Những vùng đất bị xâu xé hậu IS

09:05 | 08/12/2019

373 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù IS đã bị đánh bại với cái chết của thủ lĩnh Baghdadi, cuộc chiến giành ảnh hưởng ở vùng đất cũ của phiến quân dường như chỉ mới bắt đầu.

Cái chết của thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi được coi là "chương cuối" trong nỗ lực kéo dài 5 năm qua của hơn 70 quốc gia trong liên minh quốc tế nhằm đánh bại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tuy nhiên, sự sụp đổ của IS cũng để lại những khoảng trống lớn tại những vùng đất phiến quân từng kiểm soát tại Iraq và Syria, mở ra nguy cơ các bên tranh giành ảnh hưởng ở khu vực.

Câu nói "quốc gia có thể thắng cuộc chiến nhưng đánh mất hòa bình" dường như đang ứng nghiệm với Iraq và Syria, nơi IS từng chiếm đóng một vùng đất có diện tích bằng nước Anh. Cuộc chiến chống phiến quân đã khiến nhiều thành phố ở cả hai quốc gia bị phá hủy, hàng triệu người phải đi tị nạn cũng như hàng nghìn người vẫn đang mất tích.

Những vùng đất bị xâu xé hậu IS
Các tay súng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn giành quyền kiểm soát thành phố Afrin, bắc Syria từ tay người Kurd. Ảnh: AFP.

"Việc đánh bại IS ở Iraq và Syria không giúp các nước này có được hòa bình trở lại", Seth Frantzman, giám đốc Trung tâm Báo cáo và Phân tích Trung Đông (MECRA), nhận định.

Quyết định rút quân bất ngờ của Mỹ khỏi miền bắc Syria, nơi được Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn giải phóng từ tay IS, đã để lại khoảng trống để Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch quân sự, khiến khoảng 200.000 người Kurd phải rời bỏ nhà cửa.

Tàn dư của IS vẫn ẩn náu ở miền bắc Iraq, ra vào các ngôi làng ở phía nam Mosul và lợi dụng sự thiếu kết nối giữa Chính quyền Khu vực người Kurd tự trị và các lực lượng liên bang Iraq. Việc các lực lượng quân sự chồng chéo ở khu vực cũng gây ra nỗi bất an mới, trái ngược với cảm giác an toàn khi Iraq tuyên bố đánh bại hoàn toàn IS ở nước này.

Chính dân thường ở các vùng đất do IS kiểm soát trước đây, từ Raqqa ở Syria đến Mosul ở Iraq, là những người cảm thấy bất an nhất, và "vết thương hở" sau cuộc chiến này có thể sẽ không dễ khép miệng.

Các diễn biến quân sự, gần đây là lực lượng nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn kiểm soát thị trấn Tal Abyad và Mỹ điều quân đến canh các mỏ dầu ở Deir Ezzor mà không quan tâm đến các cộng đồng địa phương đã cho thấy một cuộc cạnh tranh mới về lãnh thổ, quyền lực và tài nguyên thời kỳ hậu IS.

Các cuộc xung đột ở Syria và Iraq dường như lắng xuống trong giai đoạn 2017-2019, khi Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran bắt đầu tham gia cuộc chiến chống IS. Tuy nhiên, các lực lượng từng giúp các nước trên đánh bại IS lại đang khiến nhiều người lo sợ.

Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU), nhóm dân quân chủ yếu là người Hồi giáo dòng Shiite, từng đẩy lùi IS ở Iraq lại đang bị cáo buộc sát hại người biểu tình ở nước này hồi tháng 10. Nhóm này cũng được cho là có quan hệ mật thiết với lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Trong khi đó, lực lượng nổi dậy Quân đội Quốc gia Syria (SNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn lại đang tấn công người Kurd ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. SNA liên tục bị cáo buộc vi phạm nhân quyền ở những khu vực Thổ Nhĩ Kỳ giúp nhóm này kiểm soát.

Vùng trời Syria cũng trở thành tâm điểm trong cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa Iran và Israel, hai quốc gia đều coi Syria là một "hành lang chiến lược". Theo quan điểm của Israel, ảnh hưởng của Iran ở Syria càng lớn đồng nghĩa với việc nước này càng dễ cung cấp cho phiến quân Hezbollah các rocket dẫn đường chính xác để đe dọa an ninh Israel từ Cao nguyên Golan.

Iran không giấu giếm việc các lực lượng dân quân do nước này hậu thuẫn đang hỗ trợ quân đội Syria tiến hành cuộc chiến chống IS và phe nổi dậy. Trong khi đó, Israel cáo buộc Iran đang tìm cách thiết lập sự hiện diện quân sự lâu dài ở quốc gia này nhằm tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.

Không quân Israel thừa nhận đã tiến hành hàng loạt vụ không kích vào các mục tiêu sâu bên trong lãnh thổ Syria nhằm tiêu diệt các bệ phóng tên lửa, kho đạn và các cơ sở quân sự của dân quân thân Iran.

Các cường quốc khu vực và thế giới đều đang tìm cách tranh giành ảnh hưởng tại những vùng đất giành lại được từ tay IS. Trong khi khu vực đông bắc Syria là địa bàn hoạt động của lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn, vùng tây bắc nước này lại là nơi các nhóm nổi dậy thân Thổ Nhĩ Kỳ đang kiểm soát.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn kiểm soát trực tiếp hoặc sử dụng lực lượng nổi dậy để kiểm soát toàn bộ khu vực miền bắc Syria. Các lực lượng này đang kiểm soát các thành phố Afrin, Idlib, Jarabulus và Tal Abyad. Tuy nhiên, Nga đã buộc Thổ Nhĩ Kỳ dừng chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria và tham gia tuần tra chung với quân cảnh Nga.

Những vùng đất bị xâu xé hậu IS
Bản đồ ảnh hưởng của các thế lực ở Iraq và Syria. Nguồn: Seth Frantzman.

Nga duy trì lực lượng ở thành phố cảng Latakia và đưa quân cảnh đến các khu vực ở miền đông Syria, tìm cách lấp những khoảng trống mà quân đội Mỹ để lại và đạt được một thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ.

Iran, thông qua các lực lượng bán quân sự Hồi giáo dòng Shiite như Hezbollah và PMU, cũng tự do hoạt động ở Iraq và Syria. Mỹ, với SDF, dù đã chủ động giảm ảnh hưởng ở khu vực, song lực lượng này vẫn có vai trò quan trọng với 1.000 quân ở Syria và 5.000 quân ở Iraq. Từ sau cuộc chiến chống IS, Mỹ cũng vẫn duy trì quan hệ hợp tác với lực lượng người Kurd ở miền bắc Iraq.

Theo chuyên gia Frantzman, chiến dịch tiêu diệt Baghdadi của Mỹ chỉ thể hiện một chiến lược chống khủng bố trong ngắn hạn, không thể thúc đẩy bất kỳ một giải pháp lâu dài nào nhằm giải quyết bất ổn khu vực và diệt trừ tận gốc IS.

Trong khi Mỹ không còn muốn tiếp tục nhúng tay vào "cuộc chiến không có hồi kết" ở Iraq và Syria, các nước như Iran, Nga, và Thổ Nhĩ Kỳ lại vướng vào những mâu thuẫn địa chính trị và lợi ích chồng chéo, thông qua nỗ lực củng cố vị thế của đồng minh và gây dựng ảnh hưởng hơn là tìm giải pháp hòa bình lâu dài cho khu vực.

"Những quốc gia tham gia tiêu diệt IS dường như đang bị kéo xuống vũng lầy do chính họ tạo ra", Frantzman nói.

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc