Nhà thơ Xuân Tâm: Mang tâm hồn thơ về bên kia thế giới

10:44 | 15/02/2012

2,313 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thế là cuối cùng, người mà nhà phê bình Hoài Thanh gọi là “người mến tình yêu, ghét dục vọng” – nhà thơ Xuân Tâm, chứng nhân cuối cùng của phong trào “Thơ mới” đã qua đời. Xuân Tâm đã sống một đời với suy nghĩ rằng “giữ được tâm hồn thơ quan trọng hơn viết ra những bài thơ”. Ông ra đi ở tuổi 97.

Người có lúc bị lãng quên

Nhà thơ Xuân Tâm (1916), tác giả của bài thơ “Nghỉ hè” từng làm nức lòng bao thế hệ học trò những năm 50 – 70 sau này không được nhắc đến nhiều như Tế Hanh, Xuân Diệu, Huy Cận… Không phải vì thơ ông không còn bài nào đáng đọc mà vì ông đã quyết định rẽ sang một con đường riêng. Sau khi tập thơ “Lời tim non” (XB 1941) được Hoài Thanh chọn giới thiệu trong “Thi nhân Việt Nam”, Xuân Tâm đã chuyển sang làm công chức (Giám đốc Sở Ngân khố Liên khu 5, rồi làm cán bộ tại Ủy ban Kế hoạch Nhà nước) sống với những con số.

Nhà thơ Xuân Tâm

Nhưng ngay khi nghỉ hưu, ông đã trở lại với “nàng thơ” với những bài thơ sau này được in trong tập “Dòng thời gian” (1990). Tập thơ được nhà thơ Tế Hanh nhận định: “thực tế cho thấy Xuân Tâm giữ được chỗ đứng của mình trong nền thơ hiện đại Việt Nam”. Không lâu sau đó, năm 1999 ông cho xuất bản 36.000 bản Le Cid”, cuốn bi hài kịch của Pierre Corneilie ra thơ lục bát. Khi tác phẩm ra đời, ông đã nhận được thư chúc mừng của Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân.

Xuân Tâm đến với thơ rất tự nhiên, bắt đầu từ những giây phút đầu tiên đến Huế, cảnh sắc nơi đây làm cậu học trò xứ Quảng “xao xác tâm hồn”. Những bài thơ nảy ra khi ông sống giữa đất trời mộng mơ xứ Huế, khi trong mình đã nặng hành trang một mối tình với người nữ sinh Đồng Khánh Huế. Người con gái ấy ông bảo đã gắn bó với ông hơn 70 năm và mối tình ấy vẫn đẹp như những bài thơ ông viết từ thời trai trẻ.

Chỉ còn thơ trong nỗi nhớ

Tôi còn nhớ cách đây 4 năm, vào một ngày thu tháng Tám, tôi đến thăm ông trong ngôi nhà nhỏ nằm ở một góc phố bình yên của Hà Nội. Khi đó, ông kể, ông đã ba năm chưa ra ngoài phố và đã quên nhiều thứ lắm, nhưng khi tôi nhắc đến những người bạn thơ, đến những bài thơ của ông và bè bạn thì vóc dáng nhỏ bé của ông như sinh động hẳn lên. Trong buổi chiều ấy, ông đã nhắc đến nhiều kỷ niệm với những người bạn thơ thủa đương thời như Tế Hanh, Huy Cận… Ông đọc cho tôi nghe những bài thơ trong tập “Lời tim non” rồi rưng rưng nước mắt khi nhắc đến đám tang mới diễn ra của người bạn thơ ông hết mực kính trọng, nhà thơ Tế Hanh.

Trong câu chuyện về chính mình mà ông kể cho tôi nghe, những chi tiết về mình như bố mẹ thân sinh ra ông có bao nhiêu anh chị em ông cũng bắt tôi chờ để xòe bàn tay đếm. Khi tôi hỏi ông có tất cả bao nhiêu cháu cả nội cả ngoại, ông cũng cần thời gian để ngẫm ngợi thêm. Thế nhưng, thật lạ, khi tôi hỏi ông có thể đọc cho tôi nghe bài thơ nào của chính mình không, mắt ông rực sáng nhìn tôi, mỉm cười và đọc ngay không nghĩ suy. Sau khi đọc hết khổ nhất bài thơ “Nghỉ hè”, ông hỏi tôi có thuộc bài thơ ấy, tôi phúc đáp ông bằng một đoạn tiếp theo. Ông mỉm cười, xác nhận rồi ông liền đọc cho tôi nghe bài “Nhớ con sông quê hương” của Tế Hanh và cả bài "Tràng giang” của Huy Cận.

Lần đó, tôi hỏi ông về cảm giác sau nhiều năm gián đoạn với thơ, ông chỉ cười hiền lành mà rằng: "giữ được tâm hồn thơ quan trọng hơn viết ra những bài thơ”. Hình ảnh người đàn ông nhỏ nhắn, chân đi không vững trong mấy chục mét vuông nhà nhưng đôi mắt lại nhanh nhẹn và cử chỉ bất ngờ hoạt bát khi chỉ cho tôi từng tuyển thơ của bạn bè trên giá sách. Và điều làm tôi không thể quên là đôi mắt ông bất thần rực sáng, mở chiếc hộp sắt và giở ra trước mặt ba cuốn sách đã ngả màu thời gian: Lời tim non (XB 1941); Thi nhân Việt Nam (XB 1942); Dòng thời gian (XB 1990). Ông bảo, đó là bảo bối cả đời ông, của gia đình ông, của lẽ sống nơi ông.

Mới đó mà đã bốn năm, tôi không có dịp quay trở lại thăm ông, rồi nghe tin ông mất. Ra đi ở tuổi 97, tôi tin rằng ông không có gì phải luyến tiếc ở cõi tạm này nữa. Bởi ông đã sống một đời trong căn nhà đầy ắp thơ, thơ trên giá sách, thơ ở chiếc bàn trà và ngay cả khi không còn minh mẫn ông vẫn thuộc lòng những bài thơ của mình, của bạn bè. Tôi tin ông đã mang theo thơ vào miền viên tịch.

Cụ Xuân Tâm, tức cụ Phan Hạp, con trai thứ hai của ông Phan Diêu, một gia đình có truyền thống hiếu học ở Bảo An. Phan Hạp tham gia văn đàn khá sớm.

Năm 1941, ông cho xuất bản tập thơ “Lời chim non”, trong đó có nhiều bài sáng tác từ năm 1935, tức năm ông 19 tuổi. Trong tập thơ này, có bài “Nghỉ hè” đã đoạt giải Nhất trong cuộc thi thơ của Báo Bạn đường. Cũng trong năm 1941, tập thơ này của ông được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu, chọn đưa vào tập "Thi nhân Việt Nam”.

Thơ của ông đăng trên các tạp chí như Tân văn, Sông Hương, Bạn đường, Thanh niên, Đoàn kết kháng chiến Liên khu 5, Văn, Đại đoàn kết,Tiền phong, Phụ nữ Việt Nam.

Nhà thơ Xuân Tâm từ trần vào hồi 16h50 ngày 04/02/2012 do tuổi cao, hưởng thọ 97 tuổi.

Hằng Nga