Nghĩa hiện hành của “đểu cáng” chỉ là nghĩa sự cố

14:42 | 12/04/2013

|
Bạn đọc: Xin ông cho biết đâu là nghĩa gốc của hai chữ “đểu cáng” và căn cứ trên thực tế nào mà nó lại có nghĩa phái sinh như hiện nay, liên quan đến sự đểu giả? Xin cảm ơn ông.

Học giả An Chi: Một người bạn có biệt hiệu là Nê Văn Nuyện đã gửi đến chúng tôi một bài viết (của một người khác) trong đó có một đoạn thú vị về hai từ “đểu cáng”:

“Ngày xưa mỗi khi đi đâu, chưa có xe cộ sẵn như bây giờ, là phải thuê người cáng đi - nhất là người có tuổi, người ốm. Đồ đạc mang theo lại phải thuê người gánh. Người cáng thuê, người ta gọi là CÁNG. Người gánh thuê, người ta gọi là ĐỂU. Mỗi lần gọi người đưa đi như thế thường ra đầu đường, nơi tập trung những người làm nghề đó, gọi “Cho một ĐỂU, hai CÁNG nhé!” và thế là có ba người te tái chạy vào, hai người vác theo một cái cáng, một người mang theo đòn gánh, quang gánh. Hầu như là những người lao động chân tay, ít được học hành, nên cái sự ăn chia nó thường không đều, hoặc không vừa ý với nhau, cãi nhau, đánh nhau, chửi nhau khi chia tiền xảy ra như cơm bữa. Và thế là có câu “Đối xử với nhau như cái bọn ĐỂU CÁNG!”. Đấy, nguồn gốc đấy”.

Chúng tôi xin thưa ngay rằng, ở đây ta đang có hai từ “đểu” hoàn toàn độc lập với nhau và một từ tổ “đểu cáng” “trật vuột” nên không làm gì có chuyện “nghĩa gốc” và “nghĩa phái sinh”. Tuy cái được cho là nghĩa gốc đã được trình bày sinh động và xác đáng trong đoạn trên đây nhưng cái kết luận “Đấy, nguồn gốc đấy” thì sai. Cái sự ít học hành không phải là nguyên nhân của sự ăn chia không đồng đều. Mà sự ăn chia không đồng đều, nếu có xảy ra thì cũng chỉ là chuyện cá biệt chứ không thuộc về bản chất của nghề “đểu cáng” vì bến bãi cũng có luật bất thành văn của bến bãi. Thời xưa cũng vậy mà thời nay cũng thế. Ta không nên quên rằng có những kẻ học thức càng cao thì càng tham cũng như có những nhà phú hộ càng giàu lại càng gian manh. Huống chi, những sự việc như ăn chia không đều, hoặc không vừa ý với nhau, cãi nhau, đánh nhau, chửi nhau khi chia tiền đâu có phải là những biểu hiện của sự đểu giả. Phải là bịp bợm, gian manh, lừa đảo với khách hàng, như một số tài xế taxi ngày nay, chạy loanh quanh lòng vòng cho lộ trình dài thêm, hoặc chỉnh cho đồng hồ tính tiền chạy nhanh hơn, v.v... thì mới là đểu chứ! Vậy ta không nên chỉ vì không nắm vững “lộ trình” của chữ nghĩa mà nghĩ oan cho nghề đểu cáng thời xưa.       

Sự thật là, ở đây, ta đang có hai từ “đểu” riêng biệt (chỉ đồng âm với nhau), mà chúng tôi xin ghi là “đểu1” và “đểu2”. “Đểu1” có nghĩa là “người hoặc nghề gánh thuê”, nay đã trở thành một từ cổ, nghĩa là không còn được sử dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày nữa. Từ “đểu” này từng được dùng rộng rãi từ Bắc chí Nam nên ta sẽ không ngạc nhiên khi biết J.-B.-P. Trương-Vĩnh-Ký đã đối dịch “portefaix” (phu khuân vác) là “đểu, thằng đểu” trong Petit dictionnaire français-annamite (Sài Gòn, 1887). “Đểu1” có một từ cùng trường nghĩa là “cáng”, thời xưa dùng để chỉ loại võng có mui, mắc vào đòn do hai người khiêng, ngày nay dùng để chỉ loại dụng cụ để khiêng người bệnh hoặc người bị thương, hai bên có hai cái đòn ló ra ở hai đầu cho dễ nắm. Vì cùng một trường nghĩa nên xưa kia hai từ “đểu1” và “cáng” đã được người sử dụng ngôn ngữ kết hợp với nhau thành từ tổ đẳng lập “đểu1 cáng” để chỉ chung nghề hoặc người làm công việc khiêng thuê gánh mướn. Đây vốn là một từ tổ mang tính trung hòa về mặt biểu cảm (không đề cao, cũng không lên án) và tuyệt nhiên không hề có cái nghĩa liên quan đến thói đểu giả.

