Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh: Không muốn xem giải trí, thì hãy chuyển kênh

12:05 | 21/04/2015

1,816 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhà đài hiện giờ có rất nhiều kênh, chương trình cũng phong phú. Muốn xem giải trí cũng có, chính luận, thời sự cũng nhiều. Sự lựa chọn là tùy thuộc khán giả. Vậy nên, bạn đừng kêu ca mà hãy chuyển kênh nếu không muốn xem truyền hình thực tế.

- Giữ vai trò giám đốc âm nhạc, giám khảo trong nhiều chương trình, anh nghĩ  thế nào về truyền hình thực tế (THTT)?

Sẽ hơi phiến diện nếu để tôi tự nói về mình. Thực tế sự phát triển của truyền hình trong mấy năm nay quá nhanh. Cách đây 10 năm, truyền hình chủ yếu chỉ có những gameshow bình thường do nhà đài tự nghĩ ra, mang tính bộc phát không có cơ sở và sự tính toán về chiêu trò. Nhưng chỉ khoảng 5-7 năm trở lại đây, nó phát triển rầm rộ. Điều này cũng là tất yếu thôi. Và chắc chắn chỉ trong vòng 5 năm nữa, sẽ lại thay đổi theo chiều hướng khác. Có thể sẽ thiên về truyền hình tương tác nhiều hơn là THTT như hiện nay.

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh

Vậy theo anh THTT hiện tại đang phát triển theo hướng nào?

Chúng ta phải nhìn nhận một cách đúng đắn rằng nó phát triển theo chiều hướng tích cực là chính. Một số chương trình có vài scandal hay chuyện này nọ, đó là những thiếu sót khó tránh được nhưng phải khẳng định là chỉ mang tính cá nhân chứ không phải hệ thống. Không hiếm những chương trình mang ý nghĩa xã hội rất lớn.

Liên quan đến tài năng nghệ thuật, chúng ta có thể nhìn thấy, cách đây hơn 10 năm lứa các nghệ sỹ tham gia chương trình “Sao mai điểm hẹn” đã rất thành công và có đóng góp nhất định cho thị trường âm nhạc, như Tùng Dương, Thùy Linh, Hương Giang... Sau đó theo xu hướng buộc phải thay đổi, những chương trình mua bản quyền nước ngoài đã du nhập vào và làm nên bộ mặt của THTT hiện nay.

Có thể nói Việt Nam là một đất nước kinh tế phát triển chưa đến đâu nhưng lại yêu ca hát và bóng đá nhất thế giới nên không thiếu một chương trình THTT tìm kiếm tài năng nào hay ở trên thế giới mà Việt Nam lại không có hết. Tôi nghĩ chúng ta khoan hãy bàn về chuyện hay dở, mà thường mọi người hay thắc mắc nhiều chương trình quá thì lấy đâu ra thí sinh tài năng… Cái gì cũng có hai mặt. Nhìn ngược lại nếu không có những chương trình như vậy, các bạn trẻ lấy đâu ra cơ hội cọ xát? Kể cả có thể sân chơi này bạn ấy thua và rồi lại trở về học hành rồi thi một chương trình khác. Như Uyên Linh, tôi là người loại cô ấy ở Vietnam Idol năm đầu nhưng năm sau cô ấy đã thành công và dành vị trí quán quân.

Các chương trình cũng góp phần định hướng khán giả khá nhiều đấy chứ. Ở các cuộc thi lựa chọn, những người làm nghề chuyên môn như tôi cũng sẽ mang tính định hướng vì đương nhiên trên sóng truyền hình không thể trình diễn những thứ vớ vẩn, nhố nhăng được.

- Nói như vậy là sau mỗi chương trình truyền hình thực tế cái được của thí sinh là rất nhiều?

Nói chung chỉ có được chứ không hề mất, kể cả với những thí sinh không đạt giải. Nghề nào cũng thế, học chỉ là một phần, còn phải “hành” nữa chứ. Không phải ai cũng có cơ hội được đứng trên sân khấu và mỗi lần họ được đứng trên sân khấu là một lần họ tự rút ra kinh nghiệm cho mình rất nhiều. Đó là điều được nhất của các thí sinh tham gia cuộc thi.

Thế hệ của chúng tôi ngày trước nhiều người chỉ mong, mơ được lên truyền hình, sân khấu hát hàng đêm là đã thấy mãn nguyện. Giờ đây THTT mở ra cho các em cơ hội lớn, không phân biệt sang, hèn. Đứng ở góc độ của người làm nghệ thuật tôi thấy đây là một điều tốt.

