Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/8/2022

20:57 | 04/08/2022

243 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm thuế nhằm hạ giá xăng dầu; OPEC+ nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ; Bulgaria lập cơ quan ứng phó khủng hoảng năng lượng… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong và ngoài nước ngày 4/8/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 4/8/2022
Saudi Arabia là 1 trong 2 quốc gia duy nhất thuộc OPEC+ còn dư công suất khai thác để tăng sản lượng. Ảnh minh họa: Theenergyyear

Bộ Tài chính đề xuất giảm thêm thuế nhằm hạ giá xăng dầu

Ngày 3/8, Bộ Tài chính đã có văn bản về một số vấn đề nóng, trong đó có việc Bộ đề xuất giảm thêm thuế đối với xăng dầu; cũng như việc điều chỉnh các sắc thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này.

Cụ thể, đối với thuế bảo vệ môi trường, đã điều chỉnh giảm xuống mức sàn trong khung thuế quy định tại Luật Thuế bảo vệ môi trường đến hết ngày 31/12 (Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7). Với thuế xuất nhập khẩu, Bộ đã trình Chính phủ về dự thảo Nghị định giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì thuộc nhóm 27.10 từ 20% xuống 10%.

Bộ Tài chính cho biết, Văn phòng Chính phủ đang tổng hợp ý kiến thành viên Chính phủ để trình Chính phủ ký ban hành. Nếu đề xuất của Bộ Tài chính được chấp thuận, giá xăng trong nước sẽ có một mặt bằng giá mới, thấp hơn hiện tại.

OPEC+ nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ

Ngày 3/8, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã khai mạc hội nghị về chiến lược sản lượng, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden vận động Saudi Arabia tăng sản lượng để kiềm chế giá "vàng đen" ngày càng tăng vọt.

Theo tuyên bố được đưa ra tại hội nghị trực tuyến, bộ trưởng các nước thuộc OPEC+ đã nhất trí tăng nhẹ sản lượng dầu mỏ thêm 100.000 thùng/ngày từ tháng 9 tới. Con số này thấp hơn nhiều so với những lần tăng trước đó. Nhà phân tích Edward Moya tại sàn giao dịch OANDA đánh giá mức tăng thấp nhất trong lịch sử OPEC+ này sẽ không giúp ích được nhiều cho cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đang diễn ra.

Trong những tháng vừa qua, OPEC đã tăng sản lượng theo đúng mục tiêu đề ra là khoảng 430.000-650.000 thùng/ngày. Theo thống nhất trên văn bản thì ở thời điểm này, sản lượng dầu của OPEC+ đã phục hồi về mức trước dịch Covid-19 nhưng trên thực tế 23 quốc gia đều đang chật vật tìm cách hoàn thành chỉ tiêu. Saudi Arabia và UAE là 2 quốc gia duy nhất còn dư công suất khai thác để tăng sản lượng.

Bulgaria lập cơ quan ứng phó khủng hoảng năng lượng

Chính phủ lâm thời Bulgaria ngày 3/8 thông báo đã thành lập một cơ quan liên bộ nhằm giải quyết khủng hoảng năng lượng, bao gồm nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung và khả năng dự đoán về giá khí đốt, đề xuất cơ chế kiểm soát đối với giá nhiên liệu và điện.

Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Rosen Ivanov Khristov cho biết đang chuẩn bị đấu thầu mua khí đốt hóa lỏng và hạ giá thành bằng cách tái cấp vốn cho công ty Bulgargaz.

Trước đó, ngày 27/4, Gazprom đã đình chỉ hoàn toàn việc cung cấp khí đốt cho Bulgargaz do không thanh toán bằng đồng ruble đúng hạn. Sau đó, Bulgaria thông báo đã tìm được các lựa chọn cung cấp thay thế, bao gồm khí đốt từ Mỹ và Azerbaijan, với mức giá thấp hơn đáng kể so với mức giá của Gazprom. Tuy nhiên, hồi tháng 7, Bulgargaz thông báo giá nhiên liệu tăng khoảng 32% so với tháng 6. Trong tháng 8 này, mức giá được dự báo sẽ tăng tới 60%.

Nhật Bản quyết tâm theo đuổi Sakhalin-2 để ổn định nguồn cung khí đốt

Ngày 4/8, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho hay, dự án Sakhalin-2 rất quan trọng với Tokyo, xét từ khía cạnh năng lượng điện và nguồn cung ổn định khí đốt, dự án cung cấp khoảng 8% lượng khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG) nhập khẩu của quốc gia này.

Trả lời câu hỏi về quyết định của chính phủ Nga trong việc thành lập một nhà điều hành mới của Nga cho dự án này, ông Matsuno cho biết, Nhật Bản sẽ đáp ứng với sự hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp để bảo vệ lợi ích của các công ty Nhật Bản và đảm bảo nguồn cung khí đốt ổn định.

Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda thông tin, nước này vẫn muốn duy trì sự tham gia vào dự án dầu khí Sakhalin-2 và quan điểm về vấn đề này không thay đổi.

Pháp cảnh báo nguy cơ cắt giảm khí đốt trong mùa đông

Ngày 3/8, Chính phủ Pháp cảnh báo các công ty và người dân có thể phải giảm mức tiêu thụ năng lượng trong mùa đông tới, ngay cả khi lượng dự trữ khí đốt tự nhiên của nước này ở mức tối đa, do Nga tiếp tục giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu.

Bộ trưởng Năng lượng Pháp Agnes Pannier-Runacher nêu rõ các cơ quan chính phủ và doanh nghiệp phải tiết giảm tiêu thụ khí đốt và điện năng. Bà cũng cho biết hiện lượng khí đốt dự trữ chiến lược của Pháp đang ở mức 80% công suất và có thể đạt 100% trước ngày 1/11 tới.

So với các nước Liên minh châu Âu (EU), Pháp ít phụ thuộc vào nguồn cung của Nga hơn, với khoảng 75% sản lượng điện từ các nhà máy điện hạt nhân, nhưng các ngành công nghiệp vẫn phụ thuộc vào khí đốt, cũng như hàng triệu người dân sử dụng khí đốt để sưởi ấm trong nhà. Trước tình trạng trên, Bộ trưởng Năng lượng Pháp đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc hợp tác với Đức để có thể vượt qua những khó khăn trong mùa đông tới.

Cựu Thủ tướng Đức đề xuất khởi động Nord Stream 2

Trong bài phỏng vấn được hãng tin Stern công bố ngày 3/8, Cựu Thủ tướng Đức Schroeder cho rằng “giải pháp đơn giản nhất là dựa vào vận hành đường ống dẫn khí Nord Stream 2. Khi mọi thứ trở nên thực sự khó khăn, đường ống này đã có sẵn ở đó. Với 2 đường ống dẫn khí đốt, sẽ không có vấn đề gì về nguồn cung cho ngành công nghiệp và các hộ gia đình Đức”.

Trước đó cùng ngày, nghị sĩ Đức Steffen Cotre của đảng AfD nói rằng cuộc khủng hoảng năng lượng ở nước này có thể tránh được bằng cách khởi động đường ống Nord Stream 2 và kéo dài tuổi thọ của nhà máy điện hạt nhân. Chính trị gia này chỉ ra rằng năng lượng gió và mặt trời phụ thuộc vào thời tiết.

Trước đó, ngày 29/7, nghị sĩ Klaus Ernst của Quốc hội Đức kêu gọi khởi động việc chuyển khí đốt từ Nga sang Đức qua Nord Stream 2. Ông nhấn mạnh rằng để khôi phục nguồn cung khí đốt ở Đức, cần phải sử dụng mọi biện pháp có thể, bao gồm đàm phán với Nga.

Nord Stream 2 được xây dựng nhằm chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga tới Đức dọc theo đáy biển Baltic. Việc xây dựng đã hoàn thành vào năm 2021 nhưng đường ống chưa bao giờ được đưa vào hoạt động vì Đức đã đình chỉ thủ tục cấp giấy chứng nhận.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 3/8/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/8/2022

T.H