Nga lách lệnh cấm vận dầu mỏ của EU

09:11 | 01/12/2022

1,391 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Nga đã vận chuyển dầu đến Trung Quốc qua tuyến đường biển phía Bắc. Lệnh cấm vận dầu mỏ Nga của Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực trong một tháng nữa khiến tuyến đường này trở nên hấp dẫn hơn bởi nó ngắn hơn, nhanh hơn, đồng thời không phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Nga lách lệnh cấm vận dầu mỏ của EU
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong cuộc gặp ở Sochi, Nga

Lần vận chuyển dầu mỏ đầu tiên của Nga qua tuyến đường biển phía Bắc diễn ra vào năm 2019. Nhưng không có lần tiếp theo nào nữa, điều này khá hợp lý, vì thị trường tiêu thụ chính của dầu Nga là châu Âu ở gần đó.

Các nhà phân tích của Kpler cho biết, các lệnh trừng phạt của châu Âu hiện nay khiến tuyến đường biển phía Bắc trở nên hấp dẫn hơn đối với Nga. Vì rất sớm thôi, kể từ ngày 5-12-2022, Nga sẽ không thể cung cấp dầu thô và các sản phẩm xăng dầu sang EU do các lệnh trừng phạt của châu Âu.

Theo hãng tin Bloomberg, hồi cuối tháng 10-2022, một tàu chở hàng neo đậu ở Murmansk đã chuyển dầu cho tàu phá băng đặc biệt Vasily Dinkov. Tàu chở dầu này đi trên tuyến đường biển phía Bắc và đến cảng Rizhao của Trung Quốc vào ngày 17-11-2022. Đây là chuyến vận chuyển dầu thứ 2 của Nga tới Trung Quốc thông qua tuyến đường biển phía Bắc.

Việc vận chuyển dầu thô tới Trung Quốc qua tuyến đường biển phía Bắc nhìn chung có thể mang lại nhiều lợi ích.

Đầu tiên, đó là tuyến đường ngắn nhất giữa châu Âu và Đông Á. Khoảng cách giữa Trung Quốc và các cảng ở vùng biển Baltic của Nga ngắn hơn một nửa so với qua kênh đào Suez. Một tàu chở hàng từ Murmansk sẽ đến Trung Quốc chỉ sau 2-3 tuần, so với 8 tuần đi theo tuyến đường truyền thống.

Thứ hai, việc đi lại qua tuyến đường biển phía Bắc hoàn toàn miễn phí và không phải cấp thêm giấy tờ khi đi qua biên giới các nước khác, không phải chờ đợi mất nhiều thời gian hoặc gặp cướp biển, không giống như tuyến đường phía Nam. Cơ sở hạ tầng của tuyến đường biển phía Bắc đã sẵn sàng, do Tập đoàn Rosatom bảo trì và không cần đầu tư hay cần thêm thời gian.

Cuối cùng, hơn tất cả, tuyến đường biển phí Bắc tránh được các lệnh trừng phạt của EU.

Vì thế, có một câu hỏi đặt ra: Tại sao lâu nay tuyến đường biển phía Bắc không trở nên phổ biến?

Nga lách lệnh cấm vận dầu mỏ của EU
Christophe de Margerie, tàu chở LNG phá băng đầu tiên trên thế giới, rời cảng Sabetta của Nga đến Đường Sơn, Trung Quốc theo tuyến đường biển phía Bắc

Thực tế là ngoài những lợi thế rõ ràng, tuyến đường này có rất nhiều vấn đề quan ngại. Đầu tiên là điều kiện hàng hải khắc nghiệt nhất trên hành tinh. Tuyến đường biển phía Bắc của Nga đi qua các tảng băng trôi với nhiệt độ cực thấp.

Một vấn đề khác là cần phải có những con tàu đặc biệt và tàu phá băng để vận chuyển hàng hóa. Vào mùa đông ở Bắc Cực, hầu như không thể duy trì nhiệt độ cần thiết trong các tàu chở dầu thông thường. Điều này đòi hỏi các tàu chở hàng đặc biệt phải duy trì nhiệt độ chính xác, chưa kể đến những yêu cầu liên quan đến tính chuyên nghiệp của thủy thủ đoàn. Nga phải tạo ra một hạm đội lớn, chưa từng có ở bất kỳ đâu trên thế giới, để việc vận chuyển dầu qua tuyến đường này thường xuyên và quy mô, sẽ mất rất nhiều thời gian.

Một vấn đề nữa là việc giãn cách xã hội liên tục ở Trung Quốc do Covid-19 đã khiến lượng dầu tiêu thụ giảm xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua, khiến lượng cung cấp dầu thô khó tăng.

Tất cả những vấn đề đó không thể được giải quyết nhanh chóng, đòi hỏi những khoản đầu tư lớn, do đó, sẽ rất khó tăng cường vận chuyển dầu qua tuyến đường biển phía Bắc đến châu Á trong những năm tới. Nga phải tìm khách hàng châu Á theo hợp đồng dài hạn. Từ nay cho đến lúc đó, dầu sẽ được vận chuyển qua kênh đào Suez bằng tàu chở hàng Aframax.

Lưu ý rằng, Nga không còn cung cấp nhiều dầu cho EU như trước. Nga hiện vận chuyển 1,2-1,4 triệu thùng dầu/ngày sang EU, trong khi tổng xuất khẩu dầu thô của Nga vào khoảng 4,5 triệu thùng/ngày.

Báo cáo nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA), có trụ sở tại Phần Lan, trong tháng 10-2022, Nga đã thu về gần 22 tỉ USD từ xuất khẩu nhiên liệu hóa thạch. So với tháng 9, doanh thu đã giảm 7%. Đây cũng là con số thấp nhất từ khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra. Hơn nữa, doanh thu từ tất cả các sản phẩm tinh chế đều giảm, trừ khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Ngoài tuyến đường biển phía Bắc, CREA cảnh báo, dầu của Nga đang tìm “đường vòng” để đến được các nước phương Tây. Tại COP27, đại diện CREA khẳng định: “Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành con đường đi vòng mới cho dòng chảy dầu Nga. Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang gia tăng hạn ngạch tinh chế dầu thô Nga”.

Trên thực tế, khi cuộc chiến Nga - Ukraine nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng nhập khẩu dầu thô từ Nga. Cùng lúc, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng xuất khẩu sản phẩm tinh chế dầu mỏ vào châu Âu và Mỹ. Trong tháng 9 và 10-2022, hạn ngạch xuất khẩu đã tăng 85% so với giai đoạn tháng 7-8. Do đó, CREA nhấn mạnh: “Mặc dù EU sẽ cấm nhập khẩu dầu thô Nga từ ngày 5-12-2022, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ là một lỗ hổng nghiêm trọng”.

CREA khuyến nghị EU và Mỹ siết chặt lệnh cấm vận bằng cách đưa quyết định từ bỏ những sản phẩm tinh chế có nguồn gốc từ dầu thô Nga. Ông Lauri Myllyvirta - nhà phân tích của CREA - nhấn mạnh rằng, Nga phụ thuộc rất nhiều vào lĩnh vực vận tải của châu Âu để vận chuyển nhiên liệu hóa thạch.

Ông Lauri Myllyvirta nhận xét: “Nga xuất khẩu ít nhất 50% lô hàng bằng tàu của các công ty thuộc EU. Nga cũng thuê dịch vụ bảo hiểm hàng hải của Anh hoặc EU. Do đó, châu Âu đang sở hữu những phương tiện gây áp lực rất mạnh mẽ”.

Theo tuyến đường biển phía Bắc, khoảng cách giữa Trung Quốc và các cảng ở vùng biển Baltic của Nga ngắn hơn một nửa so với đi qua kênh đào Suez. Một tàu chở hàng từ Murmansk đến Trung Quốc chỉ sau 2-3 tuần, so với 8 tuần đi theo tuyến đường truyền thống.

S.Phương