Người phụ nữ Xê Đăng dạy nghề dệt thổ cẩm

14:40 | 30/01/2020

364 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Sau nhiều năm tìm kiếm, bà Trần Thị Kim Hoa khôi phục nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Xê Đăng và truyền dạy cho hàng trăm học viên.

Cuối tháng 1, tại nhà văn thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My (Quảng Nam), hơn 20 phụ nữ mải mê học nghề dệt do Hội liên hiệp phụ nữ huyện tổ chức. Lớp học do nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa (xã Trà Cang) giảng dạy. Sau khi hướng dẫn học viên thực hành trên khung dệt, bà Hoa lần lượt cầm tay chỉ việc cho từng người.

nguoi phu nu xe dang day nghe det tho cam
Nghệ nhân Trần Thị Kim Hoa chỉ dạy cho học viên dệt thổ cẩm.

Đây là lớp học thứ bảy do bà Hoa giảng dạy. Mỗi lớp trên 20 học viên, là phụ nữ trong độ tuổi lao động. Một khóa học ba tháng, học viên thuần thục dệt thành những tấm vải thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.

Trước đây người Xê Đăng ở huyện Nam Trà My trồng cây bông tạo ra tơ sợi. Màu sắc lấy từ củ, lá, quả cây rừng giã nhỏ lấy nước nhuộm. Tuy nhiên, trong chiến tranh, những ngôi làng trên đỉnh núi Ngọc Linh liên tục di tản trú tránh.

Mỗi đợt như vậy, họ không mang theo khung dệt, tơ sợi hoặc bị đốt cháy khiến nghề dệt thổ cẩm mai một. Đất nước hòa bình, trang phục công nghiệp tràn ngập và bán giá rẻ nên vải thổ cẩm của dân tộc Xê Đăng bị biến mất.

Là Chủ tịch Hội phụ nữ xã, nhiều lần bà Hoa đại diện cho dân tộc mình đi tham gia nhiều lễ hội nhưng khi nhập đoàn bị lẻ loi. Bởi các dân tộc khác, họ khoác trên mình những bộ trang phục truyền thống, còn bà mặc quần áo của người Kinh hoặc mua của các dân tộc khác mặc vào rất lộn xộn.

nguoi phu nu xe dang day nghe det tho cam
Bà Hoa truyền dạy nghề dệt thổ cẩm cho hơn 200 người ở huyện Nam Trà My.

Thấy bản thân thua kém, bà Hoa đi học may và khôi phục nghề dệt để tự làm cho mình một bộ trang phục. Nhớ lại những lúc mẹ dạy bảo dệt vải, năm 2015 bà tự làm ra bộ khung dệt.

"Trong một tuần tôi tự dệt và may một bộ trang phục truyền thống người dân tộc Xê Đăng", bà nói. Tại địa phương cây bông không còn để làm sợi nên bà thay thế bằng việc mua sợi len công nghiệp khiến chất liệu không đúng, nhưng hoa văn, họa tiết thì vẫn giữ được nét truyền thống.

Với bàn tay khéo léo, bà sản xuất hàng chục bộ trang phục và cung cấp cho người dân. Trong các lễ hội truyền thống, khi xã Trà Cang tham gia, mọi người đều khoác lên mình bộ trang phục do bà Hoa làm.

Năm 2018, bà Hoa nghỉ công việc ở xã và được chính quyền huyện Nam Trà My mời làm giáo viên giảng dạy để khôi phục nghề dệt truyền thống. Để có dụng cụ, bà Hoa làm 15 bộ khung và mang đến lớp truyền nghề. Lớp học thứ bảy có nhiều phụ nữ dân tộc Ca Dong, họ hỏi bà cách dệt.

Theo bà Hoa, cách thức dệt của người Xê Đăng và Ca Dong giống nhau, tuy nhiên màu sắc và họa tiết trái ngược. Người Ca Dong mặc trang phục chủ đạo màu vàng, còn Xê Đăng màu đen.

nguoi phu nu xe dang day nghe det tho cam
Một học viên đang dệt tấm thổ cẩm.

Điều trăn trở nhất của bà Hoa hiện nay là học viên làm ra sản phẩm chủ yếu phục vụ gia đình, chưa xuất bán nên nguồn thu nhập không có. Bà mong muốn có được lối ra cho mặt hàng dệt thổ cẩm.

Chị Hồ Thị Tê, học viên tham gia học nghề, chia sẻ lúc nhỏ không được cha mẹ truyền dạy nghề dệt. Bởi ngày đó, tơ sợi khan hiếm, mẹ không cho con đụng vào sợ hỏng. Khi chị lớn lên, nghề dệt đã mai một, áo quần mua đồ may sẵn về mặc.

"Tại các lễ hội, những dân tộc khác mặc đồ truyền thống ai cũng giống nhau trông rất đẹp, còn dân tộc Ca Dong mỗi người một kiểu, chẳng ai giống ai. Khi biết lớp học nghề, tôi đã đăng ký", chị nói.

Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng Dân tộc huyện Nam Trà My, cho biết dân cư tại địa phương chủ yếu là người Xê Đăng và Ca Dong. Hai dân tộc này ít truyền dạy nghề dệt cho con cháu, trải qua thời gian dần bị mai một. Nghệ nhân Hoa rất tâm huyết trong việc khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Để tạo đầu ra cho thổ cẩm, chính quyền huyện Nam Trà My đã liên kết với một số doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm của các học viên; hướng đến xây dựng những làng nghề dệt thổ cẩm tập trung nhằm thu hút du khách đến tham quan và mua sắm.

Theo VnExpress