Nga thử thách sự kiên nhẫn của OPEC?

11:42 | 28/06/2023

224 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nga vẫn duy trì mối quan hệ với Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Tuy nhiên, sau hơn 1 năm xảy ra xung đột Nga - Ukraine, dường như mối quan hệ giữa Nga với Arập Xêút và các thành viên OPEC khác đang rạn nứt.
Nga thử thách sự kiên nhẫn của OPEC?
Tổng thống Nga Vladimir Putin

Gây tổn hại cho OPEC?

Năm 2022, Nga đã phát triển quan hệ năng lượng với các cường quốc cởi mở bằng dầu và khí đốt giá rẻ, sau khi Mỹ và châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực năng lượng của Nga.

Thực tế cho thấy, Nga đã thành công trong việc thu hút những thị trường khổng lồ như Ấn Độ và Trung Quốc, trở thành nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất của Trung Quốc vào đầu năm 2023. Tuy nhiên, Nga có thể đang gây tổn hại cho OPEC - tổ chức đã hỗ trợ ngành dầu khí Nga trong những năm qua.

OPEC đã tiến hành mở rộng để đưa Nga vào Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) trong năm 2016, do Arập Xêút lãnh đạo. Khi Nga thua lỗ trong việc bán dầu cho phương Tây, OPEC+ dường như ủng hộ Nga kiếm lợi từ giá dầu cao, đồng ý cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu cao.

Thế nhưng, tại cuộc họp định kỳ của OPEC+ hồi đầu tháng 6-2023, có thông tin cho rằng, các quan chức Arập Xêút không hài lòng với động thái của Nga. OPEC+ đã đồng ý giảm sản lượng dầu 500.000 thùng/ngày tại một cuộc họp vào tháng 4, nhưng Nga vẫn tiếp tục cung cấp một lượng lớn dầu giá rẻ cho thị trường để hỗ trợ nền kinh tế đang chững lại của mình, mặc dù nhóm G7 đã áp đặt mức giá trần 60 USD/thùng đối với dầu xuất khẩu của Nga.

Nga dường như muốn giành được sự ủng hộ của OPEC để hưởng lợi từ giá dầu cao vốn gây bất lợi cho các quốc gia thành viên khác của OPEC. Việc cắt giảm sản lượng lặp đi lặp lại của OPEC đã đẩy giá dầu ngày càng cao hơn trong quá khứ, song phép Nga lại chào giá thấp hơn so với OPEC để thu hút người mua và tiếp tục bán dầu thô.

Ấn Độ, Trung Quốc và một số quốc gia khác cho đến nay vẫn phớt lờ các lệnh trừng phạt của phương Tây, tận dụng “cơ hội vàng” để tích trữ dầu thô giá rẻ của Nga. Diễn biến này vô tình khiến các quốc gia thành viên OPEC bị mất thị phần. Điển hình, trong 2 tháng đầu năm 2023, Nga đã vượt Arập Xêút để trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc, vận chuyển khoảng 1,94 triệu thùng/ngày cho gã khổng lồ châu Á, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Nga thử thách sự kiên nhẫn của OPEC?
Việc Nga tăng sản lượng dầu thô trong khi OPEC cắt giảm khiến nhiều quốc gia không hài lòng

Đi tìm sự minh bạch

Các quốc gia thành viên của OPEC có vẻ đang mất niềm tin vào Nga, khi Bộ trưởng Năng lượng Arập Xêút nói rằng, ông đã chán ngấy việc các thành viên của OPEC không đạt được các mục tiêu về sản lượng dầu mỏ và đang tìm kiếm sự minh bạch hơn về sản lượng dầu từ Nga.

Các thành viên OPEC đang tìm cách thúc đẩy sản lượng dầu của họ. Tuy nhiên, nếu Nga tiếp tục chào bán giá thấp hơn so với OPEC và phớt lờ vấn đề hạn ngạch, có thể dẫn đến tình trạng hỗn loạn trong OPEC. Ngoài ra, do xuất khẩu dầu của Nga tăng mạnh, bất chấp việc cắt giảm sản lượng của OPEC, giá dầu vẫn tiếp tục giảm.

