Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/8/2022

19:01 | 01/08/2022

281 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giá xăng trong nước giảm lần thứ 4 liên tiếp; OPEC nhận định về diễn biến giá dầu; Australia gia hạn cơ chế khẩn cấp về nguồn cung khí đốt… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong và ngoài nước ngày 1/8/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 1/8/2022
Một công nhân kiểm tra đường ống và van tại mỏ dầu Amaal miền Đông Libya. Nguồn ảnh: Reuters

Giá xăng trong nước giảm lần thứ 4 liên tiếp

Chiều 1/8, Liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 10 ngày/lần. Theo đó, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 450 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 470 đồng/lít. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 24.620 đồng/lít và xăng RON 95 là 25.600 đồng/lít.

Giá bán đối với mặt hàng dầu giảm mạnh hơn xăng ở kỳ điều hành này, theo đó dầu diesel giảm 950 đồng/lít còn 23.900 đồng/lít, dầu hỏa còn 24.530 đồng/lít... Ở kỳ điều chỉnh lần này, Liên bộ Tài chính - Công Thương trích lập quỹ bình ổn giá đối với mặt hàng xăng ở mức 800-850 đồng/lít, dầu diesel 450 đồng/lít, dầu hỏa 650 đồng/lít.

Như vậy, đây là lần giảm thứ 4 sau 7 lần tăng liên tiếp của giá xăng, dầu. Tính đến nay, giá mặt hàng này đã trải qua 20 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 7 lần giảm. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đã xuống quanh mức 24.500-25.500 đồng/lít, tương đương mức giá vào đầu năm.

Đóng điện dự án Trạm biến áp 220kV Chư Sê và đấu nối

Sáng 1/8, tại Gia Lai, Ban QLDA các công trình điện miền Trung đã phối hợp tổ chức nghiệm thu, đóng điện dự án Trạm biến áp 220kV Chư Sê và đấu nối.

Đây là công trình công nghiệp điện cấp I, nhóm B, do Tổng công ty ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư. Công trình được triển khai từ cuối năm 2019, được xây dựng tại xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, có quy mô xây dựng mới TBA 220/110/22kV, công suất đặt 2x125MVA theo quy hoạch…

Việc hoàn thành dự án có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo điện cho tỉnh Gia Lai và vùng phụ cận; Thu gom nguồn năng lượng tái tạo trong khu vực để truyền tải lên lưới điện quốc gia; Giảm tổn thất công suất cực đại lưới điện khu vực và nâng cao, cải thiện điện áp lưới điện 110kV khu vực.

OPEC nhận định về diễn biến giá dầu

Trả lời phỏng vấn trên tờ Alrai của Kuwait hôm 31/7, Tổng thư ký Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Haitham al-Ghais cho biết diễn biến trên thị trường dầu toàn cầu đang “rất bất ổn và hỗn loạn" và khẳng định giá dầu tăng những tháng đầu năm không chỉ liên quan đến những diễn biến ở Ukraine.

Nhận định về diễn biến của giá dầu trong những tháng tới, ông Al-Ghais nói rằng yếu tố quan trọng nhất sẽ là việc tiếp tục thiếu hụt các khoản đầu tư vào lĩnh vực khoan, thăm dò và sản xuất, cho rằng điều này sẽ đẩy giá dầu đi lên.

OPEC và các đối tác (OPEC+) đang chuẩn bị tiến hành cuộc họp về chính sách sản lượng vào ngày 3/8 tới. Theo các nguồn tin, nhóm sẽ xem xét giữ nguyên sản lượng dầu trong tháng 9 bất chấp lời kêu gọi về việc tăng mạnh sản lượng từ Mỹ. Tuy nhiên, một số nguồn tin tiết lộ với Reuters rằng OPEC+ có thể thảo luận về mức tăng khiêm tốn.

Bộ trưởng tài chính Đức kêu gọi ngừng sản xuất điện bằng khí đốt

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner ngày 31/7 cho biết nước này nên ngừng sử dụng khí đốt để sản xuất điện nhằm tránh làm trầm trọng cuộc khủng hoảng năng lượng.

Ba nhà máy điện hạt nhân (NPP) đang hoạt động ở Đức, dự kiến đóng cửa vào ngày 31/12 tới. Đức đã tăng cường tranh luận về khả năng mở rộng việc sử dụng các NPP trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí đốt đang diễn ra. Các nhà chức trách đang tiến hành phân tích kỹ thuật tình hình trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Theo truyền thông Đức, ít nhất một trong số các NPP sẽ tiếp tục hoạt động.

Trước đó, Chính phủ Đức đã thông qua luật cho phép khôi phục các nhà máy nhiệt điện than bỏ qua vấn đề bảo vệ khí hậu, như một phần của cuộc chiến chống khủng hoảng năng lượng và các kế hoạch từ bỏ khí đốt của Nga.

