Những khoản lợi nhuận khổng lồ của doanh nghiệp phương Tây bị "kẹt" tại Nga

06:19 | 25/09/2023

267 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, các công ty phương Tây còn hoạt động tại Nga đã tạo ra hàng tỷ USD lợi nhuận. Nhưng số lợi nhuận "khổng lồ" này không thể chuyển khỏi Nga do nhiều hạn chế.
Những khoản lợi nhuận khổng lồ của doanh nghiệp phương Tây bị "kẹt" tại Nga

Nhiều doanh nghiệp phương Tây "thắng đậm"

Moscow Times cho biết 100 công ty nước ngoài lớn nhất đang hoạt động ở Nga đã công bố lợi nhuận ròng đạt tổng cộng 1.100 tỷ rúp vào năm 2022. Kết quả này dựa trên báo cáo tài chính của các pháp nhân đã đăng ký tại Nga với sở hữu hoàn toàn hoặc một phần của nước ngoài. Con số này cũng ghi nhận mức tăng 54% so với năm 2021.

Các công ty phương Tây đã nộp 288 tỷ rúp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp vào năm ngoái, đóng góp 1% vào thu ngân sách của Nga, theo Novaya Gazeta Europe. Trong đó, các công ty Pháp, Anh và Mỹ nộp thuế nhiều nhất với lần lượt 55 tỷ, 47 tỷ và 40 tỷ rúp.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng hơn 1.300 công ty phương Tây tiếp tục hoạt động ở Nga, trong khi đó có hơn 700 công ty đang tạm dừng hoạt động và 241 công ty hoàn toàn rời khỏi đất nước này.

Những khoản lợi nhuận khổng lồ của doanh nghiệp phương Tây bị kẹt tại Nga - 1
Các công ty nước ngoài còn hoạt động tại Nga ghi nhận doanh thu 127 tỷ USD trong năm 2022 (Ảnh: Financial Times).

Không những vậy, theo dữ liệu của Kyiv School of Economics (KSE), mức độ tiếp cận của Trung Quốc với lĩnh vực ngân hàng Nga đã tăng gấp 4 lần trong 14 tháng tính đến tháng 3/2023. Theo dữ liệu của Ngân hàng Trung ương Nga, các ngân hàng Trung Quốc đã tăng tổng mức đầu tư vào Nga từ 2,2 tỷ USD lên 9,7 tỷ USD trong cùng khoảng thời gian.

Cùng kỳ, Ngân hàng Raiffeisen của Áo - ngân hàng nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhất vào Nga - đã tăng tài sản ở nước này lên hơn 40%, từ 20,5 tỷ USD lên 29,2 tỷ USD. Tuy nhiên, Raiffeisen cũng cho biết, họ đang tìm cách rút khỏi Nga và đã giảm mức đầu tư xuống còn 25,5 tỷ USD kể từ tháng 3.

Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã phải giảm hoặc rao bán tài sản như nhà máy, công ty năng lượng, nhà máy điện trị giá hàng tỷ USD tại Nga.

Financial Times đã khảo sát các báo cáo tài chính năm 2023 của 600 công ty châu Âu làm ăn tại thị trường Nga cho thấy 176 trong số này đã phải đối mặt với các khoản lỗ lớn do việc chuyển nhượng, đóng cửa hoặc cắt giảm hoạt động kinh doanh tại Nga. Con số này không bao gồm các tác động kinh tế vĩ mô gián tiếp như chi phí năng lượng và hàng hóa tăng lên.

Các doanh nghiệp bị thua lỗ nhiều nhất là ở các lĩnh vực như năng lượng và tiện ích. Trong đó, ba công ty dầu khí lớn của châu Âu là BP, Shell và TotalEnergies, phải chịu khoản lỗ lên tới 40,6 tỷ euro.