Cuối cùng, Nga có thể cần phải bán lỗ dầu thô của mình để duy trì mức xuất khẩu, điều gây bất lợi cho nền kinh tế.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với hãng tin Reuters, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, nhấn mạnh rằng, Nga sẽ tiếp tục phát triển nhiều hình thức quan hệ đối tác với các quốc gia Arập và vùng Vịnh, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng.

Ông Peskov nói: “Nga sẽ tiếp tục hợp tác với nhiều quốc gia trong thế giới Arập, trước hết là các quốc gia vùng Vịnh, nhằm cố gắng bảo đảm năng lượng có mức giá hợp lý, nhất là dầu mỏ. Nga đang hướng đến những nước trong OPEC+. Nhìn chung, chúng tôi rất hài lòng với cách mà quan hệ của chúng tôi đã phát triển. Chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy điều này... Thế giới rộng lớn hơn nhiều so với chỉ phương Tây và giàu có hơn nhiều so với khu vực này. Hiện nay, phần lớn GDP toàn cầu không được tạo ra từ phương Tây, mà từ những phần khác của thế giới đang có xu hướng phát triển năng động hơn nhiều so với các quốc gia phương Tây... Thế giới đang bước vào thời kỳ chuyển đổi rất quan trọng, vì đã có nhiều thay đổi về tình hình kinh tế, chính trị và luật pháp quốc tế”.

Loay hoay với bài toán hạn ngạch

Trong khi đó, OPEC dường như không thể thống nhất về hạn ngạch của chính họ. OPEC+ đã nhóm họp vào đầu tháng 6-2023 để thảo luận về một thỏa thuận mới, với khả năng điều chỉnh hạn ngạch của các quốc gia thành viên. Việc cắt giảm sản lượng bổ sung lên tới 1 triệu thùng/ngày đã được xem xét tại cuộc họp như một phương án giúp đẩy giá dầu tăng lên. Nhưng ý tưởng này đã bị bác bỏ do lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Người ta tin rằng, nhà lãnh đạo OPEC+ là Arập Xêút cần phải có giá dầu thô Brent vượt ngưỡng 80 USD/thùng để thanh toán chi tiêu chính phủ và hóa đơn nhập khẩu.

Giá dầu thế giới đã biến động mạnh trong những năm gần đây do đại dịch Covid-19 và những tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine. Giá chuẩn dầu Brent đã tăng lên hơn 130 USD/thùng, thời điểm nổ ra xung đột ở Ukraine vào năam 2022 và kể từ đó đã giảm xuống dưới 70 USD/thùng vào tháng 3-2023.

Chuyên gia David Fyfe của Argus Media cho hay: “Chúng ta đang chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế chậm lại ở các nước phát triển, gần như dẫn đến suy thoái. Chúng tôi không nghĩ rằng nhu cầu dầu ở Trung Quốc sẽ tăng nhiều trong vài tháng tới. Vì vậy, thị trường sẽ không thắt chặt trong nửa cuối năm nay”.

Giá dầu giảm đáng kể thời gian qua được xem là tín hiệu may mắn cho người tiêu dùng, vốn đang đối mặt với suy thoái kinh tế và gồng gánh chi phí năng lượng cực cao năm 2022. Điều này phần lớn là do Nga đã sử dụng việc cắt giảm sản lượng của OPEC để cung cấp dầu giá rẻ cho hai trong số những nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc.

Nếu Nga tiếp tục với cách thức này, nhiều người quan ngại Nga khó có thể giữ được sự ủng hộ từ OPEC+.

Ấn Độ, Trung Quốc tận dụng “cơ hội vàng” để tích trữ dầu thô giá rẻ của Nga. Trong 2 tháng đầu năm 2023, Nga đã vượt Arập Xêút để trở thành nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất của Trung Quốc, vận chuyển khoảng 1,94 triệu thùng/ngày cho gã khổng lồ châu Á, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Quỹ OPEC giúp các nước đang phát triển chuyển dịch năng lượngQuỹ OPEC giúp các nước đang phát triển chuyển dịch năng lượng
Đột nhiên Nga thay đổi kế hoạch xuất khẩu dầuĐột nhiên Nga thay đổi kế hoạch xuất khẩu dầu
Cường quốc dầu mỏ mới nổi không quan tâm đến việc gia nhập OPECCường quốc dầu mỏ mới nổi không quan tâm đến việc gia nhập OPEC

Minh Quân