Nhân sự kiện Thành Nhà Hồ đón nhận danh hiệu Di sản Thế giới: Thử góp tí ti việc minh oan cho Hồ Quý Ly

08:54 | 14/06/2012

1,070 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
UNESCO công nhận Di tích Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa nhân loại có lẽ cũng là một cách tôn vinh và phần nữa minh oan cho nhà cách mạng Hồ Quý Ly, vị hoàng đế có "nhiệm kỳ" ngắn ngủi nhất của lịch sử Đại Việt.

Bao nhiêu là những định kiến nặng nề về việc hà khắc dựng xây thành quách cùng những cải cách kinh tế xã hội và học thuật này khác với vị vua này đã nhẹ nhõm sáng tỏ đi nhiều lắm! Hậu thế Đại Việt dường như thở phào kiểu Hồ Quý Ly công bảy tội ba vậy?

Người viết bài này cũng làm cái việc tát nước theo mưa mạo muội góp tí ti việc minh oan ấy bằng câu chuyện nàng Bình Khương…

Nàng Bình Khương có chồng là Trần Cống Sĩ một viên quan trong nhiều quan chức được Hồ Quý Ly giao trọng trách đốc thúc thi công Thành Hồ (một công trình mà đến bây giờ chính UNESCO vẫn cho là bí ẩn về quy mô cung cách thi công vỏn vẹn chỉ có 3 tháng như chính sử Đại Việt đã khẳng định). Tiến độ thi công gấp rút nghiêm ngặt là thế nhưng đoạn thành phía đông cứ xây gần xong lại bị sụt. Oái oăm phần tường thành ấy lại do đốc công Trần Cống Sĩ đảm nhận. Cáu tiết Hồ Quý Ly ra lệnh chôn sống Trần Cống Sĩ vào chính đoạn thành đó!

Một góc Thành nhà Hồ (ảnh: Xuân Ba)

Hay tin dữ, nàng Bình Khương tức tốc lên mặt thành. Nàng đập tay dập đầu lên thành đá vật vã khóc lóc kêu chồng thảm thiết. Bao ngày đêm như thế nàng không ăn không uống rồi lịm chết theo chồng. Đoạn tường thành đá mà nàng đập tay đập đầu đã võng xuống thành hình một bàn tay và hình một cái đầu. Đoạn đá oan khiên ấy đã được hậu thế cắt ra, hiện trưng trong hậu cung đền thờ nàng Bình Khương phía cửa Đông Thành Hồ. Đền nàng Bình Khương lúc nào cũng bốn mùa hương khói!

Có lẽ cũng chả nên đôi hồi cùng rành rẽ rằng, bao nhiêu phần trăm sự thật trong huyền tích và huyền sử nàng Bình Khương! Dân gian xứ ta cũng như xứ người, thường làm rất đạt cái việc thăng hoa dù chỉ tí ti sự thật thành những motip bi kịch để chỉ trích ngầm các chế độ, các nhà cầm quyền cai trị hà khắc coi thường tính mạng vắt kiệt sức dân! Bên Trung Hoa có tích dân gian nàng Mạnh Khương khóc đổ vạn Lý Trường Thành một thời dựng thành kinh kịch, phim ảnh hẳn hoi. Thời Tần Thủy Hoàng, nàng Mạnh Khương có chồng mới cưới là Hỷ Lương bị bắt đi xây Trường Thành vạn lý. Nàng đan áo ấm cho chồng đợi mãi không thấy chồng về. Nàng đem áo mới đan lặn lội đến công trường xây thành tìm chồng. Tìm mãi không thấy chồng, nàng khóc 3 ngày 3 đêm, tiếng khóc nàng vang xa 800 dặm. Nước mắt khóc chồng ba ngày ba đêm ấy đã làm sụt cả một đoạn thành đá khiến lộ ra xác chồng… Theo motip ấy, xứ mình có huyền tích tức tưởi nàng Bình Khương khóc chồng bỏ xác khi xây Thành Hồ. Chỉ mỗi huyền tích ấy thôi nhưng dường như dằng dặc bao năm, một góc công nghiệp của ông vua Hồ Quý Ly cũng bị u ám lây thì phải? Am nhỏ thờ nàng nay đã là một cái đền khang trang, Ban Quản lý Di sản cử hẳn hai người trông nom. Đền nàng Bình Khương nghiễm nhiên là một thứ vệ tinh của Thành Hồ. Đến Thành Hồ chưa đến thắp hương đền nàng Bình Khương và đền thờ Trần Khát Chân là một khiếm khuyết. Cả hai nhân vật ấy đều bỏ mình bởi Hồ Quý Ly. Lạ cái, hiện Thành Hồ và những khu vực phụ cận tịnh chẳng tìm ra một cái đền dẫu am cũng không để thờ Hồ Quý Ly!?

