Những quán trà “độc nhất vô nhị” Hà Thành

07:19 | 30/09/2013

2,013 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Uống trà đã trở thành một nét rất riêng của người Hà Nội. Với muôn hình vạn trạng, xuất hiện ở khắp mọi nơi và trong số đó, nhiều quán trà khiến cho khách hàng uống một lần phải nhớ mãi vì sự độc đáo đầy thú vị.

Trà đá “cối cổ”

Quán trà của bà Chính

Cạnh chùa Bà Già, làng Phú Gia, Phú Thượng (Tây Hồ), quán trà đá của bà Chính khá đặc biệt với bộ ghế ngồi gồm 14 chiếc là cối đập lúa của nông dân thời xưa. Trung bình tuổi đời của những chiếc cối này đã hàng trăm năm nay, cái ít nhất cũng ngót nửa thế kỷ do người cháu của bà là anh Nguyễn Thanh Hưng, trú tại tổ 22, cụm 3, phường Phú Thượng mang ra. Được biết, 14 chiếc cối đang “trưng bày” tại quán bà Chính chỉ là một phần trong số hàng trăm chiếc cối tương tự mà anh Hưng đang lưu giữ.

Xuất phát từ gia đình có nhiều đời làm nghề nông, anh Hưng cho biết những chiếc cối này do các cụ để lại, hoàn toàn được tạc thủ công từ chất liệu đá xanh, trung bình mỗi chiếc nặng gần 1 tạ. Anh kể, hồi nhỏ thường mê mẩn khi ngồi xem các cụ đập lúa, xay thóc, qua thời gian hình ảnh đó cứ ăn sâu tiềm thức dần dần thành niềm đam mê.

 

Anh Hưng và bộ sưu tầm cối đập lúa đặt trong vườn

Ban đầu chỉ có gần 50 chiếc, sau vì đam mê anh đi lùng sục khắp làng cứ gia đình nào có cối là ngỏ ý xin mua bằng được. Đến nay anh Hưng đã có gần 100 chiếc, một phần được chuyển ra quán trà đá đầu làng, một phần gửi họ hàng, số còn lại anh gửi bên nhà mẹ vợ khoảng trên 40 chiếc. “Nhiều người đã từng hỏi mua nhưng tôi từ chối cả. Các cụ nghèo lúc khuất núi cũng không có gì để lại cho con cháu thì mình tự nhủ giữ lại cái hồn, coi nó như đồ gia bảo, không thể quy đổi thành vật chất được”, anh Hưng tâm sự.

Không chỉ đam mê sưu tập cối cổ, anh Hưng còn là người đam mê sưu tầm loại rượu nếp nương lâu năm ở vùng Lạc Sơn, Hòa Bình. Hàng trăm vò rượu anh đang lưu giữ trong kho lên đến gần 2.000 lít và đặc biệt số rượu này anh chỉ dành biếu bạn bè, người trong làng xóm chứ không bán.

Trà đá “mộ cổ”

Quán trà này nằm cạnh một ngôi mộ vô danh nằm sát vỉa hè đường Láng, đoạn giáp cầu Cót rẽ vào đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy). Chủ quán là một phụ nữ trung niên kiêm luôn việc hương khói hàng ngày, nhiều người quen gọi là quán trà “mộ cổ”.

Dựa trên một vài tư liệu lịch sử được biết, thời Lý vùng này được gọi là Hạ Yên Quyết (làng Cót) là một vùng đất cổ có đặt một bến thuyền bên dòng Tô Lịch nên kinh tế khá phát đạt với nhiều nghề thủ công, buôn bán. Năm 1978, các nhà khoa học đã phát hiện được nhiều di vật khảo cổ. Đáng chú ý có một ngôi mộ cổ niên đại khoảng 2.000 năm được làm bằng thân cây khoét rỗng cùng nhiều đồ tùy táng bên trong, đó cũng chính là ngôi mộ được xây lại như hiện nay.

