Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/8/2022

21:15 | 08/08/2022

342 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với kho xăng dầu không đủ điều kiện từ 10/8; Thượng viện Mỹ thông qua dự luật "Giảm lạm phát" chi 370 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch; Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất từ Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong và ngoài nước ngày 8/8/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 8/8/2022
Với 1,06 triệu thùng/ngày, Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu dầu thô đường biển lớn nhất của Nga. Ảnh: Reuters

Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với kho xăng dầu không đủ điều kiện từ 10/8

Tổng cục Hải quan thông báo, từ ngày 10/8, theo quy định tại Nghị định số 67/2020 của Chính phủ, sẽ tiến hành tạm dừng việc thực hiện thủ tục hải quan tại các kho chứa có thiết bị đo bồn bể tự động, chưa kết nối với cơ quan Hải quan, không xác nhận lượng xăng dầu tái xuất và tiến hành thu thuế xăng dầu tạm nhập cho đến khi các doanh nghiệp lắp đặt trang thiết bị đo mức bồn, bể tự động và kết nối với cơ quan Hải quan đáp ứng điều kiện theo quy định của Nghị định số 67/2020.

Nghị định số 67/2020 bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2016 ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh hàng miễn thuế, kho bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan, quy định cho đến ngày 10/8/2022, các kho xăng dầu có hoạt động kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất đều phải đáp ứng quy định “các kho xăng dầu (khu vực lưu giữ xăng dầu xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất) phải lắp đặt thiết bị đo mức bồn, bể tự động kết nối trực tuyến số lượng xăng dầu xuất, nhập, tồn kho với cơ quan Hải quan”.

Để triển khai thực hiện quy định tại Nghị định của Chính phủ, Tổng cục Hải quan đã ban hành nhiều công văn để tuyên truyền, phổ biến đến từng doanh nghiệp về thời hạn lắp đặt thiết bị đo bồn bể tự động. Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã tổ chức hội thảo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện công tác quản lý về hải quan đối với mặt hàng xăng, dầu, khí hóa lỏng xuất nhập khẩu, trong đó đã phổ biến rất rõ về quy định nói trên.

Thượng viện Mỹ thông qua dự luật chi 370 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch

Thượng viện Mỹ ngày 7/8, thông qua dự luật tên "Giảm lạm phát" trị giá 430 tỷ USD sau 27 tiếng tranh luận với số phiếu sít sao 51 phiếu thuận - 50 phiếu chống. Dự luật sẽ tiếp tục được chuyển đến Hạ viện và được quyết định có thông qua hay không vào ngày 12/8.

Theo kế hoạch trong dự luật, Mỹ sẽ chi 370 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch và các sáng kiến khí hậu nhằm giảm 40% lượng khí thải carbon vào năm 2030. Đồng thời, sẽ đầu tư hàng tỷ USD để khuyến khích sản xuất xe điện, khuyến khích người dân và doanh nghiệp mua xe điện và các thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Ngoài ra, dự luật này sẽ tìm cách thúc đẩy các khoản đầu tư vào năng lượng sạch như gió và mặt trời, chuyển đổi một số ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất đất nước sang các phương pháp xanh hơn. Đây là khoản đầu tư liên bang lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ để chống lại biến đổi khí hậu.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất từ Nga

Nhập khẩu dầu thô Nga của Ấn Độ giảm 5% xuống 917.000 thùng/ngày trong tháng 7/2022. Với 1,06 triệu thùng/ngày, Trung Quốc vẫn là nhà nhập khẩu dầu thô đường biển lớn nhất của Nga.

Cũng thời điểm này, châu Âu đã nhập khẩu dưới 1,9 triệu thùng dầu thô từ đường biển của Nga, ít hơn một chút so với 3 tháng trước đó, nhưng nhập khẩu dầu diesel nhiều hơn 13% so với tháng 6/2022. Dầu của Nga chiếm 19% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Ấn Độ trong tháng 7/2022, giảm nhẹ so với tỷ trọng 20% trong tháng trước.

Theo nhà phân tích Serena Huang của Vortexa, nhập khẩu gia tăng từ Nga đã thay thế nguồn cung từ Trung Đông, Mỹ và Tây Phi, khi lượng nhập khẩu từ các khu vực này giảm gần 20% trong giai đoạn từ tháng 5-7/2022.

Lượng các sản phẩm tinh chế Ấn Độ nhập khẩu từ Nga đã tăng gần 100.000 thùng/ngày trong những tháng gần đây, với dầu nhiên liệu chiếm 70% trong số này. Tiếp theo là nhiên liệu sinh học và nguyên liệu đầu vào của nhà máy lọc dầu thứ cấp. Lượng nhập khẩu trung bình là 30.000 thùng/ngày trong ba năm qua. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trung bình của Trung Quốc đối với các sản phẩm của Nga đã ổn định trong khoảng từ 50.000-60.000 thùng/ngày.

Siemens Energy bắt đầu các thủ tục rời khỏi Nga

Thông báo của công ty năng lượng Đức Siemens Energy ngày 8/8 cho biết công ty này đã bắt đầu các biện pháp nhằm rút khỏi các tài sản ở Nga, và dự kiến sẽ hoàn thành vào mùa thu năm nay.

Thông báo cho biết: “Siemens Energy vào quý III/2022 (từ tháng 4 đến tháng 6/2022) bắt đầu tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của mình tại Nga. Dự kiến sẽ hoàn thành trước khi kết thúc năm tài chính hiện tại”. Theo thống kê, chỉ riêng trong quý III, khoản lỗ của công ty trong mảng khí đốt và điện do rời khỏi Nga đã lên tới 200 triệu euro (khoảng 204 triệu USD).

Siemens Energy là công ty con của tập đoàn Siemens AG của Đức. Siemens Energy chuyên về sản xuất điện từ khí đốt và các nguồn năng lượng tái tạo. Siemens AG hiện sở hữu khoảng 35% vốn cổ phần của công ty.

Nhật Bản dự định giữ cổ phần trong dự án dầu khí Sakhalin-1

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho biết, nước này dự định giữ cổ phần trong dự án dầu khí Sakhalin-1 ở Nga sau khi Nga tạm thời cấm các nhà đầu tư phương Tây bán cổ phần trong các dự án năng lượng chủ chốt.

Theo Bộ trưởng Hagiuda, dự án này đã góp phần đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng của Nhật Bản. Sakhalin-1 là nguồn cung cấp ngoài Trung Đông có giá trị cho Nhật Bản, quốc gia phụ thuộc vào 90% lượng dầu thô nhập khẩu từ Trung Đông.

Ông Hagiuda cho biết sẽ cần xem xét các biện pháp cụ thể sau khi xác nhận chi tiết về quyết định của Nga, đồng thời các khu vực công và tư nhân sẽ phải cùng nhau làm việc để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ổn định cho Nhật Bản.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/8/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/8/2022

T.H