Người phụ nữ hơn 40 năm giữ hồn trung thu cho trẻ

07:12 | 15/09/2016

912 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hơn 40 năm qua, nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến (52 tuổi) ở làng Hậu Ái (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) luôn duy trì niềm đam mê với những sản phẩm đồ chơi Trung thu truyền thống. Những ông tiến sĩ, ông đánh gậy, đèn ông sao, các con vật... mà cô làm ra là những món đồ chơi mang ý nghĩa văn hóa dân gian sâu sắc khi mỗi độ thu về.

Hơn 40 năm “say” nghề

Thăm ngôi nhà của cô Tuyến cận kề ngày rằm trung thu, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước hàng loạt món đồ chơi dân gian được đặt đầy trong phòng khách, sân nhà, những thanh tre thanh nứa vẫn đang được phơi khô để làm khung đèn ông sao, đèn hình con tôm, con cá, con thỏ...

nguoi phu nu hon 40 nam giu hon trung thu cho tre
Nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến

Vốn sinh ra và lớn lên ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức (Hà Nội) trong một gia đình đã có ba đời làm đồ chơi Trung thu. Lên 8 tuổi, cô Tuyến đã bắt đầu làm quen với những chiếc nan, những tờ giấy đầy màu sắc. Cô nhớ lại: “Từ bé, tôi đã được xem ông bà, cha mẹ làm đồ chơi truyền thống. Vì vậy, tình yêu với công việc này đến một cách rất tự nhiên, nhỏ thì làm những công việc đơn giản như vót tre, xếp giấy, lớn hơn một chút thì cắt dán, điểm màu trang trí. Sau dần bắt đầu tập làm khung và dán thành một sản phẩm hoàn chỉnh”.

Nhà làm ra khá nhiều đồ chơi khác nhau, nhưng với gia đình cô Tuyến, đồ chơi ông tiến sỹ giấy luôn được gia đình dành cho một tình cảm đặc biệt. Cô tâm sự: “Hồi cô còn nhỏ, hễ cứ đến Trung thu mà đứa trẻ nào không có được một bộ ông tiến sỹ giấy thì buồn và cảm thấy tủi thân lắm. Lúc đó, đồ chơi chưa nhiều, nên mỗi độ thu về là từ đầu thôn đến cuối thôn, ai cũng náo nức chờ bố, mẹ mua cho một bộ để trên bàn học”.

Cô Tuyến cho biết, để hoàn thành một bộ ông tiến sĩ giấy phải mất khoảng hai ngày, tính từ khi tìm nguyên liệu đến lúc hoàn thành. Ông tiến sĩ phải qua hơn 20 công đoạn, còn để làm hai ông đánh gậy trông trăng đi kèm phải qua 36 công đoạn. Trong đó, làm khung và mặt nạ là hai công đoạn mà người làm phải hết sức tỉ mỉ từ việc chọn nguyên liệu và kỹ thuật làm. Tùy vào kích cỡ khách hàng đặt mà ông tiến sĩ có thể cao từ 80cm đến 150cm.

nguoi phu nu hon 40 nam giu hon trung thu cho tre
Bộ ông Tiến sĩ giấy trong mâm ngũ quả đêm Rằm Trung thu

Một bộ tiến sỹ giấy hoàn chỉnh gồm có ba ông: Một ông ngồi giữa có ghế và lọng gọi là ông tiến sĩ, hai ông nhỏ bên cạnh múa gậy tượng trưng cho quân tướng đi theo để bảo vệ gọi là ông đánh gậy. Muốn có những sản phẩm chất lượng, việc lựa chọn nan cũng rất quan trọng. Phải chọn được những loại tre, nứa có độ dẻo, đảm bảo trong quá trình làm, vận chuyển và sử dụng sản phẩm. Có quan sát những bước làm sản phẩm của cô Tuyến mới thấy làm nghề này thì cần lắm sự cần cù, kiên trì và tỉ mỉ.

