Ngọt ngon cá mát, hiểm nguy thác dữ sông Giăng

06:45 | 18/06/2023

2,025 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Anh đi khắp núi, khắp ngàn/ Không đâu đẹp bằng Đá Bàn, sông Giăng”. Câu ca dao của người miền biên viễn xứ Nghệ đã thôi thúc chúng tôi có chuyến hành trình ngược dòng sông Giăng, vượt những con thác hung dữ, thưởng thức cá mát đặc sản...
Ngọt ngon cá mát, hiểm nguy thác dữ sông Giăng
Người Thái ở xã Môn Sơn đánh bắt cá mát ở đập Phà Lài bằng phương pháp truyền thống

Ngọt ngon cá mát

Sông Giăng bắt nguồn từ khe Khặng của huyện Con Cuông, được nuôi dưỡng bởi Vườn quốc gia Pù Mát, chảy qua các huyện Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương và hòa vào sông Lam tại xã Thanh Tiên, là một con sông đẹp quanh năm xanh trong, có loài cá đặc sản, được người Thái sinh sống xung quanh đập Phà Lài (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) gọi bằng những cái tên hết sức gần gũi: “Cá mát sông Giăng”, “Cá mát Nghệ An”, “Cá mát miền Tây xứ Nghệ”.

Ở huyện Thanh Chương có câu ca dao “Ngọt ngon cá mát sông Giăng/ Thơm khoai chợ Rộ, mềm măng chợ Chùa”, để tôn vinh loài cá “đệ nhất” trong các món ăn đặc sản của các huyện miền Tây xứ Nghệ.

Ngọt ngon cá mát, hiểm nguy thác dữ sông Giăng
Những con thuyền xuôi ngược sông Giăng

Chúng tôi đến đập Phà Lài lúc hoàng hôn buông xuống, thấy những chiếc thuyền câu, thuyền quăng lưới lập òa ánh điến nhộn nhịp bủa vây đánh bắt cá mát. Đập Phà Lài là công trình thủy lợi lớn nhất của huyện Con Cuông được khởi công xây dựng đầu năm 2000, hoàn thành năm 2002. Theo chiết tự tiếng Thái, “Phà” có nghĩa là trời, “Lài” là hoa, Phà Lài có nghĩa là “hoa của trời”. Từ khi có đập Phà Lài, con sông Giăng dường như được “thuần hóa”. Cũng tại khu vực nước chảy xiết ở đập, sông Giăng cung cấp cho người dân nơi đây các loài thủy sản bản địa đặc biệt như cá mát, cá bọp, chạch sú, cá lăng, cá chình...

Ngọt ngon cá mát, hiểm nguy thác dữ sông Giăng
Đặc sản cá mát sông Giăn

Quàng Văn Then, một ngư phủ người Thái đã hơn 40 năm chuyên đánh bắt cá ở sông Giăng, cho biết, cá mát sống từng đàn ở các khe hốc đá nơi nước chảy xiết, nền sỏi cát sạch. Ban ngày, chúng trốn trú dưới vực sâu, khi trời tối bơi đi kiếm ăn dọc các thác nước chảy xiết theo đàn, ăn các loại côn trùng trên mặt nước, rong rêu bám vào đá hoặc giun đỏ. Hàm dưới cá mát rất cứng, răng sắc nên khi ăn, cá chỉ cần lượn mình sát các hòn đá ở dưới dòng nước chảy, cạp mạnh khiến cho đá suối có nhiều vết nhỏ màu trắng. Đây cũng là đặc điểm để người Thái vùng Môn Sơn nhận ra vùng sông suối nào có nhiều cá mát.

Để đánh bắt cá mát, người dân dùng rất nhiều biện pháp, trong đó có một cách bắt cá rất dân dã là “bắt trụp” (chụp). Buổi tối sau khi ăn xong, cả nhóm thợ sơn tràng đi xuống suối phân công nhau người đi trước nhặt đá ném (chỉ được ném về phía trước để bảo đảm an toàn), người đi sau ngụp bắt cá trong các hốc đá, hốc cây. Sau khi ném đá, chụp bắt, những con cá tươi ngon sẽ được nướng ngay hoặc ăn gỏi. Với sự hòa trộn diệu kỳ giữa vị ngọt của cá, vị nhẫn đắng của măng rừng mới đào, thêm vài chén rượu, những người thợ rừng sẽ đến với giấc ngủ nhanh hơn sau một ngày lao động nặng nhọc.

Ngọt ngon cá mát, hiểm nguy thác dữ sông Giăng
Kéo thuyền vượt thác

Sách đỏ Việt Nam năm 2007 đã liệt cá mát vào mức sẽ nguy cấp (VU) cần được bảo vệ ngay. Cá mát cũng là 1 trong 6 loài thủy sản cần được bảo tồn, phát triển theo Quyết định 5529/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án khung nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh Nghệ An thực hiện từ năm 2014. Mặt khác, loài cá mát vẫn chưa thể nhân nuôi, mới chỉ bảo vệ bằng cách cấm đánh bắt ở các khu vực nhất định, nên hiệu quả bảo tồn chưa cao.

