Những vũ khí khác thường của phiến quân Syria bị Nga thu giữ

06:56 | 17/12/2018

312 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Quân đội Nga thu được nhiều chiến lợi phẩm trong chiến dịch chống phiến quân tại Syria, gồm cả những vũ khí ra đời từ Thế chiến II.
Những vũ khí khác thường của phiến quân Syria bị Nga thu giữ
Xe tăng Centurion Mk.3 được trưng bày tại Moskva đầu tháng 12. Ảnh: RBTH.

Bộ Quốc phòng Nga đang mở đợt trưng bày những chiến lợi phẩm thu được từ chiến dịch quân sự chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng nổi dậy tại Syria suốt ba năm qua, trong đó có nhiều loại khí tài có thiết kế và nguồn gốc khác thường, theo RBTH.

Trong một trận đánh vào tháng 11/2015 ở tỉnh Latakia, binh sĩ quân đội Syria và Nga đối mặt với một chiếc xe tăng có hình dạng lạ lùng, không giống những chiếc T-54 và T-72 trong tay phiến quân.

Quân chính phủ Syria giành chiến thắng sau trận đánh dữ dội và quyết định xem xét chiếc xe tăng. Họ nhận ra đó là một chiếc xe tăng đời cổ Centurion Mk.3 do Anh thiết kế trong Thế chiến II và được chế tạo vào đầu thập niên 1950. Đây là một trong 700 chiếc từng tham gia hàng loạt cuộc xung đột giữa Israel và khối Arab.

Dòng Centurion Mk.3 được trang bị pháo nòng rãnh xoắn Ordnance QF 20 cỡ 84 mm, có lớp giáp thép dày 50-152 mm tùy vị trí. "Phiến quân có thể đã mua hoặc đánh cắp chiếc xe này từ Jordan, nơi vẫn đang lưu giữ khoảng 300 chiếc Centurion Mk.3", giáo sư Vadim Kozyulin thuộc Học viện Khoa học Quân sự Nga nhận định.

Những vũ khí khác thường của phiến quân Syria bị Nga thu giữ
Những khẩu STG 44 được quân đội Nga thu tại Syria. Ảnh: RBTH.

Một loại vũ khí khác thường khác bị Nga thu giữ là súng trường tấn công STG 44, từng được phát xít Đức biên chế trong giai đoạn cuối Thế chiến II. Những khẩu súng đầu tiên được binh sĩ Nga tìm thấy trong một nhà kho ở ngoại ô thủ đô Damascus đầu năm 2016.

Điều tra của quân đội Syria cho thấy khoảng 5.000 khẩu STG 44 đã bị cướp từ các kho vũ khí chính phủ trong giai đoạn đầu nội chiến, chúng được phân phát tới tay các nhóm phiến quân không lâu sau đó. Nhiều khẩu STG 44 được hàn ray gắn phụ kiện để lắp kính ngắm hiện đại, trong khi một số mẫu bị tháo tay cầm và thay bằng ống phóng lựu.

STG 44 sử dụng cỡ đạn 7,92x33 mm, vốn không được ngành công nghiệp quốc phòng Đức chế tạo từ sau năm 1945. Kozyulin cho rằng phiến quân Syria chỉ có hai cách để kiếm nguồn đạn cho STG 44 là cướp từ các kho quân khí của quân đội chính phủ hoặc tự chế.

Những vũ khí khác thường của phiến quân Syria bị Nga thu giữ
Tên lửa FN-6 trong tay phiến quân Syria hồi năm 2017. Ảnh: RBTH.

Một trong những vũ khí nguy hiểm nhất từng được quân đội Nga thu từ tay phiến quân là tên lửa phòng không vác vai (MANPADS) FN-6 do Trung Quốc sản xuất. Đây là loại khí tài được phiến quân sử dụng để bắn hạ cường kích Su-25SM Nga hôm 3/2, khiến phi công Roman Fillipov thiệt mạng khi chiến đấu với phiến quân dưới mặt đất.

Dòng tên lửa này được thiết kế chuyên để bắn hạ mục tiêu bay thấp và cực thấp, đạt tầm bắn 6 km và trần bắn 3,5 km. "FN-6 là bản xuất khẩu của hệ thống HY-6, được biên chế ở nhiều quốc gia như Campuchia, Peru, Pakistan... Nhiều khả năng nó cũng xuất hiện ở Trung Đông và rơi vào tay phiến quân", Kozyulin đánh giá.

Giới phân tích cho rằng FN-6 được trang bị đầu dò hồng ngoại điện tử, có khả năng kháng nhiễu cao và khó bị mồi bẫy đánh lừa. Tổ hợp này cũng được trang bị hệ thống nhận diện địch - ta (IFF), có vẻ ngoài tương tự mẫu AN/PPX-1 trên tên lửa Stinger Mỹ, để tránh bắn nhầm phi cơ đồng minh. FN-6 có tỷ lệ diệt mục tiêu khoảng 70%.

Loại vũ khí này xuất hiện lần đầu tại Syria vào năm 2013 trong tay lực lượng Quân đội Syria Tự do (FSA). Phiến quân từng sử dụng FN-6 để bắn hạ trực thăng vận tải Mi-8 và tiêm kích MiG-21 của quân đội chính phủ Syria.

Theo VnExpress.net

Tên lửa Nga gặp nhiều lỗi khi thực chiến trên sa mạc Syria
Syria dội “mưa” tên lửa vào hang ổ khủng bố ở Idlib
Tên lửa Nga diệt UAV tấn công căn cứ quân sự tại Syria
Syria kêu gọi Liên Hợp Quốc hành động sau vụ tấn công hóa học ở Aleppo
Syria nã hỏa lực đáp trả khủng bố tấn công dân thường bằng vũ khí hóa học

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc