Nhật ký bác sĩ giữa làn sóng đại dịch
![]() |
Bác sĩ Nguyễn Đình Dũng xem nhật ký hàng ngày |
Từ lúc làn sóng thứ 4 dịch bệnh khởi phát vào cuối tháng 4/2021, bác sĩ Nguyễn Đình Dũng đã bắt đầu làm việc 12 tiếng mỗi ngày. Buổi sáng, ông bắt đầu làm việc từ 6h30, và cho tới tận 18h30 mời rời bệnh viện. Tối về nhà, ông tiếp tục làm việc khoảng 2 giờ đồng hồ trên máy tính để xử lý thư từ, các thông tin cần cập nhật trong công tác điều hành bệnh viện và phòng chống dịch. Thời gian làm việc mỗi ngày kéo dài, cộng thêm sự căng thẳng khi dịch bệnh leo thang, phát sinh tình huống mới cần xử lý từng giờ, đã khiến ông rất mệt mỏi. Nhưng như một chiến binh dày dạn, ông quyết tâm không để mình bị khống chế bởi cảm giác và giới hạn của sức lực, ông tiếp thêm nguồn năng lượng cho mình bằng cách thư giãn ngắm hoa, lá, quả, chụp ảnh hoa nở, hoa tàn trong khuôn viên bệnh viện, trên đường đi, hoặc khi vui đùa với các cháu ở nhà sau giờ ăn tối.
Ứng phó với đại dịch, trong bộ tiêu chí đặt ra, thì tiêu chí đầu tiên cần thực hiện rốt ráo, đó là không để Bệnh viện bị lây nhiễm thành ổ dịch. Mức báo động cao nhất được đặt ra cho toàn thể CBNV Bệnh viện, và ngoài những biện pháp phòng dịch đã thực hiện thành công, giúp bệnh viện vượt qua ba đợt dịch trước đây, thì còn những biện pháp mới hơn đã được đưa vào áp dụng, trong đó có việc đầu tư thiết bị và tổ chức khu vực xét nghiệm Covid-19 tại chỗ.
![]() |
Bác sĩ Nguyễn Đình Dũng chia sẻ thông tin với các đồng nghiệp |
Bên cạnh đó, Bệnh viện Dệt May cũng đã hỗ trợ và sát cánh cùng các doanh nghiệp dệt may trong Tập đoàn để thực hiện tốt công tác phòng dịch, kiểm tra thực địa, tư vấn chuyên môn và thông tin, nhằm giúp cho việc vừa sản xuất, vừa chống dịch hiệu quả tại doanh nghiệp. Bác sĩ Nguyễn Đình Dũng cũng đã nhận chỉ đạo của Tổng Giám đốc Tập đoàn để phối hợp với Văn phòng, Ban Quản lý nguồn nhân lực của Tập đoàn, tìm nguồn vắc xin để tiêm cho toàn bộ CBNV y tế Bệnh viện, cũng như các nhân sự của Tập đoàn trong nhóm đối tượng cần tiêm phòng vắc xin trong thời gian sớm nhất theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhật ký của vị bác sĩ, giám đốc Bệnh viện Dệt May cũng chỉ ra mối lo lớn của người quản lý. Đó là trong thời gian dịch bệnh leo thang, số bệnh nhân đến bệnh viện đã giảm đi một nửa. Với những bệnh không phải cấp tính, thì bệnh nhân tạm tránh đến bệnh viện điều trị trong thời điểm có Covid-19, bởi ai cũng biết đây là nơi nguy hiểm, rủi ro cao. Nhưng nếu cứ để tình trạng như vậy, nghĩa là bài toán cân bằng của bệnh viện không giải được. Bác sĩ Dũng đã bàn bạc với đội ngũ y bác sĩ phương pháp xử lý vấn đề, và thống nhất đưa ra cách giải quyết, đó là thực hiện dịch vụ bác sĩ gia đình, khám chữa bệnh tại nhà. Khi bệnh nhân không đến bệnh viện được, thì bác sĩ sẽ đến với bệnh nhân. Quy trình điều trị tại nhà phải đảm bảo sự an toàn tuyệt đối và không thực hiện các thủ thuật đòi hỏi các phương tiện và kỹ thuật cao.
Khâu vệ sinh phòng dịch là một việc hàng ngày, luôn có trong nhật ký của bác sĩ và phải thực hiện kỹ lưỡng, tỉ mỉ, chu toàn. Phun khử khuẩn, lau chùi thiết bị, đồ dùng, khẩu trang, đo thân nhiệt, tổ chức lại giường bệnh, khu vực khám bệnh giữ khoảng cách an toàn, tích trữ vật tư y tế dự phòng, khu vực cách ly khi có trường hợp nhiễm bệnh… ngay khi các bệnh nhân nội trú chuyển đi, thì phải làm sạch khu vực bệnh nhân từng ở. Bên cạnh đó, ngay khi phát hiện ra có trường hợp F1 tới khám bệnh, thì lập tức các y, bác sĩ, nhân viên thuộc diện F2 phải thực hiện cách ly, làm việc tại nhà và báo cáo thường xuyên tình hình sức khỏe. Ổ dịch tiềm tàng nguy cơ phải được xử lý triệt để và kiểm tra chặt chẽ các trường hợp tiếp xúc, có khả năng là F3, F4, để theo dõi phòng ngừa.
