Thương mại của Nga gần đạt mức trước khi nổ ra xung đột tại Ukraine

09:56 | 12/09/2023

468 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Theo một báo cáo mới, thương mại tại ba cảng lớn nhất của Nga đang tăng trưởng và tiến gần đến mức trước khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine, bất chấp các lệnh trừng phạt của các nền kinh tế hàng đầu Nhóm G7.
Thương mại của Nga gần đạt mức trước khi nổ ra xung đột tại Ukraine

"Hoạt động tại các cảng của Nga cao một cách đáng ngạc nhiên. Lần đầu tiên kể từ khi xung đột tại Ukraine bùng nổ, khối lượng hàng hóa được dỡ tại ba cảng container lớn nhất của Nga là St. Petersburg, Vladivostok và Novorossiisk đang tiến gần đến mức được chứng kiến ​​tại thời điểm bùng phát dịch bệnh", Viện Kinh tế Thế giới Kiel ở Đức viết trong báo cáo công bố ngày 7/9.

Mỹ và các đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với Nga sau khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022, bao gồm cấm xuất khẩu công nghệ cao cần thiết cho sản xuất công nghiệp và cắt đứt nhiều ngân hàng của nước này khỏi các thị trường tài chính phương Tây. Nhiều nhà kinh tế dự đoán hoạt động kinh tế của Nga sẽ sụt giảm mạnh khi nước này bị cô lập với phương Tây.

Trên thực tế, sau khi nhập khẩu giảm mạnh - thời điểm bắt đầu áp dụng các lệnh trừng phạt, Nga đã có thể né tránh các hạn chế và xây dựng chuỗi cung ứng mới để có được công nghệ quan trọng và các hàng hóa khác. Dữ liệu cho thấy, Moscow đã định tuyến lại hàng hóa phương Tây thông qua các nước thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan và nền kinh tế Nga hiện được dự báo sẽ tăng trưởng hơn 2% trong năm nay.

Viện Kiel viết: "Không rõ hàng hóa đến từ đâu qua hoạt động vận chuyển của tàu container, nhưng Nga dường như đang tham gia lại thương mại thế giới".

Sự gia tăng nhập khẩu được thúc đẩy bởi cả nhu cầu của tổ hợp công nghiệp quân sự Nga cũng như nhu cầu của người dân về hàng tiêu dùng.

Khoản chi tiêu khổng lồ của chính phủ đã mang lại lợi ích cho người lao động Nga, những người đã chứng kiến ​​thu nhập hộ gia đình của họ tăng vọt, mang lại cho họ phương tiện tài chính để mua số lượng lớn hàng hóa nước ngoài. Nhưng sự tăng vọt trong chi tiêu và nhập khẩu đã cản trở đồng rúp. Giá trị của đồng tiền Nga đã giảm xuống dưới 1 cent Mỹ trong tháng 8, khiến đồng rúp trở thành một trong những đồng tiền tệ mất giá nhất trong số các thị trường mới nổi trong năm nay. Điều này cũng dẫn đến lạm phát tăng vọt lên 5,2%, buộc Ngân hàng Trung ương Nga vào tháng trước phải tăng lãi suất lên tới 3,5% tại một cuộc họp khẩn cấp.

Lãi suất cao hơn sẽ làm dịu hoạt động kinh tế, bao gồm cả nhu cầu nhập khẩu và củng cố đồng tiền. Đồng rúp của Nga đã tăng nhẹ kể từ khi tăng lãi suất và hiện có giá trị tương ứng 1,02 cent.

Bình An

OP