Người "giữ lửa" cuối cùng ở phố Lò Rèn

07:00 | 11/05/2013

1,279 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Giữa những ồn ã, tấp nập của phố thị, giữa những tiếng động cơ máy cưa, cắt sắt, inox… ở góc nhỏ của phố Lò Rèn vẫn có người đàn ông cặm cụi đưa từng nhát búa chắc nịch xuống bàn đe bên lò than cháy rừng rực.

Vang bóng một thời

Phố Lò Rèn – Hà Nội trước kia ngày đêm đỏ lửa, tiếng đe, búa suốt ngày đêm nhưng bây giờ chỉ còn duy nhất bếp than hồng nằm khiêm tốn nơi cuối phố. Góc con phố nhỏ là “cửa hàng” của ông Nguyễn Phương Hùng – người còn giữ lại hồn cốt phố Lò Rèn của Thăng Long xưa. Gọi là cửa hàng nhưng nơi ông Hùng làm việc chỉ là gian hàng nhỏ, vẻn vẹn 4m2. Ở đó là đủ thứ đồ cơ khí: đục, búa, kìm, đinh ốc… được sắp xếp gọn gàng và bếp than luôn đỏ lửa.

“Bây giờ, trên phố không đông vui như trước nữa, không còn ồn ào tiếng đe, tiếng búa nữa… mà toàn là tiếng máy khoan, máy cắt nghe đanh đanh mà không rền…” - Ông Hùng đưa đôi mắt trầm buồn, tiếc nuối nhìn ra phố tập nập người qua lại.

Cửa hàng của ông Hùng vẻn vẹn 4m2

Không chỉ có những người gắn bó với con phố Lò Rèn mới có cảm giác hụt hẫng, thiếu vắng, mà ngay cả những người sống ở những phố lân cận cũng cảm thấy thiếu vắng. Anh Nguyễn Xuân Sơn, ở 20 Hàng Đồng chia sẻ: “Anh sống ở con phố này từ tấm bé. Ngày bé, anh thường sang xem những bác bên phố Lò Rèn rèn sắt, nghe tiếng đe, búa… cũng vui tai lắm. Nhưng bây giờ, họ chuyển hết sang dùng máy rồi, giờ chỉ còn mỗi nhà bác Hùng còn bễ, còn lò thôi. Thỉnh thoảng, anh vẫn sang đấy chơi”.

Người giữ lửa…

Gia đình ông Hùng ba đời làm nghề rèn. Từ thời cụ ông, chuyên làm rèn phục vụ cho chiến tranh vào những năm 1920 của thế kỷ trước. Đến đời cha ông thì rèn vũ khí phục vụ chiến đấu, nông cụ phục vụ bà con sản xuất… “Vào thời kì đó, các sản phẩm chủ yếu là làm do đơn đặt hàng của khách. Từ những thứ nhỏ nhất trong cơ khí: bu-lông, đinh ốc, bản lề đến đục đẽo… đều do bàn tay của những người thợ trong phố làm ra. Có những đêm vào gần vụ cấy, gặt… bếp than lúc nào cũng cháy hừng hực suốt cả ngày đêm trên phố” – Ông Hùng nhớ lại thời kì hoàng kim của nghề rèn xưa.

Sau đó, nghề cứ theo cha truyền con nối, bố ông Hùng tiếp tục. Gia đình ông Hùng có mấy người anh em, nhưng họ không theo nghiệp thợ rèn mà mỗi người có một chí hướng riêng. Ban đầu, ông cũng không có ý định nối nghiệp của cha, nhưng vì đây là nghề truyền thống của gia đình và gắn bó với ông từ nhỏ nên ông quyết định theo nghề.

Với ông, nghề rèn là một duyên phận vì ông đã “trót” gắn bó với nó từ bé. “Những ngày bé, đi học một buổi nên một buổi còn lại ở nhà phụ bố: kéo bễ, đốt lò… thỉnh thoảng được bố dạy cách tra búa thế nào cho đúng, cách nhìn vào bếp than để đo nhiệt…” – ông kể lại.

