Ngành Thép: Khủng hoảng thừa và bài học đầu tư

19:53 | 26/02/2012

873 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2011 cả nước có đến 23 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu toàn quốc đạt 96,3 tỉ USD. Ngành Thép tuy xuất khẩu mạnh nhưng vẫn đang lâm vào tình cảnh khủng hoảng thừa.

Hậu quả của đầu tư dàn trải

Năm 2011, sản lượng thép trong nước các loại đạt 7 triệu tấn, trong đó thép tròn là 3,773 triệu tấn, phôi thép đạt 1,145 triệu tấn.

Xuất khẩu thép đã tăng mạnh cả về lượng và giá trị: đạt 1,8 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,64 tỉ USD, tăng 56,2% so với năm 2010. Trong khi, ngành Thép nhập khẩu 7,197 triệu tấn, phôi thép nhập 827.000 tấn.

Hiện nay, ngành Thép đang xảy ra tình trạng dư thừa một số loại thép như thép xây dựng, ống thép, thép cuộn cán nguội… Công suất thép xây dựng của cả nước lên tới hơn 9 triệu tấn, trong khi nhu cầu năm 2012 chỉ đạt 6 triệu tấn.

Sản phẩm thép xây dựng ứ đọng nhiều do các dự án đầu tư bất động sản vẫn "lạnh”.

Tuy nhiên, khi nói về tốc độ tăng trưởng, ông Phạm Chí Cường – Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, GDP năm nay tăng trưởng 6% thì khả năng sản xuất và tiêu thụ thép sẽ chỉ tăng 3 – 4% so với năm 2011. Con số này chỉ bằng 1/5 so với tốc độ tăng 20% so với giai đoạn 2005 – 2010.

Tuy tốc độ có giảm so với năm trước nhưng về khối lượng thực, thép vẫn dư thừa khoảng 3 triệu tấn và tiếp tục rơi vào tình trạng khủng hoảng… thừa.

Và bài học đầu tư

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), năm 2011 có tới 6 doanh nghiệp thép phá sản. Nguyên nhân là quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ quá lạc hậu, thị trường tiêu thụ co hẹp, chính sách tiền tệ thắt chặt nên không tìm được nguồn vốn đầu tư. Theo thống kê, còn khoảng 30% doanh nghiệp ngành Thép vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu trong sản xuất, hơn 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ ở mức trung bình, còn lại một số ít doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến. Có thể thấy, vấn đề sống còn của ngành Thép năm 2012 là phải đầu tư cho công nghệ.

Năm 2012, Chính phủ tiếp tục đặt trọng tâm là kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, đầu tư công duy trì ở mức thấp nên nhu cầu xây dựng sẽ giảm. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, việc nâng cao “sức khỏe” cho các doanh nghiệp thép được coi là ưu tiên hàng đầu hơn là phải sản xuất bằng mọi giá. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định quy hoạch ngành Thép nhưng với thực trạng phát triển quá “nóng” hiện nay thì ngành Thép cần có một bản quy hoạch lại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2012 của ngành Công Thương đã đặt câu hỏi: Chúng ta mua phôi về, cán thành thép với giá điện rẻ rồi lại xuất khẩu, có nên khuyến khích không?.

Hiện nay, giá điện ở Việt Nam thấp hơn các nước khác, các doanh nghiệp đã tận dụng lợi thế này để cán thép xuất khẩu. Về mặt giá trị, ngành xuất khẩu có lợi nhưng liên quan đến chiến lược phát triển ngành điện và công cuộc tiết kiệm điện, cán phôi thép rồi xuất khẩu có còn tính khả thi?.

Thị trường tiêu thụ thép trong nước vẫn “lạnh” bởi các dự án bất động sản vẫn nằm im chờ tín hiệu hạ lãi suất từ ngân hàng. Bởi vậy, xu thế doanh nghiệp làm thép xuất khẩu được cho là khả dĩ nhất.

Tuy nhiên, lộ trình cam kết gia nhập WTO và AFTA (khu vực mậu dịch tự do ASEAN) đang được tiến hành nên hàng rào thuế quan phải giảm dần, gây khó khăn lớn cho ngành Thép nếu muốn hướng ra xuất khẩu. Trong khi đó, thép nhập khẩu từ Trung Quốc với ưu thế giá rẻ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mức độ sản xuất của các doanh nghiệp thép trong nước.

Bộ Công Thương cho biết, hiện nay ngành Thép nhập khẩu tới trên 60% lượng phôi và khoảng 70% lượng thép phế. Do đó, nhu cầu về ngoại tệ là rất lớn, nhưng ngành này lại không được xếp vào diện được ưu đãi về tín dụng ngoại tệ. Hơn nữa, việc phải quá phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đã dẫn đến tình trạng giá thép Việt Nam phải đi theo giá thế giới.

Tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và cơ cấu sản xuất, liên kết sáp nhập là hai biện pháp được hai ngành này đề ra để tháo gỡ khó khăn trong 2012.

Năm 2012, một số dự án thép vẫn tiếp tục được xây dựng như dự án thép Liên hợp ở Lào Cai, dự án giai đoạn II của Gang Thép Thái Nguyên, dự án Formosa Hà Tĩnh của Đài Loan… Đây là những dự án sử dụng công nghệ tiên tiến nên hy vọng sẽ đem lại cho ngành Thép những tín hiệu vui mới.

Đức Chính