Nhịp đập năng lượng ngày 12/12/2023

19:45 | 12/12/2023

1,236 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Ả Rập Xê-út sẽ cung cấp đủ khối lượng dầu cho khách hàng Bắc Á; COP28 mở ra cánh cửa cho Nhật Bản dẫn đầu trong lĩnh vực điện hạt nhân; Nga, Iran được hưởng lợi khi mức chiết khấu dầu thô của Venezuela thu hẹp… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 12/12/2023.
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Ả Rập Xê-út sẽ cung cấp đủ khối lượng dầu cho khách hàng Bắc Á

Hãng Reuters dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, Ả Rập Xê-út sẽ cung cấp đầy đủ khối lượng theo hợp đồng cho một số khách hàng Bắc Á vào tháng tới bất chấp việc cắt giảm kéo dài. Thông báo này được đưa ra sau thông tin Aramco sẽ giảm giá dầu thô Arab Light cho các khách hàng châu Á nhưng chỉ bằng một nửa so với mức giảm dự kiến.

Tuần trước, Aramco đã hạ 0,5 USD/thùng đối với giá dầu Arab Light cho người mua châu Á lần đầu tiên sau 7 tháng. Một giám đốc điều hành nhà máy lọc dầu từ châu Á nói với Reuters vào thời điểm đó: "Ả Rập Xê-út đặt ra mức giá quá cao. Điều đó có thể khiến một số người đặt mua ít hơn và chuyển sang mua dầu thô rẻ hơn từ các nhà cung cấp khác từ thị trường giao ngay".

Các nguồn tin của Reuters cho biết khoảng 40 triệu thùng dầu thô của Ả Rập Xê-út đã được các nhà máy lọc dầu Trung Quốc ký hợp đồng cho tháng 1/2024. Con số đó giảm từ mức 46 triệu thùng trong tháng 12.

COP28 mở ra cơ hội cho Nhật Bản dẫn đầu trong lĩnh vực điện hạt nhân

Tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, hơn 20 quốc gia tại hội nghị về biến đổi khí hậu COP28 đã nhất trí đưa ra "Tuyên bố gấp 3 lần năng lượng hạt nhân vào năm 2050". Đây là một phần trong chiến lược của họ nhằm ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu.

Đây là cơ hội để Nhật Bản tham gia tích cực vào việc phát triển nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài. Đã hơn một thập kỷ không có nhà máy điện hạt nhân mới được xây dựng ở Nhật Bản. Nhu cầu cấp thiết là phải tham gia vào các dự án xây dựng ở nước ngoài để duy trì và chuyển giao công nghệ tiên tiến mà Nhật Bản đã phát triển.

Hiện chỉ có 12 trong số 33 lò phản ứng hạt nhân hiện có ở Nhật Bản đang hoạt động. Nhật Bản cần cải thiện quy trình đánh giá an toàn của Cơ quan quản lý hạt nhân để khôi phục vị thế điện hạt nhân ở Nhật Bản như một trụ cột trong số các nguồn năng lượng khử carbon.

Các nước vùng Vịnh cần thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng dựa trên thực tế

Ngày 11/12, Bộ trưởng Năng lượng các nước Ả Rập là những thành viên hàng đầu của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã nhóm họp tại thủ đô Doha của Qatar.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và các quốc gia khác ở vùng Vịnh cho rằng cần thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng dựa trên thực tế ở mỗi nước, trong bối cảnh các lựa chọn thay thế cho nhiên liệu hóa thạch vẫn chưa dồi dào.

Trong khi đó, Ả Rập Xê-út cho rằng COP28 nên đặt ra những mục tiêu về cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, chứ không phải vấn đề sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Qatar đã rời OPEC năm 2018, nhưng phần lớn lập trường của nước này tương tự các nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt khác.

Nga, Iran được hưởng lợi khi mức chiết khấu dầu thô của Venezuela thu hẹp

Hãng Reuters đưa tin, Nga và Iran có thể ghi nhận doanh thu từ dầu cao hơn khi người bán tăng giá đối với các khách hàng Trung Quốc do cạnh tranh từ việc nới lỏng tạm thời các lệnh trừng phạt đối với dầu của Venezuela.

Với việc tạm thời dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela, vẫn còn bị nghi ngờ trong bối cảnh tăng cường nỗ lực sáp nhập Essequibo giàu dầu mỏ từ Guyana, giá dầu của Venezuela đã tăng, tạo ra nhiều cạnh tranh hơn trên thị trường.

Ngoài ra, các nhà máy lọc dầu độc lập của Trung Quốc, những khách hàng lớn của dầu thô giảm giá của Nga và Iran, đang thấy giá chào cao hơn, điều này có thể mang lại doanh thu lớn hơn cho Moscow và Tehran vào năm 2024.

Hà Lan vẫn cần LNG của Moscow

Mới đây, hãng tin RIA Novosti trích dẫn dữ liệu thương mại của Hà Lan cho hay, nước này tiếp tục nhập khẩu khí đốt của Nga, bất chấp cam kết trước đó sẽ ngừng mua mặt hàng này.

Theo báo cáo, vào tháng 9/2023, quốc gia này đã nhập khẩu khoảng 211,5 triệu m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Moscow trị giá 109 triệu Euro (117 triệu USD). Điều này diễn ra sau ba tháng khi Bộ trưởng Bộ Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten tuyên bố rằng, chính phủ nước này đang nỗ lực ngừng nhập khẩu hydrocarbon của Moscow.

Trong khi Liên minh châu Âu (EU) áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga sau khi diễn ra cuộc xung đột Ukraine, khí đốt của Nga cho đến nay vẫn chưa phải là mục tiêu bị hạn chế. Theo dữ liệu của Kpler, EU tiếp tục mua khối lượng LNG kỷ lục từ Moscow trong năm nay, với số lượng đạt mức cao nhất mọi thời đại là 1,75 triệu tấn trong tháng 11.

Nhịp đập năng lượng ngày 10/12/2023Nhịp đập năng lượng ngày 10/12/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 11/12/2023Nhịp đập năng lượng ngày 11/12/2023

H.T (t/h)