Nhịp đập năng lượng ngày 28/6/2023
![]() |
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn |
13 dự án năng lượng tái tạo được phát điện lên lưới
Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến hết ngày 27/6, có 70/85 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 3.852 MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó, có 59 dự án với tổng công suất 3.211,4 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá. EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 57/59 dự án, trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 51 dự án.
Ngoài ra, 19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 37 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Đặc biệt, đã có 13 nhà máy/phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 640,5 MW đã hoàn thành thủ tục COD, được phát điện thương mại lên lưới.
Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 26/6 đạt khoảng 68,6 triệu kWh. Trong đó, sản lượng điện phát trung bình ngày khoảng 3,2 triệu kWh, chiếm khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.
Thủy điện miền Bắc đảm bảo vận hành
Theo thông tin cập nhật ngày 27/6 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), phụ tải toàn hệ thống điện cả nước đạt 799,4 triệu kWh, tăng 36,4 triệu kWh so với ngày 26/6. Trong đó miền Bắc ước khoảng 365,3 triệu kWh, miền Trung khoảng 79,4 triệu kWh, miền Nam khoảng 354,1 triệu kWh.
Tổng sản lượng huy động từ thủy điện khoảng 206,7 triệu kWh, (miền Bắc là 98,3 triệu kWh); Nhiệt điện than huy động 418,7 triệu kWh (miền Bắc 248,7 triệu kWh); Turbine khí huy động 82,8 triệu kWh; Điện năng lượng tái tạo đạt 51,6 triệu kWh; Nguồn điện dầu không phải huy động.
Đáng chú ý, đại diện EVN cho biết: "Nhiều ngày qua, những cơn mưa lớn mang lại lượng nước rất quý giá cho các hồ thủy điện phía Bắc. Mực nước được cải thiện hơn khiến không còn nhà máy nào phải dừng vận hành do nước về mức nước chết".
Xuất khẩu nhiên liệu Nga lấy lại sức bật
Sau khoảng thời gian dài liên tục suy giảm, xuất khẩu nhiên liệu tinh chế của Nga đã có tín hiệu hồi phục trở lại. Xuất khẩu nhiên liệu tinh chế của Nga tiếp tục tăng trong tuần trước, tín hiệu cho thấy tốc độ xử lý dầu thô tăng đã kéo theo số lượng các lô hàng được chuyển đến cho các bên mua ở nước ngoài.
Trong tuần gần đây nhất, các chuyến hàng nhiên liệu tinh chế đã tăng thêm hơn 200.000 thùng/ngày, theo dữ liệu của công ty phân tích Vortexa. Tăng mạnh nhất trong số các sản phẩm là dầu diesel. Tổng sản lượng nhiên liệu tinh chế cao hơn 14% so với năm ngoái. Đà phục hồi diễn ra sau giai đoạn suy giảm kéo dài suốt 7 tháng, khi mà hoạt động bảo trì định kỳ cơ sở lọc dầu được tiến hành.
Nga hiện vẫn là nhà cung ứng dầu nhiên liệu hàng đầu thế giới kể cả khi đã mất đi thị trường lớn nhất của Mỹ và sau đó là châu Âu, do cuộc chiến ở Ukraine. Việc Nga chuyển hướng tới các khu vực như châu Á và Trung Đông đã giúp họ duy trì được lượng xuất khẩu. Theo dự báo, các lô hàng sẽ tăng 17% trong tháng này, lên khoảng 795.000 thùng/ngày.
Nga sắp trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc
Theo Wall Street Journal, Nga đang trên đà vượt qua Saudi Arabia để trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc. Hồi tháng 4, trong một khoảng thời gian ngắn, Nga đã vượt qua Saudi Arabia về xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc, trước khi Saudi Arabia giành lại vị trí này.
Giờ đây, vị thế của hai bên đã cân bằng trở lại. Giới phân tích cho rằng tất cả tín hiệu giờ đây đều cho thấy Nga sẽ sớm vượt lên dẫn đầu và kéo dài vị thế này trong nhiều tháng tới. Cụ thể, dầu Nga hiện chiếm khoảng 14% nguồn cung dầu của Trung Quốc, tăng từ 8,8% trước khi xung đột Ukraine nổ ra - theo công ty cung cấp dữ liệu hàng hóa Kpler. Trong khi đó, từ tháng 3-5/2023, thị phần của Saudi Arabia đã giảm xuống còn 14,5%.
Trung Quốc đang tăng cường tích trữ dầu giá rẻ của Nga để sử dụng khi nền kinh tế bắt đầu hoạt động mạnh hơn và giá tăng cao hơn. Theo công ty phân tích dữ liệu dầu mỏ Refinitiv Eikon, trong tháng 5, mỗi ngày Bắc Kinh đã bổ sung khoảng 1,77 triệu thùng vào kho dự trữ của mình - mức cao nhất kể từ tháng 7/2020.
![]() |
![]() |
H.T (t/h)
-
Mỹ dự tính áp thuế lên tới 3.521% đối với pin năng lượng mặt trời từ Đông Nam Á
-
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang định hình lại thị trường LPG toàn cầu
-
Đồng USD rơi xuống đáy 3 năm
-
Giá vàng hôm nay (22/4): Tiếp đà tăng mạnh
-
Căng thẳng địa chính trị thắng thế tình trạng u ám trên thị trường dầu mỏ