Nhịp đập năng lượng ngày 11/12/2023

21:10 | 11/12/2023

1,164 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Serbia thay đổi bản đồ năng lượng của châu Âu; Qatar sẽ chiếm 40% tổng nguồn cung LNG mới vào năm 2029; Dầu diesel của Mỹ đến châu Âu nhiều hơn vào tháng 12… là những tin tức nổi bật về năng lượng ngày 11/12/2023.
Nhịp đập năng lượng ngày 11/12/2023
Ảnh minh họa: Nguyễn Trường Sơn

Serbia thay đổi bản đồ năng lượng của châu Âu

Hôm 10/12, Serbia đã hoàn thành đoạn đường ống kết nối với một đường ống ở Bulgaria, điều này sẽ cho phép quốc gia Balkan này đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt và giảm sự phụ thuộc vào Nga.

Đường ống kết nối sẽ giúp toàn bộ hệ thống vận hành từ thị trấn Novi Iskar ở Bulgaria đến thành phố Nis của Serbia, cho phép Belgrade tiếp cận khí đốt từ Azerbaijan và kho cảng LNG ở cảng Alexandroupolis của Hy Lạp. Công suất đường ống phía Serbia là 1,8 tỷ mét khối/năm, đáp ứng 60% nhu cầu khí đốt hằng năm của nước này.

Ủy ban châu Âu đã quyên góp 49,6 triệu euro (53,37 triệu USD) để xây dựng đường ống kết nối. 25 triệu euro vay từ ​​Ngân hàng Đầu tư châu Âu trong khi 22,5 triệu euro do Serbia cung cấp. Bộ trưởng Năng lượng Serbia Dubravka Djedovic Handanovic cho biết: “Với đường ống kết nối này, chúng tôi đang bảo đảm nguồn cung cấp khí đốt thay thế, ngoài khí đốt của Nga”.

Qatar sẽ chiếm 40% tổng nguồn cung LNG mới vào năm 2029

Bộ trưởng Tài chính Qatar Ali bin Ahmed al-Kuwari cho biết nước này sẽ chiếm khoảng 40% tổng nguồn cung LNG mới vào năm 2029 và ông nhấn mạnh Qatar đang cung cấp cho thế giới nguồn năng lượng hydrocarbon “sạch nhất”. Phát biểu này được đưa ra trong một phiên thảo luận tại Diễn đàn Doha vào ngày 10/12.

Bộ trưởng al-Kuwari cho biết về các khoản đầu tư mà Qatar đã thực hiện để phát triển nguồn LNG, đặc biệt là việc mở rộng North Field. Dự án này bao gồm 6 chuỗi sản xuất LNG lớn, mỗi chuỗi có công suất sản xuất 8 triệu tấn LNG mỗi năm, 4 trong số đó nằm trong dự án mở rộng North Field East (NFE) và 2 trong dự án mở rộng North Field South (NFS).

Việc mở rộng quy mô này sẽ bổ sung thêm 48 triệu tấn LNG mỗi năm vào nguồn cung cấp LNG toàn cầu. Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch hơn, ông al-Kuwari cho biết Qatar tin rằng khí đốt tự nhiên là “nhiên liệu chuyển tiếp” cho đến khi đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Dầu diesel của Mỹ đến châu Âu nhiều hơn vào tháng 12

Mỹ đang trên đà xuất khẩu dầu diesel nhiều hơn sang châu Âu trong tháng này, trong khi lượng dầu diesel nhập khẩu của Lục địa già từ châu Á và Trung Đông đã giảm tính cho tới tháng 12.

Châu Âu muốn thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu từ Nga, song nhu cầu của châu Âu đối với dầu diesel và gasoil nhập khẩu vẫn không giảm. Ước tính mức nhập khẩu sẽ tăng trong tháng này lên 290.000 thùng/ngày, theo ước tính sơ bộ của Kpler. Đây là mức nhập khẩu dầu diesel và dầu gasoil cao nhất kể từ tháng 7/2018.

Xuất khẩu dầu diesel từ Bờ Vịnh Mỹ đã tăng vọt ngay sau khi mùa bảo trì nhà máy lọc dầu kết thúc. Nhưng tình trạng ùn ứ ở Kênh đào Panama đã tạo ra điểm nghẽn cho hoạt động xuất khẩu dầu diesel của Mỹ sang Mỹ Latinh - mở ra cơ hội xuất khẩu sang châu Âu, nơi đang tìm kiếm nguồn cung bổ sung.

Báo cáo của Kpler cho biết “nguồn cung tăng do các nhà máy lọc dầu của USGC kết thúc mùa bảo trì mùa thu, trong khi đó, nhu cầu sử dụng năng lượng trong nước cũng ổn định, từ đó Mỹ có thể xuất khẩu sang châu Âu và châu Mỹ Latinh”.

Venezuela kêu gọi BP, Chevron và Shell khôi phục một dự án khí đốt ngoài khơi gần Guyana

Chính phủ Venezuela kêu gọi các công ty năng lượng trong một dự án khí đốt ngoài khơi đang bị đình trệ bắt đầu triển khai khôi phục dự án với các hoạt động thăm dò gần biên giới biển giữa Venezuela và Guyana, Reuters đưa tin hôm thứ Sáu (8/12), trích dẫn các nguồn tin ẩn danh.

Theo Reuters, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đang kêu gọi Công ty Dầu khí Nhà nước Venezuela PDVSA, cùng với Công ty Dầu khí BP (Anh), Công ty Dầu mỏ Chevron (Mỹ) và Công ty Dầu mỏ Shell (Anh) khôi phục dự án ngoài khơi Plataforma Deltana, với khoảng 8.000 tỷ feet khối trữ lượng khí đốt.

Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh Venezuela đang vướng vào xung đột tranh chấp lãnh thổ với Guyana. Theo Reuters, Bộ dầu mỏ Venezuela và PDVSA đều không trả lời yêu cầu bình luận. BP cho biết, mỏ Manakin vừa là một phần trong dự án ngoài khơi vừa là một phần quan trọng trong kế hoạch phát triển tương lai của BP.

Nhịp đập năng lượng ngày 9/12/2023Nhịp đập năng lượng ngày 9/12/2023
Nhịp đập năng lượng ngày 10/12/2023Nhịp đập năng lượng ngày 10/12/2023

H.T (t/h)