Còn “đểu2” là một vị từ tĩnh (tính từ) có nghĩa là “xỏ lá”, “bịp bợm”, “gian manh”, v.v… Đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở từ ghi bằng chữ [刁] mà âm Hán Việt hiện đại là “điêu”, có nghĩa là “gian xảo”, “dối trá”. Về mối quan hệ ngữ âm lịch sử giữa vần “-iêu” với vần “-êu” (giữa “điêu” và “đểu”) thì ta có nhiều dẫn chứng: - chữ “tiêu” [標]  (= nêu lên cho dễ thấy), có âm xưa là “têu” (trong “đầu têu”) và vốn phải đọc là “biêu”, nên còn có âm xưa là “bêu” (trong “bêu đầu”; “bêu riếu”); - chữ “khiếu” [叫] (= gọi), vốn đọc “kiếu”, có âm xưa là “kêu”; - chữ “liêu” [寮] (= nhà thấp nhỏ), có âm xưa là “lều” (trong “lều chõng”); - chữ “nghiêu” [堯]  (= cao) có âm xưa là “nghêu” (trong “lêu nghêu”); chữ “thiểu” [愀] (= vẻ lo nghĩ, sầu não) có âm xưa là “thểu” (trong “thất thểu”); v.v... Còn về thanh điệu thì các thanh 1 (không dấu), 4 (dấu hỏi) và 5 (dấu sắc) chuyển đổi với nhau cũng là chuyện bình thường. Vậy “đểu2” là một từ độc lập với “đểu1” và cho dù từ nguyên mà chúng tôi nêu ra có sai thì “đểu2” cũng hoàn toàn không phải do “đểu1” phái sinh mà ra.

Vậy thì hai từ “đểu1” và “đểu2” không có dây mơ rễ má gì với nhau về mặt từ nguyên. Vì thế cho nên, ở đây ta không có một sự chuyển biến tự nhiên từ “nghĩa gốc” đã biết của hai tiếng “đểu cáng” đến “nghĩa hiện hành” của nó, như bài viết kia đã nêu và như nhiều người vẫn tưởng. Ở đây, ta chỉ có những hiện tượng mà thỉnh thoảng chúng tôi có nói đến khi trả lời cho bạn đọc. Đó là những sự cố ngôn ngữ (accidents linguistiques), thể hiện ở sự đan xen hình thức (croisement de formes) và kéo theo nó là sự lây nghĩa (contamination de sens) do từ nguyên dân gian gây ra mà thôi. Với từ nguyên dân gian, người sử dụng ngôn ngữ thường thay từ mà mình không hiểu được bằng từ mà mình đã biết nghĩa để hiểu nghĩa của cả cụm từ hữu quan. Sau đây là một thí dụ: “lang bạt” là hình thức rút ngắn của “lang bạt kỳ hồ” [狼跋其胡] trong tiếng Hán, có nghĩa là “con sói giẫm lên cái yếm da dưới cổ nó (nên lúng túng không bước đi được)”. Do đó, trong tiếng Hán, “lang bạt” là “lúng túng”, “khó xử lý”, v.v... Nhưng sang đến tiếng Việt thì người ta đã đồng hóa tiếng trước với “lang” trong “lang thang”, “lang bang”, “lang chạ”, v.v… và tiếng sau với “bạt” trong “phiêu bạt”, “xiêu bạt”, “bạt gió”, v.v…, nên “lang bạt” mới có cái nghĩa là “sống lang thang, nay đây mai đó”.

Khốn nỗi từ điển gia có khi cũng “chơi” từ nguyên dân gian. Mà không phải từ nguyên dân gian “chính tông” do dân gian tạo ra lâu ngày đã trở thành thông dụng nên phải chấp nhận mà ghi vào từ điển. Đây lại là từ nguyên dân gian mới toanh do chính từ điển gia “sáng tạo” trong khi làm quyển từ điển của mình. Từ điển từ Việt cổ của Nguyễn Ngọc San - Đinh Văn Thiện (Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.84), chẳng hạn, đã giảng “dàng” là “trời” và cho thí dụ lấy từ Thiên Nam ngữ lục:

Tháng ba mồng chín tiết lành

Hội này sãi vãi tụng kinh cúng dàng.

