Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/8/2022

20:10 | 07/08/2022

305 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - TP HCM kiến nghị gỡ vướng cho các dự án điện khí và điện mặt trời mái nhà; Nga cạnh tranh với Saudi Arabia để bán dầu ở Ấn Độ; Nhật, Hàn tìm cách bảo đảm nguồn cung LNG; Mỏ khí của Hà Lan có thể cứu châu Âu khỏi khủng hoảng năng lượng… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong và ngoài nước ngày 7/8/2022.
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 7/8/2022
Xe chờ đổ xăng ở Berchem ở Luxembourg - trạm xăng nhộn nhịp nhất châu Âu. Ảnh: AFP

TP HCM kiến nghị gỡ vướng cho các dự án điện khí và điện mặt trời mái nhà

UBND TP HCM vừa có Báo cáo số 132/BC-UBND kiến nghị Chính phủ tháo gỡ vướng mắc của các dự án trên địa bàn thành phố, trong đó có vướng mắc của các dự án điện khí và điện mặt trời mái nhà.

Đối với dự án điện khí LNG, TP HCM kiến nghị bổ sung giai đoạn 2, Nhà máy Điện khí LNG Hiệp Phước vào Quy hoạch điện VIII. Giai đoạn 2 của nhà máy có công suất 1.500 MW, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2026-2030. Thành phố cũng kiến nghị đưa các công trình lưới điện 500 kV-220 kV vào Quy hoạch điện VIII để giải tỏa toàn bộ công suất 2.700 MW của Nhà máy Điện khí LNG Hiệp Phước.

Đối với điện mặt trời mái nhà, với tiềm năng khoảng 6.000 MWp, TP HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan sớm nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích khai thác điện mặt trời mái nhà từ các tòa nhà công sở, sau đó sẽ áp dụng sang khu vực tư nhân để sử dụng hiệu của nguồn năng lượng xanh bền vững.

Nga cạnh tranh với Saudi Arabia để bán dầu ở Ấn Độ

Theo Bloomberg và dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, dầu Nga rẻ hơn dầu Saudi Arabia trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6. Mức chênh lệch giữa hai loại dầu tăng lên gần 19 USD/thùng vào tháng 5, sau đó giảm và chênh 13 USD/thùng vào tháng 6.

Vào tháng 6, Nga đã vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai cho Ấn Độ, chỉ sau Iraq. Kể từ tháng 3, số lượng dầu mà Ấn Độ nhập khẩu từ Nga tăng 10 lần. Trước đó vào tháng 3, dầu thô của Nga được bán ở mức cao hơn 13 USD/thùng so với dầu thô của Saudi Arabia.

Không chỉ cung cấp dầu, Nga còn bán nhiều than đá cho Ấn Độ. Dữ liệu cho thấy Nga đã trở thành nhà cung cấp than đá lớn thứ 3 của Ấn Độ trong tháng 7, với số lượng nhập khẩu tăng hơn 1/5 so với tháng 6, lên mức kỷ lục 2,06 triệu tấn. Trước đây, Nga là nhà cung cấp than đá lớn thứ 6 của Ấn Độ.

Nhật, Hàn tìm cách bảo đảm nguồn cung LNG

Tờ Financial Times (Anh) dẫn lời các hãng giao dịch năng lượng cho biết Nhật Bản và Hàn Quốc - hai quốc gia nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn thứ hai và thứ ba thế giới đang tìm cách đảm bảo nguồn cung LNG cho những tháng mùa đông tới đây và xa hơn nữa.

Giới phân tích nhận định việc Nhật Bản và Hàn Quốc phát đi các tín hiệu tăng cường dự trữ LNG sẽ khiến nổ ra cuộc “chạy đua” giành nguồn cung LNG giữa châu Á và châu Âu trong những tháng tới đây và đẩy giá mặt hàng năng lượng này lên cao hơn nữa trên toàn cầu.

Trong 7 tháng đầu năm mặc dù nhu cầu nhập khẩu LNG của các nước châu Á sụt giảm tương đối so với cùng kỳ năm ngoái nhưng do Liên minh châu Âu (EU) đang thu gom mọi nguồn cung khí đốt nên giá LNG giao ngay tại châu Á hiện dao động quanh mức 40 USD/mmBtu, tăng 160% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỏ khí của Hà Lan có thể cứu châu Âu khỏi khủng hoảng năng lượng

Bà Alice Stollmeyer, cựu chuyên gia chính sách khí hậu và năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) và ông Lukas Trakimavičius, chuyên gia nghiên cứu tại trung tâm về an ninh năng lượng NATO, cho rằng tỉnh Groningen có mỏ Groningen (phía Bắc Hà Lan) có thể giúp châu Âu giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Mỏ Groningen là một trong những nơi có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới với khoảng 450 tỷ mét khối (bcm). Trong bối cảnh hiện nay, mỏ này có giá trị bằng gần 3 năm nhập khẩu khí đốt của châu Âu từ Nga. Tuy nhiên, từ năm 2014 Hà Lan đã quyết định giới hạn sản lượng khí đốt tự nhiên từ mỏ bởi tác động của các hoạt động địa chấn và sẽ đóng cửa hoàn toàn vào năm 2026.

Việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine và cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu đến nay hầu như không ảnh hưởng đến tính toán của Hà Lan. Các nhà chức trách Hà Lan khẳng định rằng chỉ khi tất cả các quốc gia ở Bắc Tây Âu kích hoạt giai đoạn ba của kế hoạch khẩn cấp về khí đốt (về cơ bản là phân bổ khí đốt) thì họ mới xem xét tăng cường sản xuất khí đốt ở Groningen.

Lái xe châu Âu đổ về Luxembourg để tiếp nhiên liệu

Ngày 7/8 - thời điểm du lịch hè vẫn đang trong giai đoạn sôi động - hàng nghìn xe ô tô và xe tải đã đổ về trạm tiếp nhiên liệu của tập đoàn dầu khí Royal Dutch Shell ở Berchem - miền Nam Luxembourg - trên đường cao tốc A3 - là điểm hội tụ của các cung đường nối Bỉ, Đức và Hà Lan và cả các tuyến đường đi về phía Nam châu Âu đến các bãi biển nghỉ mát của Pháp, Italy và Tây Ban Nha.

Giữa bối cảnh giá cả nhiên liệu ở châu Âu tăng vọt, giá xăng ở Luxembourg nổi tiếng là rẻ hơn những nơi khác. Điều đó khiến nơi đây trở thành một điểm đến hàng đầu cho những lái xe tải đường dài cũng như các gia đình đi du lịch châu Âu bằng ô tô.

Ngày 7/7, phóng viên của AFP đã trả 1,79 euro/lít xăng mua ở Brussels, và các trang web theo dõi giá nhiên liệu ước tính mức giá trung bình tại Bỉ là 1,867 euro/lít. Trong khi đó, những người lái xe ô tô ở Berchem, chỉ phải trả 1,636 euro/lít, mặc dù họ phải xếp hàng dài chờ đợi cùng với các tài xế đến từ khắp châu Âu.

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 6/8/2022
Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/8/2022Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 5/8/2022

T.H