Đền nàng Bình Khương cắm thẳng và ăn lẹm vào đoạn tường đá phía đông Thành Hồ ngay chính nơi nàng từng vật vã khóc than. Ngay sau đền là mộ Trần Cống Sĩ. Có người bảo cảnh trí như vậy là chuế, là thất cách nhưng tôi thấy dân mình hơi bị có lý! Có lý như đền nàng Bình Khương như một vế đối hơi bị thất cách với lừng lững Thành Hồ. Như một dấu lặng trong bản đại hợp xướng Thành Hồ. Như một bi ca trong khúc tráng ca Thành Hồ. Và đã bao đời người ta vẫn coi đây là một thông điệp tố cáo?

Nhưng bệt xuống nền gạch mát lạnh của ngôi đền nàng Bình Khương, tôi lại nghĩ hơi khác. Ngắm ngó đã no con mắt đoạn tường Thành Hồ mạn Đông đương bị võng xuống do lún sụt tôi cũng gật gù theo sự đồng thuận của giới khoa học rằng, khu vực phía đông Thành Hồ địa chất không ổn định. Rằng, vùng này có những vụng nước ngầm rất lớn ngay ở phía dưới. Rằng khu vực Thành Hồ nằm giữa 2 con sông, sông Mã và sông Bưởi (một chi lưu của sông Mã) nên có hiện tượng đó. Kết luận ấy của hậu thế đã bắt được mạch bắt ra cái bệnh nôn nóng cáu tiết của Hồ Quý Ly rằng sao đoạn tường thành phía đông cứ chất đá lên lại sụt? Chao ôi trọng lượng của hàng ngàn tấn đá ép xuống một cái nền mong manh võng vãnh ấy sao không lún, không sụt? Nhưng Hồ Quý Ly khi ấy ngờ đốc công Trần Cống Sĩ có mưu đồ chi ấy để trì hoãn việc đắp thành? Và chắc sau cú chôn sống vị đốc công ấy, dám chắc đoạn thành ấy vẫn cứ võng xuống. Võng ít, võng nhiều và võng cho đến tận bây giờ? Nhưng may thay không sụt hẳn.

Anh từ coi đền trong sắc phục bảo vệ mũ mão nghiêm chỉnh trỏ cho tôi cái ao con con mé phải đền rằng, dẫu nắng to hay hạn hán thế nào cũng không bao giờ cạn nước cả! Anh từ này chả có vẻ mặt bí hiểm của những người trông coi di tích mà toạc ngay cái duyên do không phải nước từ mấy cái hồ trong thành thông sang mà là có mạch nước ngầm bên dưới. Nhà bên đền từng khoan giếng được độ 7m, dừng nghỉ uống nước, khi trở ra thấy cần khoan tụt đâu mất.

…Vẫn mạch nghĩ khác ấy, chợt thấy hậu thế đã làm cái việc hơi bị kém công bằng là suy diễn! Rằng Hồ Quý Ly đã làm một việc nhất cử lưỡng tiện. Vừa trị được cái tội bất tuân thượng lệnh, vừa trừ được mầm họa luyến nhớ chế độ cũ, muốn khôi phục nhà Trần của một số tướng sĩ. Bằng cớ là viên đốc công Trần Cống Sĩ họ Trần. Chôn sống Trần Cống Sĩ, kẻ nào luyến nhớ nhà Trần thì hãy trông đấy!

Hồ Quý Ly có thể nói là bậc gian hùng, một bộ óc kỳ tài! Kỳ tài việc xây Thành Hồ. Những tài lạ đi trước thời đại về kỹ năng xây cất xây dựng ra còn vượt thời về những cải cách KTXH về nghiên cứu học thuật tiến bộ mang tính cách mạng sâu sắc mà hậu thế đã và đang đánh giá định bàn! Nhưng nhà cải cách đó, dẫu cách tân vẫn là con người của thời ấy, của một thế kỷ vẫn còn váng vất còn u minh giữa mông muội với văn minh! Vậy nên tôi nghiêng hẳn về ý kiến đã từng cho rằng, ông vua Hồ Quý Ly cho chôn sống viên đốc công họ Trần chỉ đơn thuần làm cái việc hiến sinh hiến tế mà thôi!