Có lẽ hai tác giả của quyển từ điển này là những “fan” cuồng nhiệt của ông “Yang” Bahnar và Tây Nguyên - mà cái tên thường được Kinh hóa, cả trong từ điển, thành “Giàng” - nên hai vị mới đem tên ông ta - mà các vị đã đổi “gi-”  thành “d-” - để trám vào chỗ của động từ “dàng” trong ngữ động từ “cúng dàng” chăng? Chứ chỉ cần lật Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến đức ra ở chữ “cúng” thì ta có thể thấy “cúng dàng” được giảng là:

 “(Tiếng nhà chùa) tức là “cung-dưỡng” [供養]  đọc trạnh. Đem lễ vật cúng vào nhà chùa. Đã thường làm phúc lại hay cúng-dàng (Phạm Công - Cúc Hoa)”.

Đấy, “dàng” ở đây chỉ là tha hình (allomorph) của “dưỡng” [養] chứ  từ thời tạo ngôn lập ngữ, tiếng Việt (Kinh) làm gì có từ “dàng” với nghĩa là “trời”!

Trở lại với hai tiếng “đểu cáng”, ta thấy từ tổ này không còn được dùng để chỉ chung nghề hoặc người làm công việc khiêng thuê gánh mướn nữa. Với nghĩa này, nó đã trở thành một đơn vị từ vựng cổ xưa, thường gọi là từ cổ. Nhưng sở dĩ nó vẫn còn tồn tại trong tiếng Việt hiện đại với nghĩa “gian manh”, “xỏ lá” là do đã xảy ra một sự cố ngôn ngữ như đã xảy ra với hai trường hợp “lang bạt” và “cúng dàng” ở trên. Trong từ tổ “đểu cáng”, vì không còn biết được cái nghĩa cổ xưa của nó, nên người sử dụng ngôn ngữ đã đưa “đểu2” (gian manh, xỏ lá) vào thay cho “đểu1” (người hoặc nghề gánh thuê). Thế là thực chất ở đây ta đã có “đểu2 cáng”, chứ không còn là “đểu1 cáng” như thời xưa nữa! Trong “đểu2 cáng” thì “đểu2” (gian manh, xỏ lá) và “cáng” (phu khiêng thuê) thuộc về hai trường nghĩa hoàn toàn khác nhau. Do đó mà đây không thể là một từ tổ đẳng lập; nó chỉ là một từ tổ “trật vuột”, đứng chân thấp chân cao nên đi cà thọt mà thôi. “Đểu2” chiếm chỗ của “đểu1” là một sự cố ngôn ngữ và với sự cố này thì đã xảy ra một sự đan xen hình thức trong đó “đểu2” đã chồng khít lên “đểu1”. Rồi vì “đểu1” đã trở thành một từ cổ nên người sử dụng ngôn ngữ ngày nay không còn biết đến nghĩa của nó nữa (dĩ nhiên là trừ những nhà nghiên cứu). Họ bèn đem cái nghĩa của “đểu2” mà gán cho cả từ tổ “đểu cáng” hiện hành. Đó là sự lây nghĩa và cái nghĩa bị lây này chẳng những không phải nghĩa gốc của “đểu1 cáng” mà càng không phải là nghĩa phái sinh từ nó. Để cho nhất quán với danh từ “sự cố” (accident), chúng tôi gọi đây là “sens accidentel”, tức là “nghĩa sự cố” (nghĩa do sự cố mà ra). Riêng về số phận của từ “cáng” trong “đểu cáng” hiện nay, ta không thể dùng cái khái niệm “tiếng đệm” hoàn toàn lỗi thời để chỉ nó. Về nguồn gốc và bản chất, nó hiển nhiên là một từ thực thụ. Chẳng qua là, ở đây, nó đang sống nhờ vào danh tử “đểu” -  mà thực chất đã là “đểu2” - bị nó ăn bám để tồn tại trong lời ăn tiếng nói mà thôi. Vì vậy nên chúng tôi gọi nó là từ ký sinh.

Tóm lại, trong từ tổ “đểu cáng” hiện hành thì “cáng” là một từ ký sinh còn nghĩa của từ tổ này chỉ là một nghĩa sự cố, hoàn toàn không phải nghĩa gốc, càng không phải là nghĩa phái sinh.

A.C