Những đứa trẻ 'không Trung thu'

17:05 | 12/09/2016

1,833 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cách đây không lâu, cậu bé Ksor Sôn 11 tuổi đã tự tử vì không có chiếc áo mới đến trường. Và những đứa trẻ nhà nghèo như Ksor Sôn tất nhiên cũng sẽ không có Trung thu với lồng đèn, bánh kẹo bởi giá của nó không thua gì một tấm áo mới…!

1. Những ngày này, không khí Tết Trung thu đã hiện diện trên nhiều con phố. Đó là những tiệm bánh Trung thu tấp nập người ra vào, là những cửa hàng bán lồng đèn với đủ sắc màu bắt mắt và tiếng cười của trẻ. Trên các phương tiện truyền thông, trên tivi, người ta cũng giới thiệu hàng loạt các chương trình dành cho gia đình trong Ngày hội Trăng Rằm tại các địa điểm vui chơi, giải trí trong thành phố.

Những đứa trẻ ở phố cũng bắt đầu mang lồng đèn ra “đọ” với đám bạn hàng xóm… Tiếng cười đùa hồn nhiên, trong veo của trẻ thơ khiến bất kỳ ai cũng có thể cảm thấy ấm áp và yên bình.

nhung dua tre khong trung thu
Các em nhỏ chơi lồng đèn Trung thu (Ảnh: TTO)

Trong cái không khí nô nức đón Tết Trung thu ấy của những gia đình có điều kiện, lại nghĩ đến khuôn mặt của những đứa trẻ “không Trung thu”. Đó là những đứa trẻ trong gia đình nghèo khó, những đứa trẻ sống lang thang cơ nhỡ.

Có một thực tế xã hội không thể phủ nhận đó là những khuôn mặt trẻ thơ không Trung thu ấy vẫn còn hiện diện nhiều nơi trong xã hội này, mặc dù chính quyền các cấp trong thời gian qua đã nỗ lực xóa đói giảm nghèo, song cái khoảng cách giàu - nghèo xem ra vẫn còn quá lớn.

Từ những đứa trẻ vùng cao, vùng dân tộc thiểu số cho đến đồng bằng và ngay cả trong những đô thị sầm uất nhất nước, ta vẫn dễ dàng bắt gặp những khuôn mặt của “những đứa trẻ không Trung Thu” ấy. Những đứa trẻ mà cha mẹ chúng không có tiền mua một chiếc áo mới cho con trong ngày tựu trường thì làm sao có thể mua cho chúng lồng đèn hay bánh Trung thu với giá thấp nhất cũng gần bằng với giá trị của một chiếc áo mới?!

2. Hẳn là người ta chưa quên một câu chuyện đau lòng về cậu bé Ksor Sôn 11 tuổi ở Gia Lai treo cổ tự tử vì không có tiền mua áo mới đến trường.

Một đứa trẻ phải tự tử vì nghèo là một câu chuyện rất buồn. Có lẽ, không chỉ mình cậu bé ấy không có áo mới đến trường mà sẽ còn nhiều những trường hợp tương tự như Sôn. Nhưng Sôn đã chọn cách tự tử vì những trải nghiệm tuyệt vọng của cậu với cái nghèo khó của gia đình mình. Mấy năm trước, cơ hội thoát nghèo đã theo nhau ra đi cùng với anh trai và cái chết của con bò rồi. Những cơ hội khác thì không thấy đến.

Rồi đến mong ước có một chiếc áo mới đến trường mà cha mẹ Sôn cũng không thể lo cho nó. Ở đây, chiếc áo mới không chỉ có ý nghĩa là một chiếc áo với cậu bé Sôn, nó còn là một hiện thực đầy chua xót về hoàn cảnh gia đình Sôn.

nhung dua tre khong trung thu
Trẻ em đường phố đánh giày (Ảnh: Trần Thế Phong)

Trong những năm qua, những vạt rừng già, những con suối nuôi sống những gia đình như gia đình Sôn bỗng chốc bị xóa sổ và thay thế bằng những dự án nhà máy thủy điện, xí nghiệp, những con đường cao tốc. Rõ ràng là cuộc sống đang ngày càng phát triển và tốt đẹp hơn, song sự phát triển ấy lại xa vời với Sôn và những gia đình nghèo như gia đình nó.