Đền thờ nàng Bình Khương

Sau Hồ Quý Ly, chúng ta có Bình Định Vương Lê Lợi. Thời gian khó mười năm nằm gai nếm mật trải bao nguy khốn đánh giặc Minh, khi kéo quân vào đánh thành Nghệ An, dừng nghỉ ở một ngôi đền. Bình Định Vương đêm ấy chiêm bao thấy thần Đền xin một người thiếp thì sẽ giúp đánh thắng trận này. Tỉnh dậy Lê Lợi kể lại chuyện. Một người thiếp bước ra tình nguyện. Đó là bà Phạm Thị Ngọc Trần. Bỏ lại đứa con còn nhỏ là Lê Nguyên Long (sau này là vua Lê Thái Tông) bà thản nhiên nhận lấy một vuông lụa trắng và lui vào hậu cung của Đền để thắt cổ. Lý giải ra sao trước sự kiện bi thảm ấy? Chắc gì Bình Định Vương đã có giấc mơ kia? Hay nhãn quan hiến sinh hiến tế của người Việt đã ám vào bao người chẳng chừa cả người thông minh quyết đoán như Lê Lợi? Có lẽ sự kiện ấy về sau này đã giúp cho Nguyễn Trãi (nói thay cho Lê Lợi) thăng hoa thành câu trong Bình Ngô Đại Cáo: Âu cũng nhờ trời đất tổ tông linh thiêng ngầm giúp mới được như vậy!

Tập tục hiến sinh hiến tế xuất hiện ở xứ mình từ thời nào vậy? Chắc có từ thuở xửa xưa hồng hoang? Người ta tin rằng việc hiến tế là để yên lòng các bậc thánh thần ma quỷ để các đấng ấy phù hộ cho dân yên lành cho nhà cửa, công trình mồ mả yên ổn. Dịp khai quật sông Tô Lịch, người ta phát hiện ra nhiều hài cốt cùng nhiều đồ tùy táng cổ. Phỏng đoán đây là vết tích hiến sinh hiến tế thời gian xây dựng Thành Đại La của Đại Việt?

Sau Lê Lợi là ông cháu đích tôn Lê Thánh Tông, một minh quân Đại Việt. Mẫn tiệp tài năng là thế nhưng lần ấy qua sông Thiên Đức, thuyền cứ trì ra không nhích được chút nào. Chúng bèn tâu phải giết nghé tơ trắng ném xuống thì Hà Bá mới cho đi. Bèn làm theo thì thuyền lại thuận buồm xuôi gió.

Chả cứ xứ ta mà trước ta cả bên trời tây cũng chán vạn những chuyện hiến sinh hiến tế. Vừa rồi điểm khảo cổ ở thành Lạc Dương, Trung Quốc, người ta phát hiện ra hàng chục bộ hài cốt người trong tư thế không bình thường, hậu quả của một việc hiến sinh hiến tế có lẽ là cổ nhất cách nay những 2700 năm. Đó là thời Tây Chu (1100-771) TCN. Gần hơn là những cuộc hiến tế của người da đỏ ở châu Mỹ. Rùng rợn là những cuộc hiến tế đẫm máu. Người Maya, một trong những tộc người có một nền văn minh rực rỡ nhưng cũng đầy bí ẩn mà bây giờ khoa học hiện đại có nhiều điều bó tay! Họ có một niềm tin vững chắc rằng, mặt trời sẽ tàn lụi theo thời gian. Muốn giữ mãi ánh sáng, nguồn năng lượng quý giá để con người phát triển mùa màng và sự sống sinh sôi, bộ tộc ấy dùng tim người để hiến tế. Có lẽ nhiều người đã được coi một bộ phim mô phỏng lại tập tục ấy. Đại để một nô lệ được dẫn vòng vèo quanh một tháp thờ. Một pháp sư dẫn người đó lên đỉnh tháp. Nô lệ được đặt trên một cái bàn tế, hai tay hai chân bị trói chặt. Pháp sư, bằng một động thái thành thục điêu luyện rạch một đường từ ngực xuống bụng. Nhoáng cái đã nâng gọn quả tim ra đặt lên đĩa. Cầm quả tim còn thoi thóp ấy lên, pháp sư bắt đầu hành lễ!

Rồi miên man dằng dặc các cuộc hiến tế của người Hinđi thờ Thần Lửa, nghĩa là thiêu sống người.

Vết tích tay và đầu nàng Bình Khương trên đá hiện thờ trong đền

Vật hiến tế thường là người và vật. Xứ mình hiếm chuyện dùng người mà lấy vật thay thế (Chuyện ông Dầu bà Dầu tình nguyện nộp mình cho Hà Bá để giữ yên ổn cho cả vùng khỏi lụt lội trong truyện cổ tích chắc chắn cũng phải phản ánh một dấu vết mong manh của sự thật ở một thời kỳ nào đó?) Dùng trâu trắng trâu non để tế, rồi tục đâm trâu phải chăng là biến thái của hình thức hiến tế để mong cho người yên vật thịnh? Ở xứ cư dân nông nghiệp trâu là vật gắn bó với người và sông nước, có thể lấy trâu làm vật hiến sinh cho thủy thần. Triều đình Lê sơ khi tế cáo trời đất thường giết trâu trắng.