Người giữ hồn trung thu cho trẻ

Như bao thứ đồ chơi truyền thống khác, đồ chơi Trung thu đang ngày bị mai một vì sức hút của nó không còn được như xưa, cùng với đó sự cạnh tranh của rất nhiều đồ chơi mới hiện đại. Cô Tuyến tâm sự: “Ngày xưa, trong làng có nhiều nhà làm nhưng dần dần, thị trường của sản phẩm không có, người dân làm ra cũng không tiêu thụ được. Cùng với đó, nhiều đồ chơi Trung Quốc xuất hiện đã đẩy đồ chơi dân gian mỗi dịp Trung thu vào thế “khó”.

Vì thế, các hộ gia đình dần chuyển từ làm đồ chơi dân gian sang làm hàng mã. Sản phẩm đơn giản dễ tiêu thụ, thị trường ổn định hơn, đảm bảo kinh tế. Nhiều gia đình trong họ hàng cũng có ý định thuyết phục chúng tôi đổi nghề, nhưng đã mấy chục năm trôi qua, gia đình vẫn lựa chọn gắn bó với công việc này".

nguoi phu nu hon 40 nam giu hon trung thu cho tre
Gia đình cô Tuyến cắt dán miệt mài bên những món đồ chơi truyền thống.

Chia sẻ về lý do gắn bó với nghề, cô Tuyến tâm sự: “Mỗi năm, Tết Trung thu chỉ có một lần, nghĩ đến bọn trẻ háo hức như thế nào về các trò chơi truyền thống khiến mình muốn làm nghề hơn. Nhất là việc giáo dục về các giá trị văn hóa dân gian cho trẻ. Có thể những đồ chơi này không còn sức hút như xưa nhưng nó vẫn có sức hấp dẫn riêng mà các loại đồ chơi khác không bao giờ có được. Và tôi nghĩ, mình cần có trách nhiệm giữ lại những nét đẹp dân gian đó cho các cháu thế hệ sau”.

Chẳng hạn như hình ông tiến sĩ với tư thế uy nghiêm, ngồi trên kiệu vàng mà các bậc phụ huynh thường mua tặng các em vào dịp Trung thu cũng là thời điểm năm học mới vừa bắt đầu là một đồ chơi dân gian quen thuộc của người dân nước Việt. Cha mẹ, ông bà mua tặng con cháu mình món đồ chơi này là muốn gửi theo cả ước vọng con trẻ sẽ học hành chăm chỉ, đỗ đạt, nên người.

Hay chiếc đèn ông sao rực rỡ sắc màu, có gắn lá cờ Tổ quốc ở phía trên sẽ góp phần giáo dục cho các em lòng yêu quê hương đất nước, yêu truyền thống văn hóa của dân tộc tự bao đời.

nguoi phu nu hon 40 nam giu hon trung thu cho tre

Dù còn nhiều khó khăn nhưng cô Tuyến cũng mừng thấy rằng, những năm gần đây, Nhà nước đã quan tâm nhiều hơn đến trò chơi dân gian với mong muốn cho các cháu nhỏ biết đến những giá trị truyền thống. Hơn 15 năm qua, năm nào cô cũng được Bảo tàng Dân tộc học, nhà cổ ở phố Mã Mây và Hàng Đào mời đến để truyền đạt ý nghĩa và cách làm ông tiến sĩ giấy, đèn ông sao cho các trẻ nhỏ.

Mỗi lần nhìn các em tò mò làm thử hay chơi những đồ chơi dân gian này, cô Tuyến lại có thêm động lực để tiếp tục con đường đi của mình. Khi nói về chuyện tiếp tục truyền nghề của thế hệ sau, cô chia sẻ: Đó là chuyện khó khăn nhất khiến cô trăn trở nhiều.

Hàng năm, gia đình cô còn đón những đoàn khách hoặc bất cứ ai muốn gắn bó với nghề để truyền lại cách làm. "Mình rồi cũng già yếu, nếu không còn ai làm thì đồ chơi này cũng biến mất” - có lẽ trăn trở của cô Tuyến cũng là trăn trở của những người yêu văn hóa dân gian. Những giá trị văn hóa sẽ bị mai một dần bởi nếu thiếu đi những con người bảo vệ những giá trị ấy...

Nguyễn Hoan

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.