![]() |
Trong phòng xét nghiệm Bệnh viện Dệt May |
Những cuộc tập huấn chuyên môn cho đội ngũ y bác sĩ sẵn sàng phục vụ khám chữa bệnh được tổ chức sao cho đảm bảo an toàn, những cuộc họp liên tục để chỉ đạo phương pháp mới, tình hình mới được thực hiện bất kể thời gian nào để triển khai nhiệm vụ tức thời. Nhiều kịch bản được đặt ra để lường trước và tính toán phương án ứng phó, trong đó có những khó khăn như thiếu nhân lực do phải cách ly, thậm chí là phải đóng cửa bệnh viện. Trước mắt, toàn đội ngũ đang căng mình “chiến đấu”, cố gắng cầm cự đến hết tháng 6/2021.
Hiện giờ, giải pháp “dời bệnh viện về nhà” là cách giải bài toán tốt nhất trong ngắn hạn khi lượng bệnh nhân đến bệnh viện suy giảm. Trong trường hợp tiên lượng xấu, việc kiểm soát dịch kéo dài và nhiều thách thức hơn, số ca nhiễm trong toàn quốc không giảm, lượng vắc xin không đáp ứng đủ nhu cầu, thì Bệnh viện Dệt May muốn tồn tại được, cần phải sáng tạo một chiến lược lâu dài ứng phó với tình trạng sống chung với đại dịch.
Những dòng nhật ký của bác sĩ còn tiếp tục, mỗi con chữ là một mối lo, và mỗi dòng chữ là một nhiệm vụ mà để triển khai nó, cũng lấy đi bao thời gian, mồ hôi và năng lượng làm việc của đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Dệt May. Bác sĩ Dũng cũng đang gấp rút hoàn thành tài liệu hỗ trợ cho các lãnh đạo doanh nghiệp dệt may trong phương pháp phòng chống Covid-19 lâu dài.
Trong thư động viên các y, bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Dệt May, Tổng Giám đốc Vinatex Đặng Vũ Hùng đã viết: “Tôi đánh giá cao và biết ơn đội ngũ các bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện Dệt May đã nỗ lực hết mình để bệnh viện an toàn trong ba làn sóng dịch Covid 19 trước đây. Mong rằng, trong làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 này, toàn thể anh chị em đội ngũ Bệnh viện Dệt May sẽ tiếp tục vững vàng, bản lĩnh và sáng tạo trong phương pháp chống dịch, để giữ được an toàn cho chính mình, đảm bảo năng lực chữa bệnh ngay trong thời gian giãn cách xã hội cũng như sự phát triển không ngừng của bệnh viện”.
Kiều Bích Hậu
-
[VIDEO] Ngắm tượng Phật Quan âm cao nhất Đông Nam Á tại Quảng Ngãi
-
Những địa phương ở Quảng Nam và Quảng Ngãi không thay đổi địa giới hành chính
-
Khai mạc chuỗi sự kiện chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
-
Công bố kết quả PAR Index 2024: Hải Phòng dẫn đầu cả nước, toàn quốc duy trì đà tăng
-
Thông xe 20km cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu: Bước đột phá trong kết nối hạ tầng vùng Đông Nam Bộ
- [VIDEO] Ngắm tượng Phật Quan âm cao nhất Đông Nam Á tại Quảng Ngãi
- Tử vi tuần mới (14-20/4/2025): Tuổi Hợi vận may tài lộc, tuổi Sửu cơ hội thăng tiến
- Tử vi tuần mới (7-13/4/2025): Tuổi Mùi hạnh phúc vẹn tròn, tuổi Mão công danh sáng rõ
- Tử vi tháng 4/2025: Tuổi Ngọ sự nghiệp khởi sắc, tuổi Thân vượng vận đào hoa
- Tử vi tuần mới (31/3-6/4/2025): Tuổi Tý tài lộc vượng phát, tuổi Dậu quý nhân trợ vận
- Tử vi tuần mới (24-30/3/2025): Tuổi Sửu nỗ lực không ngừng, tuổi Dần tài lộc bội thu
- Việt Nam tăng hạng vượt bậc về chỉ số hạnh phúc
- Tử vi tuần mới (17-23/3/2025): Tuổi Thân tài chính khởi sắc, tuổi Dậu sự nghiệp thuận lợi