Tôi mạo muội nghĩ rằng, tập tục cúng bái cúng tế giỗ chạp bây giờ, nhỏ thì giết gà, lớn thì lợn, lớn nữa thì trâu bò phải chăng cũng là biến thái của cái "gien” của tập tục hiến sinh hiến tế đã lặn đã truyền vào người xứ mình từ những thuở xa xưa? Tôi có quen với một ông thầy cúng, một nhà ngoại cảm thì đúng hơn. Ông nghiên cứu rất sâu về đạo Phật. Riêng về khoản cúng tế, ông khuyên rằng phàm giỗ chạp khi cúng thường bắt đầu từ 12 giờ đêm. Vật chỉ là trầu rượu chén nước lã hương hoa. Chủ nhân lên hương, thời khắc thanh tịnh giao hòa âm dương ấy, chủ nhân thành tâm khấn vái tuyệt trên bàn thờ không thịt thà tóm lại không sát sinh. Còn ngày mai anh em họ hàng bạn hữu họp mặt muốn đánh chén, thịt con gì thì tùy! Hỏi sao thì ông bảo không sát sinh để tránh nặng thêm căn của người đã khuất (?) rằng căn cốt của việc cúng tế giỗ chạp là tưởng nhớ và làm nhẹ căn là hóa giải cho người đã khuất!

Trở lại với ngôi đền nàng Bình Khương cùng ngôi mộ Trần Cống Sĩ được mai táng ngay trên mặt tường phía đông Thành Hồ. Trước hiện trạng đoạn thành cứ đắp cứ xây lên lại sụt, trong khi việc dời đô rất kíp. Kíp lên ngôi để chính danh việc điều hành quản trị đất nước với quốc hiệu Đại Ngu. Kíp, gấp gáp bởi việc giặc Minh trong thời điểm ấy mấy lần lăm le vượt biên cương ải Bắc, những ngọn hỏa hiệu vùng biên ải mấy lần đã báo khói, báo cháy vv… Thì Hồ Quý Ly, với động thái chôn sống Trần Cống Sĩ, chẳng phải để cho hả một cơn nóng giận và động cơ diệt trừ mầm mống hậu họa luyến nhớ nhà Trần như nhiều người suy diễn mà đơn giản chỉ là động thái của một cuộc hiến sinh hiến tế mà thôi!

Sau động thái hiến sinh hiến tế như một kiểu yểm long mạch trấn ma quỷ cầu an Thánh thần thổ địa việc xây thành, quả đoạn thành phía đông không bị sụt nữa! Có lẽ nó vẫn sụt vẫn lún nhưng không quan sát được bằng mắt thường. Mà trùng hợp thời điểm ấy, những khối đá đã cất đã chất lên trước đó trên vùng đất yếu phía đông thành ấy đã đủ tải đã chịu tải như thuật ngữ ngành xây dựng bây giờ ta vẫn dùng! Thiêng thay hay là may thay!

Trước lúc rời đền thiêng, tôi kính cẩn dâng thêm tuần hương nữa trước Nhị Vị Thần Thành Hoàng Thành Hồ. Nhị vị Thành Hoàng chứ sao? Ta vẫn thờ các vị thần thành hoàng để ngài trấn giữ yên ổn cho một làng, một xã, một tổng một công trình nào đó. Gương tuẫn tiết của đôi vợ chồng nàng Bình Khương (dẫu là thương thay dẫu là bất đắc dĩ nhưng bất kỳ việc hy sinh nào phụng sự cho sự an lành cho cộng đồng cũng đều đáng quý là cao cả!) để giữ yên việc xây Thành Hồ. Và bắt đầu từ thời điểm đó dằng dặc đến bây giờ, 600 năm có lẻ, vợ chồng nàng Bình Khương, đôi thần thành hoàng Thành Hồ đã coi sóc hộ vệ ngôi thành đá duy nhất Đông Nam châu Á (tuy có sứt sẹo hư tổn không đáng kể) để hậu thế Đại Việt cùng UNESCO hôm nay tôn vinh là Di sản của nhân loại!

Công ấy thực lớn thay!

Tháng 4 nhuận năm Thìn
Ghi chép của
Xuân Ba
(Năng lượng Mới số 128, ra thứ Ba ngày 12/6/2012)

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps