Quảng Nam: Đội mưa xối xả, người dân đổ xô đi tìm con đặc sản mùa lũ

16:00 | 17/10/2023

124 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mưa to liên tục những ngày qua, nước ở các sông, kênh rạch lên nhanh. Đây cũng là thời điểm người dân Quảng Nam chuẩn bị dụng cụ để săn "lộc trời".
Cảnh giác và khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũCảnh giác và khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
Lũ rút, để lại nỗi lo trên đồng rau bầm dậpLũ rút, để lại nỗi lo trên đồng rau bầm dập
Ngư dân xoay vòng trên biển, rẽ sóng, Ngư dân xoay vòng trên biển, rẽ sóng, "hóng" con bé tí teo
Trúng hàng trăm tấn Trúng hàng trăm tấn "lộc trời", ngư dân đếm tiền mỏi tay

Mỗi năm, khi lũ xuất hiện, người dân vùng hạ lưu sông Thu Bồn, tỉnh Quảng Nam như huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn… lại rủ nhau mang dụng cụ đánh bắt ra ruộng đồng, kênh nước săn đặc sản. Lũ về là "thời điểm vàng" để mưu sinh, kiếm thêm thu nhập.

Quảng Nam: Đội mưa xối xả, người dân đổ xô đi tìm con đặc sản mùa lũ
Những ngày mưa to, khi nước tràn đồng là lúc người dân đổ xô đi săn "lộc trời" (Ảnh: Ngô Linh).

Mùa này, đặc sản ruộng đồng nhiều, nào là cá lóc, cá diếc, rô đồng, cua, tôm tép, lươn, ếch… Đặc biệt nhất phải kể đến con lịch (còn gọi là lạch đồng, gần giống con lươn), chỉ có vào mùa lũ và chỉ xuất hiện trong khoảng 3 đợt lũ đầu mùa, mỗi đợt chỉ kéo dài 1-2 ngày.

Dụng cụ đánh bắt lịch có nhiều loại: lưới tay ngắn, tay dài, vó, rớ, cần câu… Mồi thường là ít giun đất đào quanh vườn, hoặc ít cám gạo thấm nước, vo cục thả đúng chỗ đặt bẫy để cá, tôm bơi đến kiếm ăn.

Đánh bắt lịch phải canh từ nửa đêm hoặc rạng sáng loài này mới xuất hiện. Những người có kinh nghiệm bắt lịch phải xuôi theo chiều nước lũ chảy về, rọi đèn xuống nước, thấy chỗ nào có lịch nổi lên thì dùng vợt vớt. Những đêm lịch xuất hiện nhiều, người người chong đèn vớt lịch, rộn ràng cả khúc sông.

Theo bà Trần Thị Hồng (người dân thị xã Điện Bàn), từ ngày có đập thủy điện, lịch ít về hơn. Năm nay lịch không nhiều bằng mọi năm, người mua đông nhưng không có hàng để bán.

Gặp những con lịch trứng, người đánh bắt thống nhất thả lại đồng ruộng để nuôi nguồn lợi lâu dài. Lịch là loại đặc biệt, sống ở vùng nước ngọt nhưng khi đẻ trứng thì xuôi dòng lũ ra cửa sông, cửa biển.

Những nơi nước xả tràn, chảy ồ ạt thường tập trung đông người đánh bắt (Ảnh: Ngô Linh).
Những nơi nước xả tràn, chảy ồ ạt thường tập trung đông người đánh bắt (Ảnh: Ngô Linh).

"Hôm nay, tôi chỉ có lịch nhỏ, giá 450.000 đồng/kg, vì chỉ xuất hiện trong mùa lũ nên con lịch thành ra quý hiếm, người hỏi mua nhiều lắm", bà Hồng cho biết.

Con lịch thường chỉ có trong vài trận lũ đầu mùa, xuất hiện khoảng 1-2 ngày (Ảnh: Ngô Linh).
Con lịch thường chỉ có trong vài trận lũ đầu mùa, xuất hiện khoảng 1-2 ngày (Ảnh: Ngô Linh).

Những ngày này, đi qua các cống tràn, kênh nước ở huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn, đâu đâu cũng thấy cảnh người dân giăng lưới, đặt rớ đánh cá. Đây là công việc mỗi khi lũ về của người địa phương, vừa để mưu sinh vừa có thêm ít đặc sản đồng quê nhâm nhi, cải thiện bữa ăn.

Công việc này giúp người dân có thêm thu nhập, hoặc cải thiện bữa ăn mùa mưa lũ (Ảnh: Ngô Linh).
Công việc này giúp người dân có thêm thu nhập, hoặc cải thiện bữa ăn mùa mưa lũ (Ảnh: Ngô Linh).

Trời mưa to từ sáng sớm, ông Lê Văn Tấn (xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên) mang theo vó ra đập tràn để bắt cá. Bung bốn cọng tre gắn lưới rồi buộc vào cần sào, ông Tấn thả vó xuống nước. Sau 5 phút, ông kéo vó, bên trong chỉ có một ít cá rô nhỏ cùng cá ngạnh. Ông Tấn cười ha hả rồi thả vó chờ lần sau.

"Cứ có đợt mưa lớn là tôi lại mang vó đi đánh cá, được nhiều thì bán lại cho lái buôn, ít thì mang về nhà kho tiêu, nấu canh, ăn cơm ngon hết biết. Trời này không làm gì ra tiền, đánh bắt được ít cá đồng, đỡ phải đi chợ", ông Tấn vui vẻ nói.

Với nhiều người, bắt cá là công việc làm thêm mỗi dịp mưa lũ về. Thương lái đến tận nơi thu mua, hoặc người đánh bắt được cá đem bán cho khách vãng lai. Cá chép giá 30.000-50.000 đồng/kg tùy kích cỡ; cá diếc 30.000-120.000 đồng/kg; cá nheo 200.000 đồng/kg.

Cá đồng mùa này nhiều trứng, được xem là đặc sản, nấu lên thơm, thịt mềm, vị béo ngậy.

Theo Dân trí