Lớn hơn một chút, ông đi học Trường Trung cấp Giao thông Công chính (nay là Trường Cao đẳng Giao thông – Vận tải). Ông cũng đã từng lăn lộn với nhiều nghề. “Ra trường, tôi cũng làm nhiều nghề: thợ điện, thợ nước… nhưng cũng không làm được lâu và cuối cùng thì lại quay lại làm nghề rèn vì âu nó cũng là cái duyên số, duyên phận nó đã gắn với mình” - ông Hùng chia sẻ.

Ông Hùng đưa những nhát búa chắc nịch xuống bàn đe

Gần 50 tuổi, đôi tay vung lên giáng những nhát búa chắc nịch xuống bàn đe chan chát, ông Hùng vừa rèn vừa kể chuyện đời, chuyện nghề. Nghề rèn là nghề vất vả, quanh năm gắn với bếp than bụi bặm, nóng nực nhưng đó lại là niềm vui của ông.

Hàng ngày, ông đến cửa hàng từ sớm để chuẩn bị, sắp xếp đồ nghề. Đồ nghề của ông cũng không có nhiều: bếp lò cũ kĩ, thùng dầu, nước, than… Mặt hàng chủ yếu mà ông thường làm là mũi khoan, đục vì những vật dụng khác khách hàng thường thuê máy rèn, ghè đẽo vì nó chính xác và nhanh hơn.

Tuy nhiên, để rèn ra những mũi khoan tưởng chừng như đơn giản mà không dễ dàng chút nào. Phải là người có kinh nghiệm biết “đo” lửa, biết đâu là thời điểm cho phôi vào lò, ngâm phôi sắt rèn trong dầu hỏa bao lâu là đủ… Vừa đưa những nhát búa nặng trịch, chan chát xuống phôi sắt còn đỏ lửa, ông Hùng vừa chỉ dẫn tôi: “Đưa nhát búa phải thật chính xác để tạo ra được góc cạnh cho mũi khoan. Nếu không dồn lực giáng xuống thì mũi khoan dễ bị tù, không thể sắc nhọn được”.

Không chỉ có vậy, làm thợ rèn không chỉ cần “sức dài vai rộng” mà còn phải có óc tính toán để tính góc độ, độ dài của các vật dụng.

Ngày nào ông cũng tất bật để làm xong số lượng hàng khách cần, có khi đến tối muộn mới được về nhà. Trò chuyện với bác Khánh (Ba Đình), khách hàng quen thuộc của ông Hùng đang ngồi uống trà đợi ông Hùng rèn cho cái mũi khoan, bác Khánh cho biết: “Từ lâu lắm rồi, tôi thường đến đây nhờ ông Hùng làm giúp. Mũi khoan ông ấy làm bao giờ cùng sắc nhọn, lâu mới phải thay chứ không như làm bằng máy mặc dù làm máy thì nhanh hơn thật nhưng nhanh hỏng lắm”.

Khi hỏi ông có ý định truyền nghề cho con trai không thì ông lắc đầu: “Giờ bọn trẻ làm gì cái nghề này nữa. Nghề này vừa độc hại vừa thu nhập thấp. Chẳng qua cũng muốn giữ lại nghề truyền thống của gia đình và cũng là nét văn hóa của phố này thì tôi mới tiếp tục. Nếu tính đến thu nhập thì chẳng đáng là bao”.

Cả “nghiệp đoàn” thợ rèn nổi tiếng xưa kia nay chỉ còn trong dĩ vãng. Chút hơi nóng cuối cùng của lò bễ, tiếng búa chan chát trên bàn đe của ông Hùng, chỉ dăm năm nữa thôi, cũng có thể sẽ chỉ còn là quá khứ!

Lưu Nhạn

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc