Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/8/2022

20:44 | 02/08/2022

339 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Hải Phòng đẩy nhanh triển khai dự án điện gió ngoài khơi 3.900 MW; Nga tăng lượng khí đốt xuất khẩu đến Trung Quốc; Dự trữ dầu thô khẩn cấp của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong và ngoài nước ngày 2/8/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 2/8/2022
Đường ống Power of Siberia dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hải Phòng đẩy nhanh triển khai dự án điện gió ngoài khơi 3.900 MW

UBND TP Hải Phòng ngày 1/8 đã có cuộc làm việc thứ 3 với đoàn công tác của Đại sứ quán Đan Mạch về phát triển dự án điện gió ngoài khơi do liên doanh nhà đầu tư Tập đoàn T&T và Tập đoàn Orsted thực hiện. Nhà đầu tư cam kết sẽ chủ động đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, mong muốn thành phố hỗ trợ để dự án sớm được triển khai, được phép khảo sát trong năm 2023, hoàn thành giai đoạn 1 trước năm 2030.

Dự án dự kiến nằm ngoài khơi phía Đông Nam, diện tích khoảng 870 km2, có tổng công suất là 3.900 MW chia thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn 1.300 MW, vận hành vào các năm 2029, 2035 và 2037. Tổng mức đầu tư mỗi giai đoạn khoảng 3,95-4,5 tỷ USD, mức đầu tư toàn dự án lên tới 11,9-13,6 tỷ USD.

Tại 2 cuộc làm việc trước đó, TP Hải Phòng đã có đề xuất Thủ tướng Chính phủ đưa dự án điện gió ngoài khơi Hải Phòng vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Nga tăng lượng khí đốt xuất khẩu đến Trung Quốc

Gazprom, nhà cung cấp năng lượng Nga cho biết trên kênh Telegram chính thức hôm 1/8, rằng Nga đã tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc thông qua đường ống Power of Siberia, với lượng giao hàng tăng 60,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong khi đó, xuất khẩu của Gazprom sang các nước không thuộc SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập - tổ chức liên minh các quốc gia từng thuộc Liên Xô) lên tới 75,3 tỷ mét khối, ít hơn 34,7% (40 tỷ mét khối) so với cùng kỳ năm 2021.

Nhu cầu toàn cầu về nguồn cung với Gazprom trong 7 tháng đầu năm đã giảm khoảng 35 tỷ m3 so với cùng kỳ năm 2021. Phần lớn sự sụt giảm đến từ các khách hàng EU, do một số yếu tố, bao gồm xung đột ở Ukraine, các lệnh trừng phạt của EU và các biện pháp đáp trả của Nga cũng như chính sách mới của khối nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Dự trữ dầu thô khẩn cấp của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm

Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) ngày 1/8 cho biết, dự trữ dầu thô khẩn cấp của Mỹ đã giảm 4,6 triệu thùng trong tuần trước, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5/1985. Dầu thô trong Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) đã giảm xuống còn 469,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 29/7, là tuần có lượng dầu thô được giải phóng hàng tuần thấp nhất kể từ tháng 5.

Trong tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt ra kế hoạch giải phóng 1 triệu thùng mỗi ngày (bpd) trong vòng 6 tháng từ SPR để giải quyết vấn đề giá nhiên liệu cao làm gia tăng lạm phát.

Bộ Năng lượng Mỹ đã đề xuất bổ sung SPR bằng cách cho phép các công ty ký hợp đồng mua dầu trong những năm tới với giá định sẵn cố định. Chính quyền Mỹ cho biết họ tin rằng kế hoạch này sẽ giúp thúc đẩy sản xuất dầu trong nước.

Nga tuyên bố “không làm được gì nhiều” để sửa nhanh đường ống Nord Stream 1

Người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 1/8 tuyên bố Nga không làm được gì nhiều để giúp sửa chữa nhanh thiết bị đang hỏng hóc của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 - trong bối cảnh dòng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu giảm sút mạnh.

Từ tuần trước, lượng khí đốt đi qua Nord Stream 1 - tuyến dẫn khí đốt chính giữa Nga và châu Âu - giảm còn 20% công suất của đường ống. Theo giải thích của phía Nga, việc giảm lượng cung cấp khí đốt này là do một turbine của đường ống được gửi tới Canada để bảo trì hiện vẫn chưa được trả về, trong khi một turbine khác lại cần phải sửa. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) nói rằng đây chỉ là cái cớ để Nga dùng năng lượng như một đòn bẩy chính trị.