Tháng 8 âm lịch hằng năm là mùa cá mát. Cá mát có thể kho, rán, nướng, nấu canh chua... Cá mát là lựa chọn hàng đầu của những du khách ghé thăm sông Giăng và khám phá Vườn quốc gia Pù Mát. Chỉ cần ăn một lần, thực khách sẽ nhớ mãi không quên hương vị thơm ngon của loại cá đặc sản này.

Ngọt ngon cá mát, hiểm nguy thác dữ sông Giăng
Đập Phà Lài, con đập thủy lợi duy nhất trên dòng sông Giăng

Hiểm nguy thác dữ

Sông Giăng ở miền Tây xứ Nghệ gắn liền với huyền tích tộc người Đan Lai - tộc người sinh sống biệt lập ở giữa rừng Pù Mát. Để đến với tộc người Đan Lai, chỉ có con đường thủy độc nhất là ngược dòng sông Giăng hơn 30 km tính từ đập Phà Lài ở Môn Sơn.

Chúng tôi đặt vấn đề vào xứ Đan Lai, Chính trị viên - Thượng tá Nguyễn Ngọc Minh, Đồn biên phòng Môn Sơn, thở dài: “Thuyền của Đồn biên phòng va vào đá thủng đáy, vẫn chưa sửa được”.

Ở huyện Thanh Chương có câu ca dao “Ngọt ngon cá mát sông Giăng/ Thơm khoai chợ Rộ, mềm măng chợ Chùa”, để tôn vinh loài cá “đệ nhất” trong các món ăn đặc sản của các huyện miền Tây xứ Nghệ.

Thượng tá Minh một mực ngăn cản khi biết ý định thuê thuyền của người Thái ở Môn Sơn để ngược dòng sông Giăng của chúng tôi. Anh kể rằng, vào tháng 9-1996, nhà báo Nguyễn Nhật Ánh của Báo Lao động cũng đi thuyền vào bản Búng để tìm hiểu về tộc người Đan Lai. Mặc dù đồn đã chuẩn bị chu đáo, song chẳng may trên đường vào, mưa bất ngờ đổ xuống, lũ tràn về làm thuyền lật. Nhà báo Nguyễn Nhật Ánh bị lũ cuốn. Thiếu úy Trần Hồng Thanh lao vào dòng nước lũ, đưa được nhà báo Nguyễn Nhật Ánh vào bờ thì lại bị một đợt lũ mới tràn về, cuốn trôi, ba ngày sau mới tìm thấy thi thể. Sau chuyến đi đó, nhà báo Nguyễn Nhật Ánh bị ám ảnh đến mức không thể làm báo được nữa, phải chuyển công việc khác.

Ngọt ngon cá mát, hiểm nguy thác dữ sông Giăng
Ngọt ngon cá mát, hiểm nguy thác dữ sông Giăng

Thấy chúng tôi vẫn quyết tâm đi, Thượng tá Minh đành phải gọi chủ thuyền Quàng Văn Báo (người Thái ở xã Môn Sơn) để “giao phó trách nhiệm”. Báo đã 15 năm hành nghề sông nước, là tay chèo thuyền nức tiếng vùng sông Giăng.

Chúng tôi lên chiếc thuyền gỗ gắn máy, rẽ sóng ngược sông Giăng. Nơi hạ nguồn, lòng sông rộng mênh mông, nhìn về phía trước chỉ thấy những tán rừng rậm rạp xanh um. Báo bảo: “Với hơn 30 cây số đường sông, nhanh thì cũng mất 5 tiếng mới đến xứ Đan Lai. Khi vượt thác mọi người nhớ nhanh nhẹn theo chỉ dẫn của tôi nhé!”. Báo còn kể: “Sông Giăng này có rất nhiều con thác nguy hiểm, nhưng ban đầu không có tên. Cũng chỉ hơn 15 năm nay, người Thái Môn Sơn mới dám đi thuyền vào vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát đến xứ Đan Lai”.

Ngọt ngon cá mát, hiểm nguy thác dữ sông Giăng
Một số loài cá ở sông Giăng được người Thái ở Môn Sơn đánh bắt ở đập Phà Lài phục vụ cuộc sống

Cũng theo lời Báo, tên thác ở sông Giăng do chính người Đan Lai đặt. Kiểu đặt tên của họ rất kỳ lạ. Cứ có người dân trong bản nào vượt thác mà bị bỏ mạng thì lập tức con thác nguy hiểm ấy mang tên người xấu số. Chúng tôi bắt đầu run sợ trong khi Báo hồn nhiên: “Thác đầu tiên chúng ta vượt là thác Hùng, rồi đến thác Bang, thác Kiếm, thác Mãi, thác Hoa... Tất thảy có 47 con thác”. Hỡi ôi, tên thác toàn là tên người chết!

