/03/2014

2,349 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Với tính tình hào sảng, khi còn sống Bác Ba Phi (tên thật Nguyễn Long Phi, 1884 - 1964) thường giúp đỡ những người dân nghèo có vốn làm ăn và kể chuyện tiếu lâm. Chuyện cười của ông mang đậm phong vị của miền quê Nam bộ, được Bộ Văn hóa - Thông tin đánh giá cao. Nhưng ngày nay du khách đến khu mộ người nghệ nhân dân gian này đều chung một cảm giác “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Bác Ba Phi lớn lên trong một gia đình nghèo ở Đồng Tháp. Ngay từ khi còn nhỏ ông đã phải cày thuê, cuốc mướn để nuôi tám người em nhỏ. Đến tuổi trưởng thành, Ba Phi bị bắt đi lính Lê Dương của Pháp. Bốn năm sau đó, Ba Phi cùng hai lính Lê Dương khác bỏ trốn. Vì sợ về quê sẽ bị bắt nên Ba Phi xuôi thuyền về vùng U Minh, Cà Mau tính kế sinh nhai. Vùng đất này có ông hương quản Tế - địa chủ giàu có với gia sản kếch xù, cùng những thửa đất thẳng cánh cò bay. Nhưng vì nhà hương quản neo đơn nên phần lớn đất đai bị hoang hóa, cỏ mọc um tùm.

Tìm đến nhà hương quản làm thuê, Ba Phi làm mọi việc một cách chu đáo, nhiệt tình nên được hương quản “ưng cái bụng”. Đặc biệt, hương quản có cô con gái rượu đến tuổi cập kê. Dù rất nhiều trai trẻ mang sính lễ đến cầu hôn nhưng đều bị ông lắc đầu từ chối. Thời gian sau, hương quản gọi Ba Phi đến hứa gả con gái, nếu có thể làm hài lòng ông trong ba năm liên tục.

Trong ba năm đó, Ba Phi giúp hương quản khai khẩn thêm hàng ngàn công đất hoang hóa, sình lầy đầy rắn rết thành những cánh đồng bạt ngàn trồng lúa, nuôi tôm, lên vườn tược trồng cây trái... Hết thời gian thử thách, hương quản rất hài lòng về chàng rể siêng năng nên gả ái nữ Trần Thị Lữ và giao cho Ba Phi 500 công đất. Thương người dân nghèo khổ không có đất canh tác, Ba Phi chia cho họ và tặng lại phần lớn đất đai cho chính quyền, chỉ chừa lại 50 công canh tác.
 

Ngôi mộ Bác Ba Phi giữa hai mộ người vợ Trần Thị Lữ và Nguyễn Thị Chăm

Sau nhiều năm, vợ chồng Ba Phi vẫn không có được mụn con nào. Ngày làm việc đồng áng, tối về sẵn máu nghệ sĩ, Ba Phi thường ra sau nhà kéo đàn bầu nghe buồn tê tái. Thấu hiểu tâm trạng người “đầu ấp tay gối” hằng đêm, bà Lữ quyết định cưới vợ hai cho chồng để mong có con nối dõi tông đường. Người vợ hai sinh cho Ba Phi một người con trai tên Nguyễn Tứ Hải. Sau khi con được ba tuổi, người vợ sau gửi con lại cho chồng để về quê ở Mỹ Tho.

Đến tuổi thành gia lập thất, ông Hải cưới bà Nguyễn Thị Anh, hạ sinh con trai Nguyễn Quốc Trị - nhân vật “thằng Đậu” nổi tiếng trong các câu chuyện của Bác Ba Phi. Thành ngữ “Tệ như vợ thằng Đậu” để chỉ những người vụng về cũng bắt đầu từ đây. Thời gian sau đó, Bác Ba Phi cưới thêm vợ ba là bà Nguyễn Thị Chăm, người dân tộc Khmer. Ở với chồng được vài năm, bà Chăm hạ sinh hai con gái.

Ngày 3-1-1964, Bác Ba Phi qua đời, hưởng thọ 80 tuổi tại rừng U Minh Hạ (nay là ấp Đường Ranh, xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời). Phần mộ của ông được chôn ở giữa hai mộ bà Lữ và bà Chăm. Thời còn sống, Bác Ba Phi được người đời gọi là “hậu duệ” của lớp người đi mở đất rừng U Minh nhiều sản vật nhưng cũng đầy khắc nghiệt. Tính tình lạc quan, yêu đời nên cách nhìn đời của ông cũng sinh động và đáng yêu, thông qua những câu chuyện hài hước, để mang tiếng cười cho mọi người. Đến nay, những truyện cười của Bác Ba Phi đã bị biến tấu khi lưu truyền trong dân gian. Các câu chuyện đều mang phong cách đặc trưng của Ba Phi luôn với những yếu tố bất ngờ, làm người nghe không khỏi bật cười.
 

Những “biệt thự mộ” tiền tỷ ở địa phương

Ngày nay, ai đến vùng đất Cà Mau cũng đều háo hức tìm về địa phương mà nghệ nhân này từng sinh sống để thắp nén nhang cho ông. Nhưng điều đáng buồn, đến nay ba ngôi mộ của vợ chồng Bác Ba Phi lại nằm hiu quạnh gần mé ruộng, xung quanh sình lầy nước đọng. Cạnh phần mộ là ngôi nhà ông từng ở, bây giờ do gia đình bà vợ hai cai quản, nhưng người nhà thường khóa cửa đi đâu không ai rõ. Năm 2009, Nhà nước từng có dự án xây dựng lại khu tưởng niệm nghệ nhân dân gian này. Nhưng do tranh chấp đất trong nội bộ gia đình của Bác Ba Phi, đến nay vẫn không sửa sang được. 

Trong khi đó, trào lưu xây mộ tiền tỷ “bùng nổ” từ năm 2007 và nhanh chóng lan rộng khắp địa phương. Điển hình hộ ông Trần Văn Mười Ba. Sau mấy chục năm “thắt lưng buộc bụng”, làm việc vất vả, khi vợ mất, ông Mười Ba đã xây ngôi mộ trị giá 1,1 tỷ đồng để vợ yên nghỉ nơi chín suối. Ngoài “biệt thự mộ” của ông Mười Ba còn có rất nhiều ngôi mộ lộng lẫy như một vương phủ khác.

 

Theo Báo Công an TPHCM