Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/7/2022

19:00 | 29/07/2022

237 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Việt Nam - Hoa Kỳ đối thoại về an ninh năng lượng; Nhu cầu than toàn cầu đang thiết lập mức kỷ lục; Đức dự định đánh thuế tiêu thụ khí đốt mới từ tháng 10/2022… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong và ngoài nước ngày 29/7/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/7/2022
Algeria, Nigeria và Niger thảo luận về đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu (Ảnh minh họa/nguồn: dw)

Việt Nam - Hoa Kỳ đối thoại về an ninh năng lượng

Tại Đối thoại thường niên An ninh Năng lượng Việt Nam - Hoa Kỳ diễn ra từ ngày 27-28/7/2022 tại Thủ đô Washington, Hoa Kỳ, Việt Nam - Hoa Kỳ thống nhất hợp tác năng lượng song phương bao gồm: sản xuất điện sạch, phát triển thị trường điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, truyền tải và lưu trữ năng lượng.

Hai bên đã thảo luận chi tiết về tương lai của các công nghệ năng lượng sạch như điện gió ngoài khơi, hydrogen, pin lưu trữ và điện hạt nhân, vai trò của khí tự nhiên hóa lỏng và các bước cần thiết để chuyển đổi năng lượng nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Trong khuôn khổ Đối thoại, Tập đoàn AES đã đề xuất Ý định thư với Phái đoàn Việt Nam với mong muốn triển khai dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Bình Thuận, Việt Nam với tổng kinh phí là 13 tỷ USD, công suất dự kiến 4.000 MW.

Algeria, Nigeria và Niger ký biên bản về đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu

Ngày 28/7, các quốc gia sản xuất năng lượng hàng đầu châu Phi là Algeria, Nigeria và Niger đã ký biên bản ghi nhớ về dự án đường ống dẫn khí đốt lớn, cung cấp cho châu Âu các lựa chọn tiềm năng trong tương lai thay thế nguồn cung từ Nga.

Đường ống dẫn khí đốt xuyên Sahara (TSGP) sẽ vận chuyển hàng tỷ m³ khí đốt theo chiều dài 4.128 km từ Nigeria lên phía Bắc qua Niger và đến Algeria. Từ đó, khí đốt có thể được bơm qua đường ống Transmed dưới biển Địa Trung Hải đến Italy, hoặc được đưa lên các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng để xuất khẩu.

Khi TSGP lần đầu tiên được đề xuất vào năm 2009, chi phí xây dựng đường ống này ước tính khoảng 10 tỷ USD. Song song với việc phục vụ các thị trường châu Âu, khí đốt có thể được chuyển hướng sang cung cấp cho các thị trường dọc theo tuyến đường ống hoặc các nơi khác trong khu vực Sahel.

Nhu cầu than toàn cầu đang thiết lập mức kỷ lục

Ngày 28/7, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết giá khí đốt tự nhiên tăng cao sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine đang làm tăng nhu cầu than trên toàn thế giới, với mức tiêu thụ trong năm 2022 cao kỷ lục so với năm 2013 và tiếp tục lên mức cao nhất mọi thời đại trong năm tới.

Cụ thể, theo Bản cập nhật thị trường than tháng 7/2022 của IEA, năm nay, nhu cầu than toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng 0,7% lên 8 tỷ tấn nếu kinh tế Trung Quốc phục hồi như dự kiến ​​vào nửa cuối năm 2022.

IEA cho biết Ấn Độ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu than trong năm nay và Trung Quốc, Ấn Độ cùng tiêu thụ gấp đôi lượng than so với phần còn lại của thế giới. Tiêu thụ than ở châu Âu, chỉ chiếm 5% nhu cầu than toàn cầu, cũng đang tăng mạnh do giá khí đốt kỷ lục và những bất ổn về nguồn cung khí đốt của Nga.

Đức dự định đánh thuế tiêu thụ khí đốt mới từ tháng 10/2022

Đức dự kiến sẽ ban hành một biểu thuế theo kế hoạch từ trước đối với tất cả các khách hàng tiêu thụ khí đốt từ ngày 1/10/2022 với mức áp thuế dự kiến từ 1,5 đến 5 cent/kilowatt giờ. Nếu tính tỷ lệ 5 cent/kilowatt giờ, hóa đơn khí đốt cho một hộ gia đình 4 người, sử dụng trung bình 20.000 kilowatt giờ/năm, sẽ tăng 1.000 euro.

Mức thuế mới nhằm ổn định thị trường khí đốt, đồng thời chia sẻ khoảng 90% chi phí phụ trội từ việc thay thế nguồn cung khí đốt từ Nga giữa tất cả những người sử dụng khí đốt và ngăn ngừa tình trạng vỡ nợ của các nhà kinh doanh khí đốt.

Trong một diễn biến khác, nhiều thành phố tại Đức đã quyết định ngừng cung cấp nước nóng, giảm mức nhiệt sưởi ấm tối đa và tắt đèn tại những công trình công cộng, đóng góp một phần nỗ lực cắt giảm tiêu thụ năng lượng.

Pháp có thể cung cấp khí đốt cho Đức trong mùa đông

Các quan chức Bộ năng lượng Pháp ngày 27/7 cho biết, Paris có thể cung cấp cho Đức 20 terawatt giờ khí đốt, tương đương 2% lượng tiêu thụ của Đức, trong những tháng mùa đông nếu cần trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.

Mối quan hệ bất ổn giữa châu Âu và Moskva kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã cho thấy sự phụ thuộc của khối này vào khí đốt Nga và làm dấy lên cuộc tìm kiếm ráo riết các nguồn năng lượng thay thế.

Đức, nền kinh tế hàng đầu của châu Âu và là nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất của Nga, đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc cắt giảm nguồn cung kể từ giữa tháng 6 và đang chuẩn bị cho tất cả các kịch bản, bao gồm cả việc ngừng hoàn toàn nguồn cung khí đốt của Nga.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/7/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 28/7/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/7/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 27/7/2022

T.H