Mọi người hay nghe đến những dự án tượng đài nghìn tỷ được chính quyền địa phương ở nhiều nơi đề xuất xây dựng. Lắm khi, ngay bên cạnh những nơi có tượng đài nghìn tỷ ấy, có những đứa trẻ không thể có một tấm áo mới để đến trường như Ksor Sôn. Và dĩ nhiên, chúng cũng không thể nhìn những tượng đài mà hy vọng về tương lai tươi sáng được.

Thực tế thì hàng năm, những chính sách phục vụ xã hội, chính sách cho người nghèo rất nhiều. Nhưng những chính sách đó lại không có tiếng nói từ nhu cầu của người nghèo như gia đình Ksor Sôn. Cho nên chính sách ít nhiều trở nên méo mó và khó lòng tiếp cận với thực tiễn.

Gia đình Ksor Sôn là một ví dụ điển hình, nhà cậu bé không thuộc diện nghèo để được chính quyền địa phương hỗ trợ, tức là ở quê Sôn còn có những gia đình nghèo hơn như thế. Vậy thì khi đó người nghèo như nhà Sôn có thể tìm những cơ hội để tồn tại và thoát nghèo ở đâu?

Họ sẽ hy vọng vào những đứa con ngoan, học giỏi để đổi đời? Thật ra, đó là niềm hy vọng nhỏ bé vô cùng, bởi đã nghèo thì làm gì có điều kiện để nuôi con học hành? Thậm chí là chúng đã ra đi khi chưa kịp trưởng thành vì bế tắc trong cái nghèo của cha mẹ chúng, như trường hợp anh em nhà Ksor Sôn vậy.

3. Quay lại chuyện “những đứa trẻ không Trung thu”. Công bằng mà nói thì mỗi dịp Trung Thu, người ta đều dành rất nhiều sự quan tâm đến trẻ em nghèo, không có điều kiện. Nhiều chương trình thiện nguyện mang Trung thu đến trẻ em nghèo, cơ nhỡ đã được nhiều cá nhân, tổ chức phát động và thực hiện sôi nổi cả nửa tháng qua. Đã lần lượt có những phần quà ý nghĩa gửi đến tay các em, với mong muốn các em cảm thấy vui và ấm áp trong ngày tết của mình.

nhung dua tre khong trung thu
Á hậu Kim Nguyên trao quà cho các em nhỏ tại chương trình vừa qua (Ảnh: Nguyễn Tuấn Linh)

Ý nghĩa là có, song đó cũng chỉ là chút niềm vui tạm bợ trong những dịp lễ tết để các em không tủi thân khi xem những chương trình Trung thu tưng bừng được phát trên tivi. Còn để thật sự chăm lo cho cả một thế hệ tương lai của các em là một câu chuyện hoàn toàn khác. Nó đòi hỏi phải có những chính sách lâu dài của nhà nước, những chính sách được xây dựng nên từ chính tiếng nói của các em, của những gia đình nghèo.

Người giàu, người nghèo thì ở bất kỳ đâu hay thời đại nào cũng đều có. Song, sự xuất hiện của những đứa trẻ nhà nghèo tuyệt vọng vì không thể thấy được tương lai như anh em cậu bé Ksor Sôn là một tiếng chuông cảnh báo thật sự đối với các nhà hoạch định chính sách an sinh xã hội.

Người ta ví thế hệ trẻ là tương lai của đất nước, vậy thì đừng để những đứa trẻ lại không nhìn thấy tương lai của chúng!

nhung dua tre khong trung thu

Mang Tết Trung thu đến trẻ em nghèo

Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc đang được thực hiện trên khắp cả nước nhằm tạo điều kiện cho các em nhỏ, nhất là những em có hoàn cảnh khó khăn một cái Tết Trung Thu ấm áp, vui tươi.

Trúc Vân