Nhớ lắm Đá Thị!

09:31 | 21/04/2012

1,032 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
"Sao lại đặt tên là Đá Thị? ", có người bảo rằng: "Vì những hòn đá trên đảo chìm đó, có mùi thơm như quả thị, trong còn có cô Tấm!".

Hồi ấy, tuy mình còn trẻ và lần đầu tiên đi đảo, nhưng cũng chẳng phải đứa trẻ con 5 tuổi để khờ khạo, ngơ ngáo đến mức tin trong quả thị ngọt lừ, thơm nức mà mình hay bóp nhũn trước khi ăn, lại có thêm em bé xinh xinh tha thướt, mỏ đỏ mắt xanh, chớp mắt với… mình.

Thế nhưng, cũng ngờ ngợ 1 phần câu chuyện là có thật, ít nhất cũng là đá có mùi thơm, bởi lính biển Trường Sa, xa xôi quá nên hay mơ mộng và cách điệu những sự vật, tưởng như rất bình thường, để có niềm tin mà ráng sống.

Đá Thị giữa biển trời mênh mông

Chính vậy, khi lần đầu nhìn thấy Đá Thị, mình hơi bị thất vọng khi thấy đảo chỉ là căn nhà tầng bé tí, như chuồng cu ngất nghểu giữa bãi đá san hô, xuồng lạch tạch luồn lách tiến vào khi nước triều lên.

Càng thất vọng hơn khi đặt chân lên đảo, kiếm mãi chả thấy hòn đá nào để "ngửi”. Dự định thò tay móc san hô lên ngửi đấy, nhưng hơi bị thất vọng khi thấy cả bầy chó lượn nước ào ào, quanh bãi san hô xung quanh đảo, thi thoảng dừng lại ghếch chân…

… Và cũng bao nhiêu năm nay, nhiều người vẫn thắc mắc về cái tên của đảo chìm nằm trên bãi san hô tiền tiêu Tổ quốc, canh giữ sườn cho cả vùng quần đảo Trường Sa.

Xin chào nhé! Nơi đảo có "mùi thơm quả thị”
Thơ thẩn nhớ cẩu Trường Sa

Thế nhưng, dù có lý giải cách gì thì mình vẫn thích cái "huyền thoại” mà người Chính ủy đã giải thích cho mình cách đây chục năm và mỗi lúc, mình vẫn nhớ những gương mặt đồng đội còn rất trẻ, đến từ khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam, bao năm nay trong mắt canh biển trời trên vùng san hô, có đá thơm mùi thị, viết lên câu chuyện về những người anh hùng giữ biển trong truyện cổ tích hôm nay, ngày mai, cho bình yên hương thơm quả thị trong đất liền xa hút…

Đảo Đá Thị nằm ở 100 24’ 30” vĩ độ Bắc, 1140 34’ 30” kinh độ Đông cách đảo Sơn Ca 9 hải lý về phía Tây Nam.

Đảo Đá Thị là bãi san hô có bề mặt tương đối bằng phẳng, thỉnh thoảng có những vũng sâu.

Ngày 15/3/1988, thực hiện Lệnh của Bộ Tư lệnh Hải quân về việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trong Chiến dịch CQ-88, tàu HQ-709 đã đến thả neo ở đảo Đá Thị. Sau đó tàu 16, 11 và tàu 05 (Quân khu 5) đã đưa lực lượng và vật liệu xây dựng nhà ở. Đến ngày 3/4/1988, công trình đóng quân đã hoàn thành nhà và được bàn giao cho cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị bảo vệ đảo.

Đồ tươi, thực phẩm được mang từ đất liền

Là đảo chìm nên công tác tăng gia trồng rau xanh, chăn nuôi của cán bộ, chiến sĩ gặp rất nhiều khó khăn.

Phuy nước ngọt quý hiếm

Khác với các đảo nổi, ở đây nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt được khai thác chủ yếu từ nước mưa.

