Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/7/2022

19:53 | 30/07/2022

215 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Giá xăng dầu tại Việt Nam đã được kéo thấp so với nhiều nước; Nhật Bản quyết định không rút khỏi dự án Sakhalin-2 với Nga; Gazprom dừng cấp khí đốt cho Latvia… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong và ngoài nước ngày 30/7/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 30/7/2022
Nhật Bản quyết định duy trì cổ phần trong dự án dầu khí Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga dù Mỹ yêu cầu rút khỏi dự án (Ảnh minh họa, Nguồn: Tass)

Giá xăng dầu tại Việt Nam đã được kéo thấp so với nhiều nước

Trong cuộc đối thoại với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam ngày 30/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết giá xăng dầu tại Việt Nam đã được kéo về mức thấp so với trước và so với nhiều nước trong khu vực. Theo ông Diên, điều này có lợi cho người dân và doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng khẳng định Việt Nam bảo đảm không thiếu điện trong năm 2022 và 2023, dù có thể thiếu hụt hoặc gián đoạn cục bộ, nhất là do thời tiết nắng nóng; đặc biệt là không thiếu điện cho các khu công nghiệp và sản xuất.

Nhà lập pháp Đức ủng hộ việc đưa Nord Stream-2 vào hoạt động

Ngày 29/7, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ khí hậu và năng lượng của Hạ viện Đức Klaus Ernst cho biết Berlin vẫn cần khí đốt của Nga và ủng hộ cấp phép cho đường ống dẫn khí Nord Stream-2. “Nếu không có triển vọng nào khác, bất kể lý do là gì, nguồn cung khí đốt của Đức cuối cùng chỉ có thể đến từ Nord Stream-2”, nhà lập pháp Klaus nhấn mạnh.

Hôm 27/7, hàng loạt thị trưởng Đức đã kêu gọi chính phủ cho phép nhập khẩu khí đốt Nga qua Nord Stream 2, trong bối cảnh đang có những khó khăn kỹ thuật hiện tại với Nord Stream-1.

Đường ống dẫn khí Nord Stream-2 hoàn thành từ cuối năm 2021, được thiết kế để vận chuyển khí đốt từ Nga đến Đức qua biển Baltic mà không qua Ukraine hay Ba Lan. Đường ống này dự kiến sẽ tăng gấp đôi sản lượng cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức lên 110 tỷ m3 mỗi năm. Tuy nhiên, 2 ngày trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Berlin đã hoãn vô thời hạn cấp giấy phép cho dự án này.

Nhật Bản quyết định không rút khỏi dự án Sakhalin-2 với Nga

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda ngày 29/7 cho biết, Nhật Bản quyết định duy trì cổ phần trong dự án dầu khí Sakhalin-2 ở vùng Viễn Đông của Nga dù Mỹ yêu cầu rút khỏi dự án.

Trước đó, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh, theo đó tất cả tài sản của Công ty Đầu tư Năng lượng Sakhalin sẽ được chuyển giao cho một pháp nhân Nga. Điện Kremlin cho rằng lý do dẫn đến quyết định này là vì lập trường "không thân thiện" của phía Tokyo sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine. Sau đó, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Koichi Hagiuda trong quá trình đàm phán đã đi đến quyết định tiếp tục tham gia dự án.

Theo kế hoạch của Nhật Bản, Mitsui và Mitsubishi sẽ tiếp tục giữ lần lượt 12,5% và 10% cổ phần trong dự án dầu khí khổng lồ Sakhalin-2. Trong khi đó, Tập đoàn Gazprom của Nga kiểm soát khoảng 50% cổ phần của Sakhalin-2, tập đoàn dầu khí Shell của Anh chiếm khoảng 27,5%.

Pháp và Saudi Arabia nhất trí thúc đẩy hợp tác năng lượng tái tạo

Thái tử Mohammed bin Salman và Tổng thống Macron ngày 29/7 đã thảo luận về tầm quan trọng của việc ổn định các thị trường năng lượng toàn cầu và nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, gồm cả năng lượng mặt trời và khí hydro xanh.

Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman tại Paris, trong bối cảnh phương Tây đang tìm cách tái lập quan hệ với vương quốc Arab nhiều dầu mỏ này nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng khi nguồn cung khan hiếm do căng thẳng Nga-Ukraine.

Trước đó, Thái tử bin Salman đã thăm Hy Lạp, nơi ông công bố một số dự án song phương, trong đó có dự án xây dựng cáp điện giữa 2 nước nhằm cung cấp cho châu Âu nguồn năng lượng tái sinh giá rẻ hơn.

Gazprom dừng cấp khí đốt cho Latvia

Ngày 30/7, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Latvia do vi phạm các điều khoản mua bán. Tuy nhiên tuyên bố không nêu rõ Latvia đã vi phạm điều khoản nào.

Động thái của Gazprom diễn ra một ngày sau khi công ty năng lượng Latvijas Gaze của Latvia cho biết họ đã thanh toán khí đốt đến từ Nga bằng đồng euro, thay vì đồng ruble. Tuy nhiên, phát ngôn viên của Latvijas Gaze cho biết khí đốt mà công ty này mua không phải từ Gazprom. Latvijas Gaze không nêu tên nhà cung cấp với lý do bảo mật kinh doanh.

Trước đó, Nga đã cắt nguồn cung khí đốt đến Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch. Đây đều là những quốc gia từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng ruble. Nga cũng ngừng bán năng lượng này cho công ty Shell Energy Europe ở Đức.

ExxonMobil, Chevron, Shell báo lãi kỷ lục

Các tập đoàn dầu khí đa quốc gia gồm ExxonMobil, Chevron, Shell ghi nhận mức lãi hàng quý cao nhất lịch sử trong quý II vừa qua trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt sau khi chiến tranh Nga-Ukraine nổ ra vào cuối tháng 2.

Cụ thể, lợi nhuận quý II của ExxonMobil (Mỹ) đạt 17,9 tỉ đô la, cao nhất từ trước đến nay và cao gần gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Chevron, có trụ sở ở bang California, cũng công bố lợi nhuận quý II cao nhất từ trước đến nay: 11,6 tỉ đô la so với mức 3,1 tỉ đô la vào cùng kỳ 2021. Tập đoàn dầu khí Shell (Anh) ghi nhận lợi nhuận quý II đạt 16,7 tỉ đô la, cũng là mức cao kỷ lục. Trong khi đó, TotalEnergies (Pháp) ghi nhận lợi nhuận trong quý II đạt 9,8 tỉ đô la, cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ 2021.

Các nhà phân tích cho biết thu nhập từ mảng lọc dầu của các tập đoàn dầu khí Mỹ có thể đã đạt đỉnh trong quý 2. Nhu cầu nhiên liệu đã bị ảnh hưởng trong mùa hè ở Mỹ, khi người tiêu dùng chùn bước trước mức giá xăng trung trên toàn quốc đạt mức kỷ lục hơn 5 đô la/gallon (3,78 lít) vào tháng 6.

Thủ tướng Tây Ban Nha kêu gọi tiết kiệm năng lượng

Ngày 29/7, tại buổi họp báo về kế hoạch tiết kiệm năng lượng của chính phủ, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez xuất hiện mặc áo sơ mi trắng, khoác áo vest không cài cúc và tiết lộ ông dừng đeo cà vạt để tiết kiệm năng lượng, đồng thời kêu gọi các bộ trưởng, nhân viên văn phòng làm theo.

Lời khuyên được ông Sanchez được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Môi trường Tây Ban Nha kêu gọi bật điều hòa không khí ở 27 độ C, cao hơn đáng kể so với mức mọi người thường thiết lập. Ông Sanchez cho biết Madrid sẽ công bố các biện pháp khẩn cấp vào đầu tuần sau để cải thiện hiệu quả sử dụng và tiết kiệm năng lượng.

Chính phủ nước này liên tục kêu gọi người dân giảm tiêu thụ điện năng bằng cách không sử dụng điều hòa không khí quá mức trong bối cảnh nước này đang hứng chịu đợt nắng nóng bất thường với nhiệt độ tại nhiều khu vực vượt 40 độ C và nguồn cung khí đốt từ Nga ngày càng thắt chặt.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/7/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/7/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/7/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/7/2022

T.H