Báo còn bảo, trong hơn 15 năm ngang dọc sông nước, Báo đã chứng kiến 3 lần một con thác thay tên, nghĩa là đã có 3 người thiệt mạng ở đó. Con thác hung tợn ấy có tên thác Kiếm. Đã rất nhiều lần, Đồn biên phòng Môn Sơn kết hợp với dân bản Cò Phạt huy động nhân lực phá đá thông dòng, nhưng không thành công. Bởi thác này là nơi hợp lưu với một con suối nhỏ nên mùa mưa, lũ rừng theo con suối nhỏ mang theo đá hộc, tụ lại, chắn giữa dòng, tạo nên những xoáy nước chết người.

Ngọt ngon cá mát, hiểm nguy thác dữ sông Giăng
Ngọt ngon cá mát, hiểm nguy thác dữ sông Giăng
Đập Phà Lài ở huyện Con Cuông được khởi công xây dựng đầu năm 2000, hoàn thành năm 2002. Theo chiết tự tiếng Thái, “Phà” có nghĩa là trời, “Lài” là hoa, Phà Lài có nghĩa là “hoa của trời”. Tại khu vực nước chảy xiết ở đập, sông Giăng cung cấp các loài thủy sản bản địa đặc biệt như cá mát, cá bọp, chạch sú, cá lăng, cá chình...

Sau khi vượt qua thác Kiếm, Báo lại thông báo: “Chúng ta chuẩn bị vượt thác Bộ đội Thanh”. Chúng tôi dựng tóc gáy. Hóa ra thác này là nơi Thiếu úy Trần Hồng Thanh hy sinh sau khi cứu phóng viên Báo Lao động. Theo lời Báo, có lần anh đã chứng kiến lễ hội đầu tiên và vui nhất xứ Đan Lai... lại chính là ngày giỗ Bộ đội Thanh. Không ai bảo ai, nhà nhà tụ họp mổ gà, mổ lợn mang ra đầu thác cúng Bộ đội Thanh, bày tỏ lòng biết ơn và truyền cho con cháu ghi nhớ câu chuyện bộ đội quên mình cứu người.

Chúng tôi dừng lại ở chân thác Bộ đội Thanh, thu gọn lại hành lý. Tất cả những vật dụng quan trọng đều được bọc kín trong túi nilon. Ngước nhìn lên, thấy thác dài chừng hơn 20m nhưng nước réo sôi ầm ầm bởi những tảng đá khổng lồ nằm chắn giữa dòng tạo nên những dòng nước tung bọt trắng xóa.

Ngọt ngon cá mát, hiểm nguy thác dữ sông Giăng
Người Thái ở Môn Sơn cho biết, ở dưới chân đập Phà Lài là nơi tập trung nhiều loài cá đặc sản của sông Giăng như cá mát, cá lăng, cá chiên…

Thuyền chúng tôi từ từ vượt thác. Báo ghì chắc tay lái, vặn mình điều khiển con thuyền tránh đá ngầm. Phía dưới đáy thuyền tiếng sàn sạt liên hồi vang lên do thuyền va vào đá, rồi tiếng chân vịt chạm vào đá, con thuyền có lúc tưởng như mất lái, tròng trành muốn lật. Chúng tôi hai tay ghì chặt mạn thuyền, giữa mùa đông mà mồ hôi vã ra như tắm...

Sau khi vượt qua thác Bộ đội Thanh, chúng tôi thẳng tiến đến hai bản của người Đan Lai là bản Búng và bản Cò Phạt. Chuyến thuyền từ xứ Đan Lai về Môn Sơn cũng khiến tim chúng tôi nhiều lần như nhảy ra khỏi lồng ngực, khi con thuyền của Báo nhiều lần chới với giữa thác, ghềnh hung dữ...

Sông Giăng có 47 con thác nguy hiểm, nhưng ban đầu không có tên. 15 năm nay, tên thác do người Đan Lai đặt, kiểu đặt tên rất kỳ lạ. Cứ có người dân trong bản nào vượt thác mà bị bỏ mạng thì lập tức con thác nguy hiểm ấy mang tên người xấu số như thác Hùng, thác Bang, thác Kiếm, thác Mãi, thác Hoa, thác Bộ đội Thanh...
Bên dòng sông GiăngBên dòng sông Giăng
Quảng Ngãi quy hoạch huyện đảo Lý Sơn trở thành đô thị du lịch biển năng động, đáng sốngQuảng Ngãi quy hoạch huyện đảo Lý Sơn trở thành đô thị du lịch biển năng động, đáng sống

Bài và ảnh: Trịnh Thông Thiện