Ngôi mộ nằm sát đường Láng

Mặc dù quán trà nằm cạnh ngôi mộ nghi ngút khói nhưng lượng khách đến uống nước khá đều. “Thực hư thì tôi không rõ cho lắm. Bất cứ ai đến đây cũng tò mò hỏi về lai lịch ngôi mộ. Trước đây có ông khách bảo là mộ người Hán, gắn liền với lịch sử sông Tô Lịch có từ hàng nghìn năm. Nhiều khách thích đến uống nước ở đây vì cảm thấy thoải mái nhân tiện còn đặt thêm nén nhang, chứ chẳng ai sợ sệt khi ngồi quán trà của tôi cả”, bà chủ quán chia sẻ.

Quán trà “tặng thơ, hát quan họ”

Ai đã từng một lần ghé chân đến quán trà của "nhà thơ độc thân" Nguyễn Hữu Long, nằm trên đường Bưởi đều khá thích thú trước phong cách lãng du, nghệ sĩ của người chủ quán này. Bất kể nắng hay mưa quán của ông Long lúc nào cũng có khách.

Quán trà thơ của ông Long

Trên hàng rào kẽm là hàng chục "bức tranh thơ" được treo thành từng dãy dài. Những "bức tranh thơ" này là những bài thơ do chính ông Long sáng tác và cũng chính tay ông viết chúng lên bằng những nét chữ to đậm trên những tờ lịch tường đã cũ. Thậm chí, thi thoảng, người ta còn thấy chủ quán cầm micro hát những bài tình ca bất hủ hoặc ngâm những bài thơ dài viết về năm tháng cuộc đời ông. Bởi thế mà mục đích của quán không phải bán trà mà là nơi hội ngộ của những người đam mê chơi cờ, bình thơ và nghe hát.

Cuộc đời ông Long cũng nhiều thăng trầm, từng là một kỹ sư địa chất đến lái xe ôm và ba cuộc hôn nhân của ông tan vỡ với "nỗi sầu thế kỷ". Ông Long cười hóm và nghêu ngao rằng: "Làm thơ và hát là hai thứ "trút bỏ sự đời" của tôi với thế gian. Ai buồn tôi sẽ tặng... niềm vui cho người đó nếu một lần đến đây".

Trà "thư pháp"

Lư trà quán là nơi đàm đạo của nhiều bậc cao niên

Quán nước nhỏ ấy nằm dưới chân cầu thang nhà B6 - khu tập thể Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân - Hà Nội). Mặc dù chỉ vỏn vẹn khoảng 6m2 nhưng quanh được treo đầy những bức thư pháp do khách hàng đề tặng. Chính giữa quán, ông chủ đề 4 chữ lớn Hòa - Kính - Thanh - Tĩnh. Bên trái là ba chữ Hoa - Tuyết - Nguyệt. Bên phải là Chân - Thiện - Mỹ. Đó là những “chữ vàng” do chính chủ quán, một nhà giáo nghỉ hưu có tên Kiều Văn Lư nghĩ ra.

Ông Kiều Văn Lư

Để thay đổi khẩu vị uống trà hàng ngày, tránh cho khách không bị nhàm chán, ông Lư còn nghĩ ra cách xếp lịch uống trà cụ thể cho từng ngày: Thứ 2 trà Mộc Tân Cương, thứ 3 trà Sen, thứ 4 trà Nhài, thứ 5 trà Cúc, thứ 6 trà Thanh hương, thứ 7 trà Hồng đào. Riêng ngày chủ nhật, ông dành cho trà Ngũ hương - loại trà do chính ông pha chế. Là sự tổng hòa của 5 hương vị (sen, nhài, cúc và 2 loại hương vị khác). Ngoài việc được thưởng trà Ngũ hương, chủ nhật tại quán còn có bình thơ, ngâm thơ và giải câu đối do chính chủ quán làm chủ tọa.

Cứ thế, đã hơn 10 năm nay, góc bình yên nhỏ bé ấy đã trở thành địa chỉ quen thuộc của biết bao người Thủ đô. Phải nói rằng, thưởng trà ở quán ông Lưu đã nâng thành nghệ thuật.

 

Nguyễn Kiên