Nga cắt khí đốt tới Đan Mạch
Nga cắt khí đốt tới một loạt nước châu Âu giữa lúc căng thẳng leo thang (Ảnh minh họa: AFP). |
"Tại Orsted, chúng tôi kiên quyết từ chối thanh toán bằng đồng rúp và chúng tôi đã chuẩn bị cho tình huống này. Tuy vậy, chúng tôi vẫn kỳ vọng có thể cung cấp khí đốt cho khách hàng của mình", Mads Nipper, chủ tịch tập đoàn và giám đốc điều hành của công ty năng lượng Đan Mạch Orsted cho biết hôm 31/5.
Orsted hôm 30/5 cảnh báo nguồn cung khí đốt từ Nga có thể bị cắt, đồng thời cho biết họ đã chuẩn bị để giảm thiểu rủi ro trong việc tiếp cận nguồn cung lớn hơn bao gồm việc bổ sung cho các cơ sở lưu trữ khí đốt ở Đức và Đan Mạch.
"Vì không có đường ống dẫn khí đốt đi thẳng từ Nga đến Đan Mạch, nên Nga sẽ không thể trực tiếp cắt nguồn cung khí đốt cho Đan Mạch. Đan Mạch vẫn có thể có được nguồn khí đốt khác. Mặc dù vậy, điều này có nghĩa là nguồn khí đốt cho Đan Mạch cần được mua trên thị trường khí đốt châu Âu với lượng lớn hơn. Chúng tôi hy vọng điều này có thể được thực hiện", thông báo của Orsted cho biết.
Theo viện nghiên cứu châu Âu Bruegel, khoảng 4% trong tổng tiêu thụ năng lượng của Đan Mạch là từ khí đốt Nga.
Trước đó, Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga xác nhận sẽ cắt nguồn cung khí đốt cho tập đoàn kinh doanh khí đốt GasTerra của Hà Lan từ ngày 31/5. Việc tạm ngừng cung cấp khí đốt bắt đầu từ ngày 31/5 cho đến khi Hà Lan đáp ứng yêu cầu thanh toán theo điều khoản đã nêu rõ trong sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Hồi tháng 3 năm nay, để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây, Tổng thống Putin đã ban hành sắc lệnh yêu cầu tất cả các nước "không thân thiện", trong đó bao gồm toàn bộ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU), phải thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp hoặc sẽ bị cắt nguồn cung.
Sắc lệnh này đã vấp phải sự phản đối của châu Âu. EU cáo buộc Nga sử dụng khí đốt như "công cụ tống tiền" và điều này là "không chính đáng, không thể chấp nhận được". EU phụ thuộc lớn vào nguồn cung khí đốt từ Nga khi nhập khẩu khoảng 40% nguồn cung từ Nga trong năm 2021. Một số nước như Bulgaria thậm chí phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn cung từ Moscow.
GasTerra từng cảnh báo, Moscow có thể cắt nguồn cung khí đốt do công ty này từ chối thanh toán bằng rúp, giống như Nga đã làm với Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan. GasTerra cho biết thêm, họ không có kế hoạch thanh toán cho Gazprom bằng đồng rúp vì điều đó vi phạm lệnh trừng phạt của EU.
EU cũng tiếp tục áp lệnh trừng phạt Nga, tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng của nước này. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, lãnh đạo EU ngày 30/5 đã đạt được đồng thuận về việc cấm nhập khẩu một phần dầu mỏ từ Nga.
"Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào EU. Thỏa thuận này ngay lập tức có hiệu lực với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga", ông Michel cho hay trong một dòng tweet vào tối 30/5.
Theo Dân trí
-
Tin tức kinh tế ngày 8/9: Lãi suất huy động diễn biến trái chiều
-
Bộ Công Thương: Nghiêm trị lợi dụng mưa bão đầu cơ trục lợi nhu yếu phẩm
-
Cung ứng xăng dầu ổn định ngay sau cơn bão số 3
-
Thị trường các tỉnh, thành miền Bắc cơ bản được đảm bảo sau bão số 3
-
Ngành Công Thương phải triển khai quyết liệt, toàn diện để khắc phục hậu quả bão số 3