Australia gia hạn cơ chế khẩn cấp về nguồn cung khí đốt

Ngày 1/8, Bộ trưởng Tài nguyên Madeleine King thông báo Australia sẽ gia hạn cơ chế đảm bảo cung cấp khí đốt khẩn cấp cho đến năm 2030 trong nỗ lực đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Cơ chế này nhằm bắt buộc các nhà khai thác năng lượng phải dự trữ nhiều hơn, ưu tiên dành cho thị trường trong nước trước khi bán ra nước ngoài.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngân khố Australia Jim Chalmers cảnh báo chính quyền sẽ can thiệp vào thị trường nếu các công ty không tự nguyện điều tiết lại nguồn cung. Về phần mình, đại diện ngành khai thác năng lượng của Australia khẳng định nguồn cung khí đốt sẽ được đảm bảo trong năm 2023.

Trước đó, ngày 19/7, Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Australia đã kích hoạt cơ chế đảm bảo cung cấp khí đốt khẩn cấp lần thứ hai trong lịch sử nước này. Việc kích hoạt cơ chế nhằm giúp ngăn chặn tình trạng thiếu hụt khí đốt ở bang Victoria.

Eni kỳ vọng có thể thay thế khí đốt Nga vào năm 2025

Tập đoàn Eni ngày 31/7 tuyên bố rằng các sáng kiến được thiết kế để đảm bảo các nguồn cung khí đốt mới, tương đương 100% (20 tỷ m3 khí đốt hàng năm) mà Nga xuất khẩu sang thị trường Italy, vào năm 2025, trong bối cảnh sự không chắc chắn về nguồn cung năng lượng của Nga cho châu Âu đang buộc các nước phải tìm kiếm các nguồn thay thế.

Sau khi ký các thỏa thuận cung cấp khí đốt mới với các nước Algeria, Ai Cập và CH Congo vào đầu năm nay, Eni nhận thấy các cơ hội nổi lên ở các quốc gia khác bao gồm Libya, Angola, Mozambique và Indonesia, cũng như ở trong nước.

Eni là một trong những khách hàng mua buôn khí đốt lớn nhất của Nga. Eni tự tin rằng đơn vị danh mục đầu tư khí & LNG toàn cầu (GGP) của họ sẽ ít nhất là không bị lỗ trong năm 2022, ngay cả khi Nga ngừng cung cấp khí đốt từ mùa đông này. Giám đốc của GGP Cristian Signoretto cho biết Eni hiện đang nhận khoảng 27 triệu m3 khí đốt của Nga mỗi ngày.

Sản lượng dầu thô của Libya gia tăng mạnh mẽ

Ngày 31/7, nhiều nguồn tin chính thức cho biết, sản lượng dầu thô của Libya đã quay trở lại mức từng được ghi nhận ở thời điểm trước khi các mỏ dầu và cảng biển phải đóng cửa do tình trạng xung đột vũ trang.

Trên Twitter, Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Libya (NOC) thông báo, sản lượng dầu thô của doanh nghiệp này đã đạt mức 1,2 triệu thùng/ngày. Trước đó, sản lượng dầu thô của NOC có thời điểm chỉ đạt khoảng 400 nghìn thùng/ngày. NOC ngày 20/7 thông báo đã nối lại hoạt động sản xuất dầu thô tại một số mỏ dầu của nước này.

Chính phủ Thống nhất quốc gia Libya (GNU) từng tuyên bố rằng GNU sẵn sàng tăng cường đầu tư để phát triển ngành dầu mỏ của Libya, đồng thời khẳng định các nỗ lực của chính quyền có thể giúp nâng sản lượng dầu thô của nước này lên mức 3 triệu thùng/ngày.

Cuba đối mặt với tình trạng thiếu hụt lượng điện vào giờ cao điểm

Ngày 1/8, Liên minh Điện lực Cuba (UNE) ước tính sản lượng điện của nước này sẽ thiếu hụt 20% trong giờ cao điểm, với mức ảnh hưởng là 560 megawatt (MW). Cụ thể, UNE cho biết mức tiêu thụ điện trong giờ cao điểm tại Cuba có thể lên tới 2.900 MW, trong khi sản lượng thực tế chỉ vào khoảng 2.415 MW.

Lý giải cho mức thiếu hụt này, UNE cho hay hiện nay 9 tổ máy thuộc 5 nhà máy nhiệt điện ở phía Tây và phía Đông của đảo quốc Caribe này đã ngừng hoạt động do sự cố. UNE đánh giá tình hình của hệ thống năng lượng Cuba là "căng thẳng" và "phức tạp," đồng thời đã áp dụng các biện pháp để tiết kiệm tiêu thụ.

Trước đó, chính quyền thủ đô La Habana đã thông báo sẽ cắt điện luân phiên từ tuần này và đình chỉ nhiều lễ hội truyền thống. Thống đốc La Habana Reinaldo García chỉ ra rằng việc cắt điện luân phiên sẽ giúp thủ đô Cuba tiết kiệm 100 MW, qua đó tiết kiệm nhiên liệu và góp phần xoa dịu tình trạng mất điện tại các địa phương khác.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 31/7/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 31/7/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/7/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/7/2022

T.H