Ngành Thủy sản ra công điện ứng phó bão Yagi

11:17 | 06/09/2024

41 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Để phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do bão số 3, Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) vừa có công điện gửi Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai (PCTT) Sở NN&PTNT; Chi cục Thủy sản các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi.
Ngành Thủy sản ra công điện ứng phó bão Yagi
Chủ động đưa tàu cá về neo đậu tại các khu neo đậu tránh trú bão - Ảnh minh họa

Bão số 3 được xem là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 10 năm trở lại đây. Vào sáng nay 5/9, bão đã mạnh cấp 15, giật trên cấp 17. Khả năng cao, cường độ bão sẽ tăng lên cấp 16 hôm nay trên vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông.

Trong 24 giờ tới, vùng biển khu vực bắc Biển Đông có sóng biển cao 7-9 m, vùng gần tâm bão 10-12 m. Biển động dữ dội.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, từ tối và đêm 6/9, bão có thể vào Vịnh Bắc Bộ, kèm theo mưa, gió tăng rõ rệt. Vào chiều và đêm 7-8/9 sẽ có mưa to. Dự báo đến chiều 8/9, gió ven biển giảm, mưa tập trung ở Tây Bắc bộ.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão khi đổ bộ có thể mạnh cấp 13-14, giật trên cấp 17. Bão hiện di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, với tốc độ khoảng 10-15 km/h.

Thực hiện Công điện số 86 ngày 3/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Công điện số 6475 ngày 2/9/2024 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT về việc ứng phó với bão số 3, Ban chỉ huy PCTT chuyên ngành thủy sản đề nghị Ban chỉ huy PCTT Sở NN&PTNT; Chi cục Thủy sản các tỉnh từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi thực hiện một số nội dung cấp bách sau:

Thông báo, kêu gọi tàu cá đang hoạt động trên biển trong vùng ảnh hưởng của bão số 3 di chuyển khỏi khu vực dự kiến bão đi qua, chủ động đưa tàu cá về neo đậu tại các khu neo đậu tránh trú bão; yêu cầu các tàu cá đang hoạt động trên các vùng biển chịu ảnh hưởng của bão số 3 và các khu vực có thời tiết xấu phải thường xuyên liên lạc về các trạm bờ và các đài thông tin duyên hải để nắm thông tin về thời tiết tại khu vực tàu cá đang hoạt động.

Kiểm đếm, báo cáo số tàu cá đang hoạt động trên các vùng biển, số tàu cá đã về khu neo đậu và số tàu cá dự kiến có thể tiếp nhận thêm trong khu neo đậu tránh trú bão của địa phương; kiên quyết sơ tán người dân trên các tàu cá tại khu neo đậu, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào bờ.

Chủ động theo dõi tình hình, tham mưu cấm biển nhằm đảm bảo an toàn cho người, tài sản tùy theo diễn biến của bão số 3; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn tàu cá, tài sản và ngư dân khi có yêu cầu.

Hướng dẫn các cơ sở nuôi trồng thủy sản hoạch thủy sản nuôi đến kỳ thu hoạch hoặc thu tỉa tại các khu vực chịu ảnh hưởng của mưa, bão; khẩn trương gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn cho người và tài sản người dân.

Báo cáo kịp thời tình hình ứng phó với thiên tai về Ban chỉ huy PCTT chuyên ngành thủy sản qua email: pclbts.trucban@gmail.com trước 07 giờ 00 phút và 15 giờ 00 phút hằng ngày.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT (Cơ quan thường trực ứng phó bão số 3) cho biết, đến hôm nay (5/9), đã có 51.000 tàu cá và hơn 90.000 người được thông tin về tình hình diễn biến của bão số 3. Các phương tiện đang di chuyển tránh trú về nơi an toàn.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường cho hay, toàn tỉnh có gần 2.900 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển đã thực hiện gia cố và tổ chức di chuyển người lên bờ từ sáng nay. Dự kiến hoàn thành công việc này trước ngày 6/9.

Đối với tỉnh Nam Định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Lan Anh thông tin, toàn tỉnh hiện có 1.714 phương tiện tàu, thuyền với 5.287 ngư dân. Đến 10 giờ ngày 4/9, toàn bộ tàu, thuyền của tỉnh đã nhận được thông tin; số người trên các lều, chòi trông coi đầm bãi đã nhận được thông báo về diễn biến, hướng đi của bão từ các đơn vị, địa phương và đang trên đường vào bờ. Tại các bến, bãi, cảng cá neo đậu tàu, thuyền của tỉnh hiện có 1.797 phương tiện với 5.533 ngư dân vào neo đậu, tránh trú.

Theo Báo Điện tử Chính phủ