Ngoài ra, các nhà sản xuất ô tô và tổ chức tài chính từ các nước thành viên EU cũng bị suy giảm mạnh tài sản. Theo đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực tiện ích đã bị ảnh hưởng trực tiếp 14,7 tỷ euro, trong khi các công ty công nghiệp, bao gồm cả các nhà sản xuất ô tô, đã phải chịu một khoản lỗ tới 13,6 tỷ euro. Các công ty tài chính bao gồm ngân hàng, công ty bảo hiểm và công ty đầu tư thì mất tới 17,5 tỷ euro.

Những khoản lợi nhuận khổng lồ "bị kẹt" tại Nga

Theo các số liệu được Trường Kinh tế Kiev (KSE) thu thập, doanh nghiệp đến từ các quốc gia bị Nga cho là "không thân thiện" tạo ra 18 tỷ USD trong 20 tỷ USD lợi nhuận thu được của các công ty nước ngoài tại đây trong năm 2022.

Nhóm này cũng chiếm 199 tỷ USD trong số 217 tỷ USD doanh thu mà doanh nghiệp nước ngoài đạt được ở thị trường Nga trong năm ngoái.

"Con số lợi nhuận và doanh thu bị mắc kẹt có thể đã tăng thêm nhiều sau năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi không thể đưa ra một đánh giá chính xác bởi doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Nga chỉ công bố kết quả kinh doanh ở nước này theo năm", ông Andrii Onopriienko, phó giám đốc phát triển của KSE nhấn mạnh với Financial Times.

Nga đã áp dụng lệnh cấm trả cổ tức đối với các doanh nghiệp đến từ các quốc gia "không thân thiện". Danh sách đó bao gồm Mỹ, Anh và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Kể từ đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp đều bị phong tỏa, từ tập đoàn dầu khí BP cho đến Citigroup. Những giao dịch như vậy vẫn có thể được nhà chức trách Nga phê chuẩn trong một số trường hợp đặc biệt, nhưng cho đến nay hầu như chưa có giấy phép nào được cấp.

"Hàng chục tỷ USD lợi nhuận đang bị kẹt ở Nga và không có cách nào để rút số tiền đó ra", giám đốc điều hành một công ty nước ngoài lớn có hoạt động ở Nga chia sẻ. Quốc gia mà công ty này đặt trụ sở là một trong những nước bị Nga coi là "không thân thiện".

Những khoản lợi nhuận khổng lồ của doanh nghiệp phương Tây bị kẹt tại Nga - 2
Doanh nghiệp đến từ các quốc gia bị Nga cho là "không thân thiện" tạo ra 18 tỷ USD trong 20 tỷ USD lợi nhuận thu được của các công ty nước ngoài (Ảnh: New York Times).

Các con số doanh thu và lợi nhuận nói trên không chỉ phản ánh tầm quan trọng của các công ty phương Tây đối với nền kinh tế Nga, mà còn cho thấy tình thế "tiến thoái lưỡng nan" mà các doanh nghiệp phải đối mặt.

Các công ty nước ngoài còn hoạt động tại Nga có tổng doanh thu 127 tỷ USD trong năm 2022. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang cố gắng bán các công ty con ở Nga, nhưng thương vụ nào cũng cần có sự chấp thuận của Nga và phải chịu mức chiết khấu lớn.

Nhà sản xuất xe tải Thụy Điển Volvo và công ty thuốc lá British American Tobacco cũng đã công bố thỏa thuận bán lại tài sản ở Nga cho các chủ sở hữu địa phương.

Theo dữ liệu của KSE, trong số các doanh nghiệp có nguồn gốc "không thân thiện" còn hoạt động ở Nga, ngân hàng Raiffeisen của Áo ghi nhận lợi nhuận lớn nhất với 2 tỷ USD trong năm 2022.

Công ty thuốc lá Philip Morris kiếm được 775 triệu USD và tập đoàn đồ uống PepsiCo kiếm được 718 triệu USD. Nhà sản xuất xe tải Thụy Điển Scania cũng kiếm được 621 triệu USD lợi nhuận ở Nga trong năm 2022.

