Những trọng điểm trong chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam

16:31 | 01/05/2022

214 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cân bằng, linh hoạt, xuất khẩu xanh hướng tới phát triển xuất nhập khẩu bền vững là động lực của tăng trưởng kinh tế là những trọng điểm trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 vừa được Chính phủ giao Bộ Công Thương triển khai thực hiện.

Nhìn lại 10 năm thực thi Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2011-2020, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng, đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế của đất nước.

Những trọng điểm trong chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong hơn 10 năm qua có tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 15%.

Quy mô xuất nhập khẩu hàng hóa không ngừng được mở rộng và tăng cao, đóng góp lớn vào thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời gia tăng vị thế và nâng tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong thời kỳ 2011-2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 2,7 lần, từ 203,6 tỷ USD năm 2011 tăng lên 545,3 tỷ USD năm 2020.

Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bình quân đạt 14,6%/năm. Về quy mô xuất khẩu, nếu như năm 2011, Việt Nam ở vị trí thứ 41 thì đến năm 2015 đã vươn lên vị trí thứ 32 và đến năm 2020 ở vị trí thứ 22. Về quy mô nhập khẩu, năm 2020 Việt Nam đã vươn lên vị trí 19 thế giới so với vị trí 33 của năm 2011.

Diện mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng và phong phú. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm: năm 2011, có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; năm 2016 tăng lên 25 mặt hàng; đến năm 2020 là 31 mặt hàng. Từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn ở vị thế xuất siêu.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Tăng trưởng xuất khẩu cao nhưng chưa bền vững khi cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu còn chậm chuyển dịch, cán cân thương mại song phương với một số thị trường lớn chưa hợp lý; nền kinh tế chưa khai thác hết lợi thế cạnh tranh xuất khẩu dựa vào công nghệ, trình độ lao động, quản lý… để tạo ra các nhóm hàng xuất khẩu có khả năng cạnh tranh cao, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao.

Khắc phục những điểm hạn chế đó, Chiến lược xuất nhập khẩu cho giai đoạn mới đặt mục tiêu có sự quan tâm đúng mức đến chất lượng tăng trưởng và tính bền vững của phát triển xuất nhập khẩu.

Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 được ban hành tại Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ quán triệt chủ trương, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của Đảng trong giai đoạn mới, quan tâm đến những xu hướng mới trong kinh tế - thương mại quốc tế như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…

Những trọng điểm trong chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam
Các mặt hàng chiến lược xuất khẩu như thủy sản, nông nghiệp chế biến đều phải duy trì tính bền vừng.

Chiến lược có nhiều điểm nhấn quan trọng, cả về quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải pháp thực hiện Chiến lược. Cụ thể, Chiến lược đề cập 3 quan điểm, tương ứng với các yếu tố liên quan đến phát triển xuất nhập khẩu: chất lượng tăng trưởng; động lực của tăng trưởng và phương thức, định hướng tăng trưởng.

Cụ thể, quan điểm Chiến lược nhấn mạnh yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững, đồng thời chỉ rõ các yếu tố để đạt được sự bền vững: hài hòa về cơ cấu, cán cân thương mại, về mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, về công bằng xã hội, về bảo vệ môi trường. Chiến lược cũng đề cập vấn đề thương mại xanh, thương mại công bằng đang là mối quan tâm của các nước phát triểntrên thế giới.

Quan điểm về phát triển xuất nhập khẩu gắn với các động lực mới: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đổi mới sáng tạo. Quan điểm Chiến lược xác định vai trò của các ngành, địa phương trong phát huy lợi thế so sánh của ngành và địa phương, khai thác hiệu quả cơ hội và hạn chế các thách thức trong thực thi cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.

Chiến lược đặt mục tiêu tổng quát là “Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Có thể thấy, so với Chiến lược xuất nhập khẩu thời kỳ 2011-2020, mục tiêu Chiến lược không đặt chỉ tiêu con số cụ thể mà xác định mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững và là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Đối với mục tiêu cụ thể, bên cạnh các mục tiêu về tăng trưởng xuất khẩu, nhập khẩu về quy mô và mục tiêu về cán cân thương mại, Chiến lược bổ sung mục tiêu về cơ cấu hàng xuất khẩu, cơ cấu thị trường xuất khẩu, nhập khẩu để cụ thể hóa quan điểm phát triển xuất nhập khẩu bền vững trên cơ sở hài hòa về cơ cấu hàng hóa, cơ cấu thị trường và cán cân thương mại với từng thị trường, khu vực thị trường.