- Về chuyện lùm xùm sắp xếp giải của các chương trình THTT, anh thấy điều đó có hay không?

- Tôi chỉ nói điều đơn giản mà ai cũng có thể tự suy luận được, đó là, khi nhà sản xuất đầu tư một chương trình như vậy, chả có ai điên mà tạo dư luận bất lợi cho sản phẩm của mình. Bao giờ họ cũng mong muốn chương trình thành công. Thành công về hiệu ứng xã hội là điều tiên quyết, thứ hai là trong các chương trình kể cả chương trình nghệ thuật vẫn phải mang tính định hướng. Tất cả những tính toán của nhà tổ chức phải luôn mang đến cái lợi đầu tiên  cho khán giả. Nếu nói đến việc sắp xếp thì động cơ của việc đấy là gì? Thí sinh nhà giàu, có đủ tiền để đút lót à?

Thực ra nếu dùng từ chương trình được biên tập là đúng nhưng nói dàn xếp để thế nọ thế kia thì hoàn toàn sai

PV: Thế còn  scandal thì  sao, thưa nhạc sĩ?

Tôi cũng là người chứng kiến nhiều scandal. Khi có chuyện tương tự như vậy xảy ra kéo theo tất cả mọi người trong công ty phải đứng ra giải quyết vụ việc. Lúc đó mọi người đều thực sự rất lo lắng, mệt mỏi. Nên tôi nghĩ chuyện đó chả ai mong muốn cả. Làm những chuyện vớ vẩn để đạt được mục đích gì?

Một công ty truyền thông để sống lâu dài họ không thể sống theo kiểu chụp giật, ăn xổi, làm bất cứ vấn đề gì cũng phải có chiến lược, bài bản. Sự cạnh tranh trên thị trường rất khắc nghiệt, thế nên nếu nói đến scandal thì phải hỏi các trang web, báo, đài… Chính họ, đôi khi vì sự thiếu hiểu biết, vì cách làm việc chụp giật đã vô tình tạo ra những thiệt hại về mặt hình ảnh cho các công ty do các scandal ngoài ý muốn.

-  Nhưng nhiều người cho rằng những scandal này phần lớn bắt nguồn từ các ê-kíp sản xuất chương trình khi muốn có độ “hot”?

Tôi không nghĩ vậy. Có những chuyện mình có thể tạo ra chẳng hạn thí sinh này nhà rất nghèo, thí sinh kia nỗ lực... Nhưng có những trường hợp không kiểm tra chuẩn được hết nhân thân… nên mới có chuyện này nọ. Rõ ràng người thiệt cuối cùng là các công ty chứ ai.

Tuy nhiên bản thân tôi cũng không dám khẳng định hoàn toàn không có, nhưng giả sử nếu có cũng rất ít và chỉ là con sâu làm rầu nồi canh mà thôi.

Chương trình "Vì bạn xứng đáng"

- Hiện nay anh có thấy rằng các sóng đài truyền hình, từ địa phương đến Trung ương có quá nhiều các chương trình THTT không?

Nhiều chứ nhưng vẫn chẳng bao giờ là đủ. Nếu đóng vai trò ở những người theo dõi tất cả chương trình họ sẽ có những cảm xúc riêng. Tuy nhiên còn rất nhiều người như tôi, đâu có thời gian ngồi nhà xem và phán chương trình này dở, hay mà đơn giản là chương trình giải trí.

- Quan trọng là THTT thường chiếm khung giờ lý tưởng và điều đó vô hình trung khiến khán giả thấy ngợp?

Nhà đài hiện giờ có rất nhiều kênh, chương trình cũng phong phú. Muốn xem giải trí cũng có, chính luận, thời sự cũng nhiều. Sự lựa chọn là tùy thuộc khán giả. Tuy mỗi đài có một chiến lược phát triển khác nhau nhưng thực sự rất phong phú về mảng miếng. Cái quan trọng là bản thân mình muốn xem gì thôi.

Thực lòng tôi nghĩ nhiều lúc mọi người cũng hơi thái quá đối với các chương tình THTT, có không ít các chương trình cũng đầy tính nhân văn, đáng khen ngợi. Phải nhìn, nhận đánh giá một cách khách quan. Đừng nên vì một vài chương trình, một vài scandal được thổi phồng, quy kết mà có cái nhìn quy chụp. Nếu có thể thì nhà đài nên có định hướng hoặc thảo luận với các công ty lớn bên cạnh những chương trình giải trí có lợi nhuận cao thì cũng nên sản xuất các chương trình có tính giáo dục thiết thực…

Thanh Huyền (theo Năng lượng Mới)