Nhịp đập năng lượng ngày 5/7/2023
![]() |
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn |
Bộ Công Thương đề xuất giải pháp bảo đảm cung ứng xăng dầu
Tại cuộc họp Chính phủ với địa phương ngày 4/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất nhiều giải pháp để chủ động trong các tình huống, đảm bảo an ninh năng lượng. Đầu tiên là thường xuyên rà soát, điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo từng quý, phù hợp với năng lực và khả năng đáp ứng của từng doanh nghiệp đầu mối nhằm bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống.
Tiếp đến là tăng cường theo dõi, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp đầu mối nghiêm túc thực hiện kế hoạch phân giao tổng nguồn xăng dầu tối thiểu theo đúng số lượng, tiến độ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.
Cùng với đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có nhiệm vụ đôn đốc, giám sát các nhà máy lọc dầu chủ động chuẩn bị các phương án để bảo đảm hoạt động ổn định, cung cấp đủ nguồn hàng ra thị trường theo cam kết; đồng thời, chuẩn bị các phương án (cả về kỹ thuật, nhân lực, vật tư, nguyên liệu) để hoạt động hết (và vượt) công suất nhằm tăng thêm nguồn cung cho thị trường.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc cập nhật, điều chỉnh kịp thời các chi phí kinh doanh xăng dầu, đồng thời điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng linh hoạt, hiệu quả công cụ Quỹ bình ổn giá theo quy định của pháp luật, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế…
Nhiều nước khu vực châu Âu có giá điện âm
Hãng Bloomberg dẫn số liệu của sàn giao dịch Epex Spot SE cho biết giá điện ở khu vực này trong phiên giao dịch 4/7 đã giảm xuống dưới 0 do hiệu suất cao của các nhà máy điện mặt trời.
Bloomberg lưu ý rằng giá điện âm đang trở nên phổ biến hơn ở châu Âu trong bối cảnh các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) tích cực xây dựng các trang trại năng lượng mặt trời để giảm nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch không bền vững.
Tuy nhiên, việc sản xuất điện ở châu Âu đôi khi rất khó điều tiết, đặc biệt là khi các chính phủ khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo cho mục đích này. Kết quả là, đôi khi có quá nhiều điện trên thị trường nên việc các nhà máy điện trả thêm tiền cho người tiêu dùng để sử dụng điện sẽ rẻ hơn so với việc ngừng sản xuất trong 1 hoặc 2 giờ.
Thụy Điển điều chỉnh chính sách nhằm cung cấp điện hiệu quả
Ngày 4/7, Chính phủ Thụy Điển thông báo đang xem xét cải cách chính sách năng lượng quốc gia nhằm tránh lặp lại khó khăn về cung ứng điện như mùa hè và mùa đông năm ngoái. Theo Chính phủ Thụy Điển, hệ thống cung cấp điện của nước này đang tiếp tục vận hành trong tình trạng căng thẳng.
Theo Bộ trưởng Năng lượng, Kinh doanh và Công nghiệp Thụy Điển, mạng lưới điện truyền tải trong nước vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, giá điện cao hơn mức bình thường, dù quốc gia này đã nâng cao năng lực sản xuất điện hơn bao giờ hết. “Điểm nghẽn” truyền tải điện giữa miền Bắc và miền Nam đất nước đã đẩy giá điện ở khu vực phía Nam lên cao.
Để đảm bảo hệ thống truyền tải điện cung cấp điện hiệu quả và duy trì giá thành rẻ, Chính phủ Thụy Điển yêu cầu Svenska Kraftnat - nhà điều hành mạng lưới điện quốc gia, đưa ra quy chuẩn mới nhằm đánh giá độ tin cậy của hệ thống cung cấp điện, gia tăng tính minh bạch, xác định chính xác các cơ sở sản xuất điện và lưới điện truyền tải cần đầu tư thêm.
Ai Cập dự định đầu tư 1,8 tỷ USD cho thăm dò khí đốt vào năm 2025
Bộ trưởng Dầu mỏ và Tài nguyên Khoáng sản Ai Cập Tarek El-Molla ngày 4/7 cho biết nước này có kế hoạch khoan 35 giếng thăm dò khí tự nhiên mới ở Địa Trung Hải và vùng đồng bằng sông Nile vào năm 2025 với tổng mức đầu tư 1,8 tỷ USD.
Ông El-Molla cho hay, theo kế hoạch, Ai Cập sẽ hoàn thành quá trình khoan 21 giếng trong năm tài chính 2023-2024 và 14 giếng còn lại trong năm tài chính 2024-2025.
Bộ trưởng El-Molla nói thêm Ai Cập đang phát triển các mỏ khí Nargis, Satis và Nour ở Địa Trung Hải; mỏ Đông Damanhour ở lưu vực châu thổ sông Nile; và các mỏ Faramid và Al Abyad tại khu vực Sa mạc phía Tây.
Uganda tìm kiếm nhà đầu tư mới cho dự án lọc dầu 4,5 tỷ USD
Bộ Năng lượng Uganda cho biết, chính phủ nước này đang tìm kiếm các nhà đầu tư mới cho dự án nhà máy lọc dầu trị giá 4,5 tỷ USD sau khi Thỏa thuận khung dự án (PFA) với liên doanh các công ty Mỹ và Italy vừa hết hạn vào ngày 30/6. Chính phủ Uganda hiện sẵn sàng nhận các đề nghị từ các nhà cung cấp vốn khu vực công để tham gia vào dự án chiến lược quốc gia và khu vực này.
Theo Bộ Năng lượng, Hiệp hội Năng lượng Albertine Graben (AGEC), bao gồm các công ty Yaatra châu Phi, Baker Hughes của Mỹ và công ty Saipem SPA của Italy dù đã đạt được những bước tiến đáng kể nhưng đã không huy động được nguồn tài chính quan trọng dự án đang tìm kiếm.
Uganda đã phát hiện ra các mỏ hydrocarbon khả thi về mặt thương mại vào năm 2006 ở vùng Albertine. Trữ lượng dầu thô hiện tại được ước tính vào khoảng 6,5 tỷ thùng. Dự án nhà máy lọc dầu dự kiến sẽ xử lý 60.000 thùng/ngày và sẽ được tài trợ thông qua tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu là 70:30, với nhiệm vụ huy động phần lớn vốn thuộc về nhà phát triển tư nhân.
![]() |
![]() |
H.T (t/h)