Số liệu tổng hợp của KSE cho thấy các doanh nghiệp trụ sở tại Mỹ tạo ra tổng lợi nhuận lớn nhất là 4,9 tỷ USD, tiếp theo là các công ty Đức với 2,4 tỷ USD, Áo với 1,9 tỷ USD và Thụy Sĩ tạo ra 1 tỷ USD.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của các doanh nghiệp phương Tây

Các khoản lợi nhuận không thể tiếp cận làm gia tăng chi phí mà các doanh nghiệp quốc tế phải đối mặt. Theo Financial Times, các công ty châu Âu đã báo cáo các khoản lỗ và thiệt hại ít nhất 100 tỷ euro từ khi xung đột diễn ra.

Tuy nhiên, cũng có nhiều công ty tìm ra cách để vượt qua những hạn chế. Theo báo cáo tài chính thường niên năm 2022, công ty con ở Nga của tập đoàn thực phẩm Mars (Mỹ) đã trả 800 triệu USD cho công ty mẹ bằng cách bù trừ nợ.

Bà Aleksandra Prokopenko, chuyên gia tại trung tâm phân tích Carnegie Russia Eurasia Center, cho biết các quan chức Nga hiện vẫn chưa vạch ra một chiến lược rõ ràng để xử lý các tài sản bị phong tỏa. Tuy nhiên, khi xét đến mong muốn của các doanh nghiệp nước ngoài muốn lấy lại tiền lãi, Nga có thể sử dụng số tài sản này để thúc giục phương Tây giải phóng tài sản của Nga.

Tháng trước, Bộ tài chính Nga đã nới lỏng các quy định về cổ tức của doanh nghiệp, nhưng cũng chính thức hóa khuôn khổ quy định các công ty "thân thiện" và "không thân thiện".

Những khoản lợi nhuận khổng lồ của doanh nghiệp phương Tây bị kẹt tại Nga - 3
Một khi đồng tiền của Nga tiếp tục sụt giảm, các quan chức nước này sẽ lại cân nhắc thêm các hạn chế về vốn (Ảnh: Financial Times).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đối với một công ty có nguồn gốc "không thân thiện", việc rút tiền lãi về nước cũng phức tạp như việc bán một doanh nghiệp ở Nga. Nhiều người thậm chí không còn hy vọng vào việc được nhận lại được cổ tức.

Ngay cả một số công ty từ quốc gia "thân thiện" cũng gặp khó khăn trong việc gửi khoản lợi nhuận phục vụ việc chia cho cổ đông về nước. Theo quan chức dầu mỏ hàng đầu của Ấn Độ Ranjit Rath, Nga đang ngăn các công ty năng lượng của Ấn Độ chuyển về nước khoản tiền cổ tức khoảng 400 triệu USD.

Mặt khác, một giám đốc điều hành công ty lớn của Nga tại Ấn Độ cho biết Moscow hành động như vậy là để đáp lại thực tế rằng một lượng lớn tiền từ xuất khẩu dầu của Nga vẫn đang bị mắc kẹt ở Ấn Độ. Vị giám đốc này nói thêm rằng Nga thực sự lo ngại về việc tháo vốn khi đồng tiền của Nga đang sụt giảm mạnh so với đồng USD trong những tháng gần đây.

Trước đó, vào hồi tháng 3, trước khi đồng rúp bắt đầu sụt giá mạnh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề xuất nới lỏng các hạn chế về cổ tức. Nhưng đến tháng 8, lệnh cấm lại được gia hạn để ngăn đồng rúp trượt giá. Một khi đồng tiền của Nga tiếp tục sụt giảm, các quan chức nước này sẽ lại cân nhắc thêm các hạn chế về vốn.

Theo Dân trí

300 tỷ USD của Nga: 300 tỷ USD của Nga: "Mồi ngon, nhưng Mỹ - phương Tây há miệng mắc quai!"
Cục diện thế giới nhìn từ cuộc xung đột Nga - UkraineCục diện thế giới nhìn từ cuộc xung đột Nga - Ukraine
Thương mại của Nga gần đạt mức trước khi nổ ra xung đột tại UkraineThương mại của Nga gần đạt mức trước khi nổ ra xung đột tại Ukraine

Giá vàng

Tỉ giá