Những năm gần đây do được trang bị hệ thống bể chứa nên đảo đã chủ động bảo đảm được 100% nhu cầu nước sinh hoạt.

Để tổ chức tăng gia trồng rau xanh cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ.

Mô hình tập tiêu diệt mục tiêu trên không

Mặc dù nguồn nước ngọt khan hiếm, song nhờ các biện pháp sử dụng nước ngọt tiết kiệm khoa học và phù hợp trong sinh hoạt cán bộ chiến sĩ đảo Đá Thị đã thực hiện tốt công tác trồng rau xanh và chăn nuôi.

Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân cho đến nay đảo Đá Thị đã được xây dựng nhà lâu bền khang trang, sạch đẹp, có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt và phục vụ huấn luyện, công tác, đưa cán bộ, chiến sỹ trên đảo về gần đất liền thân yêu hơn nữa.

Nhưng gió ở Trường Sa chẳng “thuận”, số cánh quạt bị gió tạt hỏng quá bán. Khi chúng tôi đến, đảo phải phát máy nổ và đến 21 giờ 30 phút thì ngắt điện sinh hoạt. Tuân thủ quy định, anh em phóng viên cũng nghỉ ngơi đúng giờ. Nhưng một lần đặt chân lên đảo chìm một lần khó vì chẳng mấy dịp trong đời phóng viên có cơ hội đi tác nghiệp ở Trường Sa. Vậy nên, một số anh em rỉ tai nhau ý định thức đêm cùng lính đảo.

Chúng tôi xin phép chỉ huy đảo cho vài ba sĩ quan, chiến sĩ có cùng “nhã hứng” ngồi tâm sự. Đảo trưởng tâm lý bảo nhà bếp chuẩn bị nồi cháo cá bò to tướng. Giữa bốn bề sóng nước, những con người xa lạ bỗng trở nên thân tình như bằng hữu trùng phùng.

Uống vội ngụm trà, Thượng úy Nguyễn Văn Quý, Chính trị viên đảo Đá Thị kể: “Năm ngoái, tôi được về phép tháng, một ngày trước khi đi, cháu trai nhà tôi bị sốt. Vợ bảo mình nán lại ít hôm. Nhưng kỷ luật nhà binh thì nghiêm phải biết, lòng không muốn mà đến ngày đến giờ phải vào đơn vị. Vợ giận con buồn, đành chấp nhận chứ biết làm sao!”. Binh nhất Bùi Thanh Điền quê ở Đồng Nai cũng góp lời: “Ba tháng tân binh, em không nghĩ gì về cuộc sống ở đảo. Ngoài giờ huấn luyện và sinh hoạt, chỉ biết điện thoại về cho người thân. Điện về hoài cũng hết chuyện nói nên cả chuyện tắm cho mấy chú chó đảo cũng kể cho bạn gái. Cô ấy luôn cười mỗi khi nghe kể những chuyện tương tự như thế”…

Một góc nhà bếp của người lính đảo

Hiện nay đời sống vật chất tinh thần của cán bộ, chiến sĩ đảo Đá Thị từng bước được cải thiện.

Đảo được trang bị máy thu hình, hệ thống Karaoke kỹ thuật số hiện đại. Trạm thu phát tín hiệu vệ tinh của Đài truyền hình Việt Nam đã giúp cho cán bộ, chiến sỹ trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới.

Trên đảo có tủ sách, báo với gần 1.000 đầu sách và trên 20 đầu báo các loại, 1 tủ sách pháp luật… góp phần nâng cao nhận thức, niềm tin, trách nhiệm với sự nghiệp xây dựng Tổ quốc và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Phát huy truyền thống “Chiến đấu anh dũng, đoàn kết chủ động, khắc phục khó khăn, giữ vững chủ quyền” của Đoàn Trường Sa anh hùng, hơn 20 năm xây dựng và trưởng thành lớp lớp cán bộ, chiến sỹ trên mọi miền đất nước luôn kế tiếp nhau và đoàn kết một lòng, vượt qua mọi khó khăn gian khổ, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Thanh Hải