Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/8/2022

21:05 | 06/08/2022

262 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Chính phủ yêu cầu các bộ ngành tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo; Hai quốc gia thành viên EU phản đối kế hoạch cắt giảm khí đốt của khối; Mỹ vận động áp mức trần giá dầu xuất khẩu của Nga; Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thanh toán khí đốt bằng đồng rúp… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong và ngoài nước ngày 6/8/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/8/2022
Tổng thống Putin gọi TurkStream - Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những động mạch quan trọng nhất để cung cấp khí đốt cho châu Âu từ Nga. Ảnh minh họa - nguồn: Caspiannews

Yêu cầu các bộ ngành tạo thuận lợi cho phát triển năng lượng tái tạo

Văn phòng Chính phủ vừa phát đi Thông báo 231/TB-VPCP kết luận Phiên họp lần thứ ba của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (Hội nghị COP26).

Ban chỉ đạo yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ liên quan tổng hợp báo cáo về những bất cập, đề xuất sửa đổi các quy định hiện hành tạo thông thoáng cho các hoạt động phát triển năng lượng tái tạo; nghiên cứu việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ về hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường trên biển phục vụ lập các dự án điện gió có tính cấp bách…

Bộ Công Thương được giao chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ liên quan nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền cơ chế xác định giá bán điện gió và điện mặt trời thực hiện theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm giá mua bán điện hợp lý theo đúng quy định của pháp luật điện lực, pháp luật giá và pháp luật có liên quan; nghiên cứu ban hành cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Mỹ vận động áp mức trần giá dầu xuất khẩu của Nga

Trợ lý Bộ Tài chính Mỹ phụ trách về chống tài trợ khủng bố và tội phạm tài chính Elizabeth Rosenberg đến thăm Jakarta vào ngày 8-9/8 và sẽ thăm Singapore từ ngày 9-10/8. Bà sẽ gặp các quan chức chính phủ để thảo luận biện pháp ứng phó với Nga, bao gồm giới hạn giá dầu của Nga. Bà Rosenberg cũng sẽ gặp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng và tài chính của 2 nước.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã thúc đẩy việc giới hạn số lượng các cơ sở lọc dầu và các giao dịch có thể thanh toán dầu thô của Nga như một cách để hạ giá dầu toàn cầu mà không làm giảm nguồn cung.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng giới hạn giá có thể dẫn đến giá cao hơn, mà không phải thấp hơn, nếu Nga quyết định giảm xuất khẩu dầu. Một động thái như vậy có thể khiến các nhà sản xuất dầu của Nga phải trả giá nếu họ buộc phải đóng cửa các giếng dầu. Trung Quốc và Ấn Độ đã mua khối lượng lớn dầu của Nga với giá chiết khấu kể từ nổ ra xung đột Ukraine vào 2/2022.

Hai quốc gia thành viên EU phản đối kế hoạch cắt giảm khí đốt của khối

Hãng tin Reuters (Anh) đưa tin, Ba Lan và Hungary đã từ chối ủng hộ kế hoạch cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt của Liên minh châu Âu (EU), trích dẫn một tài liệu do Cộng hòa Séc công bố - nước này hiện đang chủ trì các cuộc đàm phán trong khối.

Các nước EU tuần trước đã nhất trí về kế hoạch giảm sử dụng khí đốt để lấp đầy các kho dự trữ trong bối cảnh lo ngại về khả năng nguồn cung của Nga sẽ ngừng hoạt động. Hội đồng EU đã thông qua kế hoạch vào hôm 5/8. Tuy nhiên, cũng theo Reuters, số phiếu ủng hộ chỉ là 15/28 phiếu.

Hungary hiện đang đàm phán để đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt nhiều hơn từ Nga, đã phản đối kế hoạch này ngay từ đầu. Budapest đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của kế hoạch, cho rằng sẽ ảnh hưởng đến an ninh năng lượng của đất nước.