“Có những hỏng hóc đòi hỏi phải được sửa chữa gấp, mà lại có những khó khăn nhất định do con người tạo ra bằng lệnh trừng phạt”, hãng tin Reuters dẫn lời ông Peskov. “Tình hình này cần phải được khắc phục, và Nga hầu như không có khả năng để giúp”.

Nhật Bản chưa nhận được thông tin về Nhà điều hành mới dự án Sakhalin-2

Trong một cuộc họp báo ngày 2/8 tại Tokyo, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda cho hay nước này chưa nhận được thông tin về nhà điều hành mới của Dự án dầu khí Sakhalin-2, nơi Nhật Bản cũng có cổ phần và nói sẽ tiếp tục theo dõi tình hình liên quan sắc lệnh của Tổng thống Nga.

Trước đó ngày 1/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh thay đổi nhà điều hành dự án Sakhalin-2, theo đó, một công ty trách nhiệm hữu hạn do Nga thành lập sẽ thay thế cho công ty Sakhalin Energy. Tài sản của Sakhalin Energy sẽ được chuyển giao miễn phí cho Liên bang Nga.

Các cổ đông nước ngoài, trong vòng 1 tháng phải đồng ý tiếp nhận cổ phần trong công ty điều hành mới, tương ứng với cổ phần ở công ty cũ. Trong số đó, Gazprom chiếm 50% cổ phần và có quyền chi phối, Shell có 27,5% cổ phần, Mitsui và Mitsubishi của Nhật Bản nắm lần lượt là 12,5% cổ phần và 10% cổ phần.

Đại sứ Nga tại Philippines: Manila hy vọng vào Moscow trong lĩnh vực năng lượng

Ngày 1/8, Đại sứ Nga tại Philippines Marat Pavlov cho hay, Manila đặt hy vọng vào Moscow trong lĩnh vực năng lượng, song quốc gia Đông Nam Á không chỉ quan tâm đến dầu thô mà cả các sản phẩm tinh chế.

Trả lời phỏng vấn, ông Pavlov nêu rõ: "Hiện tại, chúng tôi ghi nhận ngày càng có nhiều doanh nghiệp Philippines bày tỏ quan tâm tới các sản phẩm dầu của Nga. Do năng lực lọc dầu hạn chế, Philippines quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm tinh chế như diesel, xăng, dầu hỏa".

Đại sứ Nga dự báo: “Nền kinh tế Philippines phụ thuộc phần lớn vào việc nhập khẩu những loại nhiên liệu, vì vậy, nếu các nhà sản xuất của chúng tôi thâm nhập thị trường này thì kết quả đạt được có thể rất ấn tượng”. Ngoài ra, Đại sứ Pavlov cũng nêu bật sự quan tâm của Philippines đối với các giao dịch tài chính sử dụng hệ thống thanh toán của Nga, trong đó có thẻ thanh toán Mir được ra mắt gần đây.

Tây Ban Nha công bố một loạt biện pháp khẩn cấp để tiết kiệm năng lượng

Ngày 1/8, Chính phủ Tây Ban Nha công bố một loạt biện pháp khẩn cấp, theo đó các doanh nghiệp, nhà hàng, bảo tàng và phương tiện giao thông công cộng của nước này phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về điều hòa nhiệt độ để tiết kiệm năng lượng. Quy định mới sẽ có hiệu lực một tuần sau khi được thông báo chính thức và có hiệu lực cho đến tháng 11/2023.

Theo đó, nhiệt độ của điều hòa tối thiểu là 27 độ C vào mùa hè và tối đa là 19 độ C vào mùa đông. Các biện pháp khác bao gồm khuyến khích làm việc từ xa nhiều ngày trong tuần để tiết kiệm nhiên liệu, tắt đèn tại các tòa nhà công cộng và cửa sổ cửa hàng khi không sử dụng, đóng cửa sổ và cửa ra vào để giảm căng thẳng cho hệ thống điều hòa và sưởi ấm.

Chính phủ Tây Ban Nha cũng đã phê duyệt việc lắp đặt hàng loạt các tấm pin mặt trời trên mái các tòa nhà công cộng và khuyến khích công chức làm việc tại nhà. Tuần trước, Thủ tướng Pedro Sanchez đã đề xuất các bộ trưởng, quan chức nhà nước và nhân viên khu vực tư nhân ngừng đeo cà vạt để tiết kiệm điện.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/8/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 31/7/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 31/7/2022

T.H