Những trọng điểm trong chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam
Xuất khẩu của Việt Nam sẽ cân bằng giữa công nghiệp và nông nghiệp chế biến.

Bên cạnh đó, Chiến lược cũng xác định 3 định hướng lớn về xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu hàng hóa và phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Cụ thể, Chiến lược bổ sung định hướng phát triển thị trường nhập khẩu hàng hóa, đặt ngang tầm với nhiệm vụ phát triển thị trường xuất khẩu hàng hóa.

Về định hướng chung xuất khẩu hàng hóa, Chiến lược định hướng phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu; coi trọng vấn đề sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Riêng với định hướng ngành hàng xuất khẩu, Chiến lược không đề cập cụ thể định hướng nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản (hiện chỉ còn chiếm 1% kim ngạch xuất khẩu), thay vào đó bổ sung định hướng “Không khuyến khích phát triển sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; chú trọng đầu tư phát triển xuất khẩu các sản phẩm kinh tế xanh, thân thiện với môi trường”.

Điểm mới trong giải pháp thực thi Chiến lược cũng được chỉ rõ. Theo đó, về giải pháp, Chiến lược tập trung vào 6 nhóm giải pháp chính với nhiều điểm mới so với Chiến lược xuất nhập khẩu thời kỳ 2011-2020.

Theo đó, phát triển sản xuất (bao gồm sản xuất công nghiệp và nông nghiệp), tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu. Trong nội dung về phát triển sản xuất nông nghiệp, điểm mới là “Phát huy vai trò của địa phương trong lựa chọn loại nông sản thích hợp để hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy hoạch; xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm chủ lực, nông sản đặc trưng, phát triển thương hiệu đi cùng với các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.”

Phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Trong đó, điểm mới là các giải pháp xúc tiến nhập khẩu và việc xem xét hạ dần hàng rào bảo hộ để tạo sức ép cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm giá thành, cạnh tranh với hàng nhập khẩu; đổi mới, đa dạng hóa các phương thức xúc tiến thương mại phục vụ xuất nhập khẩu thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Hoàn thiện thể chế, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng. Đây là nhóm giải pháp mới so với Chiến lược thời kỳ 2011-2020.

Những trọng điểm trong chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam
Việt Nam sẽ tăng cường quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, quyết liệt xử lý đối với hàng lậu, hàng giả.

Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, nâng cấp cơ sở hạ tầng kho vận, giảm chi phí logistics. Trong các nguồn lực cho phát triển xuất khẩu, Chiến lược quan tâm đến chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế nói chung và hoạt động xuất nhập khẩu nói riêng.

Theo đó, bổ sung giải pháp: “Xây dựng, hoàn thiện các bộ chuẩn đầu ra trình độ trung cấp, cao đẳng cho nhân lực các ngành, nghề sản xuất hàng xuất khẩu theo hướng tiếp cận tiêu chuẩn các nước phát triển trên thế giới. Tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu từ khâu xây dựng chương trình, tổ chức đào tạo, đánh giá và tạo việc làm.”

Quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý. Theo đó, Chiến lược bổ sung các giải pháp về xúc tiến nhập khẩu từ một số đối tác trọng điểm, thay vì chỉ theo hướng quản lý và kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập siêu như trong các giai đoạn trước.

Nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu quy mô lớn. Điểm mới của nhóm giải pháp là vai trò của các doanh nghiệp hạt nhân được đề cập và chú trọng.

Căn cứ các mục tiêu, định hướng, giải pháp và các nhóm giải pháp của Chiến lược, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược, trong đó xác định cụ thể các nội dung nhiệm vụ của các Bộ, ngành, cơ quan, thời hạn hoàn thành và nguồn lực thực hiện, ban hành vào đầu Quý III/2022.

Tùng Dương

Động lực thúc đẩy xuất nhập khẩu Động lực thúc đẩy xuất nhập khẩu
15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực vượt 1 tỷ USD trong quý I/2022 15 mặt hàng xuất khẩu chủ lực vượt 1 tỷ USD trong quý I/2022
Tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía bắc Tháo gỡ khó khăn cho xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía bắc