Ba Lan ban đầu đồng ý cắt giảm tiêu thụ nhưng ngày 5/8 đã bỏ phiếu chống lại kế hoạch này. Warsaw gọi cơ sở pháp lý của tài liệu là không đầy đủ và nói rằng các quyết định ảnh hưởng đến vấn đề năng lượng của các nước EU cần có được sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí thanh toán khí đốt bằng đồng rúp

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tại thành phố Sochi (Nga) vào ngày 5/8 để thảo luận về một loạt các vấn đề cấp bách. Tuyên bố chung của hai bên nhấn mạnh sự cần thiết đảm bảo việc xuất khẩu ngũ cốc, phân bón và nguyên liệu thô của Nga không bị cản trở và thực hiện đầy đủ các thỏa thuận đã ký tại Istanbul.

Theo Reuters, sau cuộc gặp thượng đỉnh Putin-Erdogan, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói với các nhà báo rằng Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhất trí về một cơ chế thanh toán mới, yêu cầu Ankara thanh toán một phần khí đốt mua của Nga bằng đồng rúp

Trước đó, mở đầu cuộc hội đàm, Tổng thống Putin gọi TurkStream - Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ, là một trong những động mạch quan trọng nhất để cung cấp khí đốt cho châu Âu từ Nga. Theo ông, các đối tác trong khu vực nên biết ơn Ankara, vì đã đảm bảo quá trình vận chuyển khí đốt của Nga sang thị trường châu Âu không bị gián đoạn.

EC nói Gazprom đang tìm lý do để ngừng giao khí đốt cho các nước châu Âu

Ủy ban châu Âu (EC) ngày 5/8 tuyên bố các lập luận của Gazprom về việc không thể giao hàng bằng đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 do các lệnh trừng phạt là "cái cớ để không cung cấp khí đốt cho Liên minh châu Âu (EU)".

Người phát ngôn EC Eric Mamer cho biết: "Không có gì ngăn cản việc quay trở lại và lắp đặt turbine Siemens ở Nga. Mọi thứ được nói về vấn đề này đều là sai sự thật. Dòng chảy phương Bắc 1 không phải chịu các lệnh trừng phạt của EU”. Theo người phát ngôn EC, những gì Nga nói về điều này về cơ bản là một cái cớ để không cung cấp khí đốt cho EU.

Tập đoàn khí đốt khổng lồ Gazprom của Nga hôm 3/8 cáo buộc các lệnh trừng phạt của EU ngăn chặn việc khôi phục turbine Siemens - thiết bị thiết yếu để đảm bảo hoạt động bình thường của đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 1 giữa Nga và Đức. Turbine đã được gửi đến Canada để bảo dưỡng, sửa chữa.

Ấn Độ đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu dầu

The Economic Times trích đánh giá của Cơ quan xếp hạng tín nhiệm S&P cho biết, Ấn Độ đang xem xét các cơ hội khai thác dầu ở nước ngoài và quyết định đầu tư 1,6 tỷ USD vào một dự án dầu ở Brazil. Trong một báo cáo, S&P trích dẫn các chuyên gia trong ngành, cho biết Ấn Độ rất muốn khám phá những cơ hội như vậy ở các nước Mỹ Latinh khác.

Lim Jit Yang (Cố vấn thị trường dầu châu Á - Thái Bình Dương) tại Platts Analytics cho biết: “Bên cạnh việc mở rộng dự trữ dầu chiến lược và đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu thô, chính phủ đang nỗ lực đưa dầu từ các tài sản cổ phần ở nước ngoài trong trường hợp nguồn cung bị gián đoạn”. Lim Jit Yang, an ninh nguồn cung đang trở nên quan trọng hơn nên Ấn Độ đang tìm cách đa dạng hóa các nguồn dầu thô cho nhu cầu của mình.

Nội các của Thủ tướng Narendra Modi cuối tháng 7 đã thông qua đề xuất đầu tư 1,6 tỷ USD để phát triển một lô dầu ở Brazil trong nỗ lực mua dầu cổ phần ở nước ngoài. Khoản đầu tư được thông qua Bharat PetroResources Ltd. hoặc BPRL, công ty nắm giữ 40% cổ phần trong dự án BM-SEAL-11, trong khi phần còn lại được nắm giữ bởi Petrobras, nhà điều hành khối nhà nước của Brazil.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/8/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/8/2022

T.H